Vài suy nghĩ về bài học “lòng dân”

  • /
  • 4.2.2012 - 9:48

Thế giới trong năm 2011 vừa qua cho chúng ta bài học cảnh giác trước những kịch bản diễn biến hòa bình muôn hình vạn trạng và rất nhãn tiền, sáng tỏ thêm về khái niệm thù trong giặc ngoài và nhận thức sâu sắc về mối quan hệ giữa chính trị và lòng dân...

Tình trạng bất ổn hiện hữu từ những ngày đầu năm cho đến tháng cuối cùng của năm như khủng hoảng và suy thoái; xung đột và chiến tranh; cướp bóc và khủng bố; động đất, sóng thần và bão lũ... Kinh tế bất ổn, chính trị bất ổn, thiên nhiên càng bất ổn. Tình trạng bất ổn hiện hữu trong từng khu vực, từng quốc gia phương Tây đến nhiều nước phương Đông… đã gây nên “thời tiết chính trị” nóng lạnh bất thường ảnh hưởng tới nước ta. Ở trong nước, những vấn đề mới nảy sinh, bức xúc về tư tưởng, trong dư luận quần chúng nhân dân, đặc biệt là những vấn đề mang tính nhạy cảm cao liên quan đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị ở địa phương. Từ thực trạng đó, chúng tôi xin nêu một vài suy nghĩ.

Một là, để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong công tác tư tưởng, các cấp ủy Đảng cần thực hiện thật tốt việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, phát hiện kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Trên cơ sở đó, kịp thời định hướng dư luận, uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, đồng thời tuyên truyền, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, việc phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng quan trọng hơn, chính trị phải vững, xã hội phải ổn, lòng dân phải yên. Xã hội bất ổn, lòng dân bất an, thì không thể có chính trị vững, kinh tế dù có tăng trưởng ở mức nào đi nữa, cũng kém phần ý nghĩa!

Ba là, giữ con tàu đất nước thăng bằng giữa đại dương bất ổn để cập bến bình yên, là một thắng lợi của toàn dân, toàn Đảng. Nhưng hành trình phía trước con tàu của chúng ta vẫn muôn vàn thác ghềnh, sóng gió. Nguy cơ đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ và sự hưng vong của dân tộc từ sự suy thoái đạo đức, từ sự quan liêu, tham nhũng đã được báo trước, giờ đang trở nên cụ thể. Một trong những thông điệp mạnh mẽ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuyển đến toàn Đảng, toàn dân từ hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4, khóa XI vừa diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2011, chính là cảnh báo về nguy cơ đó. Đó chính là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm... Vấn đề đặt ra là, tại sao các nghị quyết, chỉ thị chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ trước tới nay chưa được thực hiện tốt, các giải pháp đề ra chưa đi vào thực tiễn? Câu trả lời có thể tìm thấy là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa tích cực thực hiện, chưa chủ động tham gia cuộc đấu tranh đó. Tình trạng có một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có điều kiện cuộc sống vật chất đầy đủ hơn trước, nhưng vẫn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nguyên nhân chính của tình trạng này một phần là do công tác giáo dục chính trị tư tưởng không được quan tâm đúng mức. Hiện nay đang có hai xu hướng diễn ra: một bộ phận cán bộ, đảng viên có đời sống khá, thậm chí giàu có thì tôn sùng vật chất, đồng tiền, coi thường đạo lý, kỷ cương, bị cuốn theo lối sống xa hoa, hưởng thụ; một bộ phận khác có đời sống khó khăn, thấp kém nên dẫn đến bi quan, dao động, bị lôi kéo, mua chuộc, kích động, lợi dụng..., từ đó sinh ra tiêu cực, suy thoái… Do vậy, việc cần thiết là nghiên cứu đề ra các giải pháp phòng chống và hướng dẫn thực hiện một cách sâu kỹ, quyết liệt, đồng bộ và phù hợp từng đối tượng để góp phần làm chuyển biến tình hình như Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư mong đợi.

Tư là, hiện nay và sắp tới đây, chắc chắn các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng khoét sâu sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tuyên truyền làm mất niềm tin vào Đảng, vào chế độ. Trong lúc đó, trên mặt trận tư tưởng, báo chí tuyên truyền, chúng ta “vào cuộc” chưa kịp thời, chưa đủ mạnh, thậm chí lúng túng, bị động. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Internet còn quá ít bài viết đấu tranh phản bác lại các luận điệu của chúng. Chưa có nhiều bài viết kịp thời mang tính định hướng dư luận xã hội về các sự kiện và vấn đề nhạy cảm liên quan đến công tác đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ và kích động của các thế lực thù địch, đặc biệt là trên Internet vô cùng lợi hại; hình thành nên một phòng tuyến tích cực để có thể phản công hiệu quả, gĩư vững niềm tin của nhân dân - cội nguồn làm nên sức mạnh của chế độ ta.

Người xưa đã nói: đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Chiêm nghiệm thành chân lý từ bao đời, vẫn nóng hổi tính thời sự trong bối cảnh đất nước ta hiện nay. Nếu niềm tin giữa dân với Đảng, Đảng với dân được tạo lập, củng cố, thì toàn dân đồng lòng đồng sức, sức dân như sức nước, sẽ nâng thuyền và đẩy thuyền đi tới, băng qua thác ghềnh, sóng gió./.

      Dương Tự

 


  • |
  • 779
  • |

Các tin khác