Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo (01/8/1930-01/8/2012)

  • /
  • 2.8.2012 - 15:6

Năm 2000, Bộ Chính trị T.Ư Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá T.Ư và Ban Khoa giáo T.Ư hợp nhất thành Ban Tuyên giáo T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.

                82 năm qua, tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức và đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo có những thay đổi, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên trận địa tư tưởng, lý luận, văn hoá, khoa học, giáo dục về cơ bản là thống nhất và xuyên suốt; truyền thống vẻ vang của Ngành vẫn được giữ vững và phát huy. Đội ngũ cán bộ, chuyên viên Ban Tuyên giáo cả nước nói chung không ngừng nỗ lực phấn đấu, ngày càng hùng hậu, trưởng thành, “vừa hồng vừa chuyên”, luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của ngành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với Huân chương Sao Vàng cao quý và nhiều phần thưởng khác mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng.

Lúc sinh thời trong muôn vàn công việc Bác vẫn luôn quan tâm theo dõi hoạt động của Ban tuyên giáo, kịp thời động viên, cổ vũ và hướng dẫn nghiệp vụ cho anh em làm nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Chỉ hơn một tháng sau khi nước nhà giành được độc lập Bác đã căn dặn đội viên tuyên truyền xung phong: "Phải biết rõ mục đích tuyên truyền của mình và trước khi định công tác ở đâu phải đặt rõ kế hoạch. Phải biết chịu kham khổ. Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần. Về đức tính này, phải học theo những người đi truyền giáo. Chớ có lên mặt "Quan cách mạng". Chớ có tưởng đi tuyên truyền đây là đi dạy người ta chứ không cần học lại người ta, lãnh đạo người ta chứ không chịu người ta phê bình. Một lần khác nói chuyện với anh em cán bộ tuyên truyền Bác lại căn dặn: "Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền, coi đó là tổ chức quan trọng hàng đầu để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng. Nhân ngày Quốc tế đỏ 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng 1-8”, lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô viết. Trong cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh và kể cả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những cán bộ tuyên truyền của Đảng vẫn gan góc chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng công nông, thắp trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi ngày mai của Đảng, của dân tộc.

Càng tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, về ngành Tuyên giáo trong chặng đường qua bao nhiêu, chúng ta càng thấy trách nhiệm vẻ vang và to lớn trước Đảng, trước Tổ quốc, trước nhân dân bấy nhiêu. Hiện nay, khi bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi, trình độ khoa học công nghệ đã có sự phát triển vượt bậc, nội dung và phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, tuyên truyền của Ðảng ta nói chung, của Ðảng bộ Bình Thuận nói riêng cũng phải có những thay đổi, điều chỉnh, thích ứng cần thiết. Chúng ta phải xác định rõ: Ðây là một giai đoạn vô cùng khó khăn, với rất nhiều thách thức đối với những người làm công tác tuyên giáo. Hơn bao giờ hết, những người làm công tác tuyên giáo phải bám sát mục tiêu lý tưởng cách mạng, đường lối chính sách của Ðảng và sự lãnh đạo của cấp ủy; gắn liền với công tác tổ chức, với phong trào hành động của quần chúng, tư tưởng gắn với hành động, nói đi đôi với làm; phân tích đúng hoàn cảnh, đánh giá đúng đối tượng, dự báo tình hình chính xác và chủ động trong công tác tư tưởng. Làm được điều đó những người cán bộ tuyên giáo chúng ta mới thật sự là những người truyền lửa, truyền tình cảm cách mạng, truyền niềm tin và lý tưởng cộng sản đến quần chúng nhân dân. Muốn truyền niềm tin ấy, bên cạnh tri thức, trí tuệ, người cán bộ tuyên giáo cần phải có bản lĩnh chính trị kiên trung, vững vàng, có những phẩm chất văn hóa tiến bộ và tính nhân văn sâu sắc. Vì nói đến tuyên giáo là nói đến niềm tin, là nói đi đôi với làm, là tâm phục khẩu phục.

Cùng với ngành Tuyên giáo cả nước, 82 năm qua, ngành Tuyên giáo tỉnh nhà đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương Bình Thuận phát triển. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm, coi trọng công tác tuyên giáo. Trong kháng chiến và cũng như trong công cuộc Đổi mới hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, công tác tuyên giáo đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương với các hình thức, phương pháp hoạt động linh hoạt, đã làm tốt công tác động viên, tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh nâng cao nhận thức, củng cố lòng tin vào đường lối đổi mới của Đảng, thống nhất ý chí và hành động, đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới.

                                                                                                   

                                                          Lê Thị Phương

 


  • |
  • 750
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT