Các dân tộc, tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam

  • /
  • 3.1.2012 - 16:22

Việt nam có 54 dân tộc anh em, trong số đó có những dân tộc sinh ra và phát triển trên mảnh đất Việt Nam, có những dân tộc từ nơi khác lần lượt di cư từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang rồi định cư trên lãnh thổ nước ta.

             Dân số giữa các dân tộc không đều nhau, có dân tộc có số dân trên một triệu người như Tày, Thái... nhưng cũng có dân tộc chỉ có vài trăm người như PuPéo, Rơ-măm, Brâu...; dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, có trình độ phát triển cao, là lực lượng đoàn kết, đóng vai trò chủ lực và đi đầu trong quá trình đấu tranh lâu dài dựng nước và giữ nước, góp phần to lớn vào việc hình thành, củng cố và phát triển cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ở nước ta không có tình trạng dân tộc đa số cưỡng bức, đồng hoá, thôn tính các dân tộc ít người, do đó không có tình trạng dân tộc ít người chống lại dân tộc đa số. Ngày nay, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, các dân tộc anh em tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

54 dân tộc anh em luôn nêu caotruyền thống đoàn kết trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, xây dựng một cộng đồng dân tộc thống nhất. Nói về nguồn gốc dân tộc Việt Nam đã có nhiều truyền thuyết như truyện "Quả bầu mẹ" giải thích các dân tộc có chung nguồn gốc; truyện "Ðôi chim" đẻ ra hàng trăm, hàng ngàn trứng nở ra người Kinh, người Mường, người Thái, người Khơ-mú...; truyện của dân tộc Ba-na, Ê-đê kể rằng người Kinh, người Thượng là anh em một nhà; đặc biệt là truyện Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng nở ra trăm người con, một nửa theo cha xuống biển trở thành người Kinh, một nửa theo mẹ lên núi thành các dân tộc thiểu số. Vua Hùng được coi là Tổ tiên chung của các dân tộc. Các tài liệu lịch sử cũng cho thấy, người Việt, người Mường là con cháu của người Lạc Việt, là chủ nhân của nền văn hoá Ðông Sơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc tách nhóm Việt -Mường thành các dân tộc là một quá trình lâu dài, bắt đầu vào cuối thiên niên kỷ I, đầu thiên niên kỷ II sau công nguyên. Người Tày, Thái, Nùng là những bộ phận của người Tày, Thái cổ, trong quá trình lịch sử đã tách thành các dân tộc Tày, Thái, Nùng. Người H'mông, Dao xưa kia có cùng nguồn gốc, sau tách thành các dân tộc H'mông, Dao và Pà Thẻn. Cũng có những dân tộc khác nhau về nguồn gốc lịch sử như các dân tộc La Hủ, Lô Lô, Vân Kiều, Sán Dìu...Song dù cùng hoặc không cùng một nguồn gốc sinh ra, có sự khác nhau về tâm lý, phong tục, tập quán... thì đều là người trong một nước, con trong một nhà, vận mệnh gắn chặt với nhau, các dân tộc nước ta luôn kề vai sát cánh bên nhau, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Ðoàn kết trong lao động và trong chiến đấu là truyền thống nổi bật nhất của các dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Trong sự nghiệp cách mạng do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống ấy càng được phát huy cao độ, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới đất nước rất to lớn và đáng tự hào cho thấy khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta đã có tầm cao mới và chiều sâu mới, là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của đất nước, làm cho thế và lực của cách mạng nước ta ngày càng được tăng cường.
Do những nguyên nhân lịch sử, xã hội và hoàn cảnh tự nhiên nên các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đều nhau. Ðặc biệt các dân tộc ít người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, điều kiện canh tác nương rẫy không ổn định; cuộc sống du canh, du cư; hậu quả của sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến và đất nước phải liên tục đối phó với chiến tranh xâm lược trong nhiều năm nên đời sống của đồng bào thường bấp bênh dẫn tới đói nghèo, bệnh tật, không bình đẳng giữa các dân tộc. Giải quyết hậu quả lịch sử này phải có quá trình phấn đấu tích cực, bền bỉ, lâu dài mới làm cho các dân tộc từng bước tiến kịp trình độ chung. Trách tình trạng có nơi, có lúc xẩy ra những va chạm trong quan hệ dân tộc, mặc cảm, thành kiến dân tộc. Đó là lý do, các lực lượng thù địch đã lợi dụng để kích động chia rẽ dân tộc (Tây Nguyên 2001, 2004, Mường Nhé- Điện Biên 2011). Do đó việc tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ của mỗi người dân Việt Nam.
