MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN

  • /
  • 16.5.2011 - 0:0

SEQAP, tên gọi tắt của “Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học” (tên tiếng Anh đầy đủ là: SCHOOL EDUCATION QUALITY ASSURANCE PROGRAM) được triển khai nhằm mục đích cải thiện chất lượng giáo dục thông qua xây dựng mô hình dạy học cả ngày.

Chương trình này được Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh cùng một số nguồn tài trợ khác và Bộ GD- ĐT là cơ quan đối tác và triển khai thực hiện. Mục tiêu lâu dài của dự án là xây dựng nền tảng cho việc áp dụng chương trình học tập cả ngày ở tất cả các trường tiểu học ở Việt Nam vào năm 2020. Mục tiêu trước mắt của dự án là phát triển hành lang chính sách cho mô hình FDS (tăng thêm thời lượng học tập của học sinh tại trường thông qua việc giảng dạy và học tập cả buổi sáng và buổi chiều). Theo đó, dự án sẽ thực hiện theo 4 nhóm:  một là, cải thiện hành lang chính sách cho quá trình chuyển đổi sang mô hình học tập cả ngày; hai là, hỗ trợ quá trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu của mô hình FDS; ba là, chi trả tiền lương bổ sung cho giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất trường học, một khoản trợ cấp cho nhà trường chi trả cho những hoạt động tăng thêm và một khoản trợ cấp cho bữa ăn trưa của học sinh và hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường; bốn là, hỗ trợ các điều kiện để bảo đảm quản lí và thực hiện dự án. Tỉnh ta nằm trong 32 tỉnh, thành của cả nước được chọn tham gia dự án SEQAP giai đoạn 2009- 2015.

Tại Bình Thuận, ngày 25/5/2010, Sở Giáo dục và đào tạo đã tổ chức khởi động dự án SEQAP. Toàn tỉnh có 6 huyện, với 12 trường tiểu học gồm Phong Phú 2, Vĩnh Hanh (Tuy Phong); Hòa Thắng 1, Sông Lũy 2 (Bắc Bình); Hàm Trí 2, La Dạ 1, Đông Giang (Hàm Thuận Bắc); Hàm Cần 1 (Hàm Thuận Nam); La Ngâu, Sông Dinh, Đức Bình 2 (Tánh Linh) và Thắng Hải 1 (Hàm Tân), với tổng số 157 lớp, 3.669 học sinh trực tiếp thụ hưởng dự án.

Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo điều hành SEQAP tỉnh và tuyển chọn điều phối viên cộng đồng. Các huyện tham gia dự án cũng đã có quyết định thành lập Ban quản lí SEQAP cấp huyện và đi vào hoạt động chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động một cách nghiêm túc, đúng qui định

Các phòng GD&ĐT đã tiếp cận và tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện khá đồng đều và bước đầu đạt hiệu quả. Các trường tiểu học tham gia chương trình SEQAP đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên theo qui định. Việc tổ chức dạy học cả ngày theo mô hình T30 (30 tiết học/tuần, tức là tương đương với tổ chức cho học sinh học thêm 2 buổi/tuần) đạt kết quả khá tốt; chất lượng học tập cuối học kỳ 1 vừa qua so với cùng kỳ năm trước có chuyển biến tiến bộ rõ (Môn Tiếng Việt: giảm 1,94%, môn Toán:  giảm 1,53% so với cùng kì năm trước). Việc tổ chức bán trú ăn trưa (hiện nay là 2 bữa ăn trưa /tuần) và sử dụng các nguồn quỹ của dự án đúng mục đích. Nhiều trường đã vận động để phụ huynh tự nguyện đóng góp thêm kinh phí nhằm cho con em mình được ăn bữa trưa bảo đảm nhiều dinh dưỡng hơn. Việc giải ngân kinh phí năm 2010 thực hiện khá tốt, đúng qui định (được đoàn kiểm tra dự án của trung ương biểu dương). Năm 2010, đã giải ngân được 814,05 /4.253 triệu VNĐ  kế hoạch (tỉ lệ: 19,14%).

Tuy nhiên, việc thực hiện dự án trong thời gian qua còn một số hạn chế như: kinh phí thực hiện chương trình chuyển về các trường chưa kịp thời; các ban quản lí còn lúng túng trong việc thực hiện các mục chi và quyết toán kinh phí theo qui định; công tác xây dựng cơ sở vật chất tiến triển chậm (đến nay chưa giải ngân được kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất); một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu của dự án về tỉ lệ giáo viên/lớp; tỉ lệ học sinh ăn và nghỉ trưa tại trường còn thấp…

Hy vọng trong thời gian còn lại của dự án, các ban quản lí và các trường học rút kinh nghiệm và tiếp tục tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt hơn theo mục tiêu của dự án đề ra./.

Tuyết Nhi


  • |
  • 767
  • |

Các tin khác