            Việt Nam là quốc gia có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Người Kinh có các hình thức tín ngưỡng dân gian, thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ Thành hoàng, thờ những người có công với cộng đồng, dân tộc, thờ thần, thờ thánh, nhất là tục thờ Mẫu của cư dân nông nghiệp lúa nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số với hình thức tín ngưỡng nguyên thuỷ (còn gọi là tín ngưỡng sơ khai) như Tô tem giáo, Bái vật giáo, Sa man giáo. Khi đất nước bị xâm lược thì cũng bị thâm nhập từ bên ngoài: Phật giáo, Lão giáo, Nho giáo, Công giáo, đạo Tin lành; có tôn giáo được sinh ra tại Việt Nam như Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo. Ước tính, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 80% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Với sự đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo nói trên, người ta thường ví Việt Nam như bảo tàng tôn giáo của thế giới. Đa số tín đồ các tôn giáo là người lao động, chủ yếu là nông dân rất cần cù trong lao động sản xuất và có tinh thần yêu nước. Trong các giai đoạn lịch sử, tín đồ các tôn giáo cùng với các tầng lớp nhân dân làm nên những chiến thắng to lớn của dân tộc. Tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam có nhu cầu cao trong sinh họat tôn giáo, nhất là những sinh họat tôn giáo cộng đồng mang tính chất lễ hội. Một bộ phận tín đồ của một số tôn giáo vẫn còn mê tín dị đoan, thậm chí cuồng tín dễ bị các phần tử thù địch lôi kéo, lợi dụng.
            Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được xây dựng trên quan điểm cơ bản của học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo và căn cứ vào đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Với tư tưởng nhất quán, xuyên suốt là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc. Nghị quyết BCHTW7 (khóa IX) khảng định "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật". Cả nước hiện có 56.125 chức sắc, nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp của các tổ chức tôn giáo, trong đó Phật giáo có 33.066 tăng ni; Thiên chúa giáo có 42 giám mục, 2.700 linh mục và 11.282 tu sĩ, Tin lành có 492 mục sư, giảng sư và truyền đạo; Cao Đài có 8.340 chức sắc, chức việc; Phật giáo Hoà hảo có 982 chức việc và Hồi giáo có 699 chức sắc; 3 học viện Phật giáo với trên 1.000 tăng ni sinh, 30 trường trung cấp Phật học, 4 trường cao đẳng phật học với 3.940 tăng ni sinh theo học. Giáo hội Thiên chúa giáo có 6 Đại chủng viện với 1.085 chủng sinh và 1.712 chủng sinh dự bị. Viện Thánh kinh thần học của Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đã chiêu sinh hai khoá với 150 học sinh. Hiện có hàng trăm người của các tôn giáo đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước trên thế giới. Cả nước có 22.000 cơ sở thờ tự, trong đó có nhiều cơ sở được xây dựng mới, xây dựng lại khang trang, đẹp đẽ. Đó là bằng chứng sinh động về đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giaó là nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo và cũng là những công dân của Việt Nam. Cho đến nay, Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 31 tổ chức tôn giáo và tiếp tục xem xét theo tinh thần của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Có thể khẳng định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đã và đang diễn ra bình thường ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Làm đầu mối giúp đỡ, hướng dẫn các tôn giáo đi tới thống nhất về tổ chức (9.226 người được phong chức, gần 100.000 chức sắc, chức việc, 2.009 người được lưu chuyển). Xây dựng Hiến chương đường hướng hành đạo theo phương châm "tốt đời, đẹp đạo", gắn bó với dân tộc.
 Những khó khăn hiện nay là một số tôn giáo có tư tưởng vọng ngoại, thoát ly sự quản lý của Nhà nước; thay đổi lớn về quy mô, đường hướng... để chống ta. Đội ngũ quản lý Nhà nước về tôn giáo chưa thống nhất về nhận thức trong xử lý vụ việc theo các luật, quy định từng lĩnh vực. Người nước ngoài tham gia, can thiệp vào tôn giáo ở nước ta tăng lên. Sẽ có nhiều thế lực thù địch tìm cách chống phá nước ta hơn nữa, lấy lý do tôn giáo, nhất là bọn phản động, thù địch vì lý do bảo vệ nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo, sắc tộc, dân tộc...       
                                                             Bích Hoàn                     

  • |
  • 11734
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT