Trên cơ sở đó, Hội Người cao tuổi tỉnh Bình Thuận được hình thành. Qua 16 năm hoạt động, Hội đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xây dựng và phát triển đất nước, quê hương. Thông qua các phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Tuổi cao gương sáng”,… vị thế, vai trò của người cao tuổi đã được nâng cao. Đặc biệt, một bộ phận người cao tuổi tuy tuổi cao, sức yếu vẫn tích cực cùng con cháu tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu quê hương.
Toàn tỉnh đã thành lập 11 Ban đại diện Hội người cao tuổi cấp huyện, 127 chi hội cơ sở cấp xã, phường, với 70.450 hội viên (tính đến tháng 6/2011). Trong đó, hội viên từ 90 tuổi trở lên có 3.644 người. Mặc dù tuổi cao nhưng người cao tuổi trong tỉnh luôn mẫu mực trong cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tuyên truyền vận động gia đình, nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nòng cốt trong các phong trào “Khuyến học, khuyến tài”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát triển kinh tế gia đình và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương,…
Trên lĩnh vực sản xuất, có từ 35- 40% người cao tuổi còn trực tiếp sản xuất. Trong đó, có 485 người cao tuổi là chủ trang trại, 533 người cao tuổi là chủ doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động. Nhiều người cao tuổi đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Điển hình như ông Phạm Ngọc Phúc xã Tân Thắng- Hàm Tân phát triển đàn bò, nuôi tôm, ba ba, hàng năm thu 60 - 70 triệu đồng; ông Nguyễn Xuân Thành (Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Hàm Cường- Hàm Thuận Nam) trồng hơn 7.000 trụ thanh long, thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Các cụ, ông Nguyễn Văn Thương (Phú Quý) sản xuất hải sản; bà Phạm Thị Mai Quyên (Phan Thiết) kinh doanh tổng hợp; ông Dương Hiển Mạnh (Phan Thiết) chế biến hải sản… cũng là những gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, đóng góp nhiều thuế cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Số hộ người cao tuổi nghèo hiện chiếm tỷ lệ 12,5%/ tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Để tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua tổ chức cơ sở hội đã có nhiều cuộc vận động người cao tuổi tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình hoặc vận động cho hộ nghèo được vay vốn làm kinh tế nên đến nay đã giảm được 4.644 hộ người cao tuổi nghèo.
Chăm sóc sức khỏe và tinh thần là nhiệm vụ được các cấp hội hết sức quan tâm. Khi có người ốm đau, hoạn nạn, các chi hội, tổ hội đều tổ chức thăm hỏi, động viên, dùng quỹ hội để giúp đỡ, qua đó giúp người hoạn nạn thêm niềm vui, bớt cô đơn trong tuổi già. Để người cao tuổi có cuộc sống tinh thần sống vui, sống khỏe, các cấp hội trong tỉnh đã thành lập 75 câu lạc bộ (CLB) thể dục thể thao, 48 CLB văn hóa - văn nghệ. Nơi đây trở thành những điểm giao lưu, sinh hoạt và chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, hàng ngày thu hút từ 5.000 - 6.000 người tham gia. Các CLB thường xuyên tổ chức giao lưu trong tỉnh và tỉnh bạn, như CLB Dưỡng sinh 19/5 Phan Thiết, CLB Dưỡng sinh thị trấn Liên Hương - Tuy Phong, CLB Dưỡng sinh thị trấn Chợ Lầu- Bắc Bình… Qua hoạt động giao lưu đã tạo điều kiện cho người cao tuổi vừa nâng cao niềm vui tinh thần, vừa trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Bên cạnh đó, Hội Người cao tuổi tỉnh cũng phối hợp với Hội Đông y tỉnh vận động phong trào trồng và hướng dẫn sử dụng cây thuốc nam gia đình, qua đó đã góp phần chữa một số bệnh thông thường và nâng cao sức khỏe người cao tuổi tại gia đình.
Các chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi được các cấp hội từ tỉnh đến huyện và cơ sở thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao. Hàng năm, hội người cao tuổi các cấp đã chủ động phối hợp với chính quyền rà soát danh sách người cao tuổi trong diện trợ cấp để thực hiện trợ cấp theo quy định của Nhà nước, nên hầu hết người cao tuổi trong diện đều được trợ cấp xã hội. Tính đến đầu năm 2011 có 13.032 người cao tuổi được trợ cấp xã hội, kể cả bảo hiểm y tế. (Hiện còn một số người cao tuổi chưa được thực hiện do hồ sơ cá nhân thiếu các giấy tờ chứng minh theo quy định. Hội Người cao tuổi đang đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu để thủ tục đơn giản, phù hợp hơn với điều kiện lịch sử trước kia).
Tuổi cao sức yếu nhưng ở điều kiện nào người cao tuổi nước ta cũng vẫn là lớp người đã có nhiều đóng góp to lớn cho xã hội, chỗ dựa tin cậy cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Ngày nay, đa số người cao tuổi nhận được chính sách trợ cấp của Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm chăm sóc của con cháu và xã hội, đã ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận người cao tuổi do kinh tế gia đình chưa thoát được nghèo khó hoặc thiếu sự quan tâm chăm sóc của con cháu, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là số neo đơn, không nơi nương tựa… Truyền thống người Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “kính lão đắc thọ”, vì vậy, các bậc con cháu và thế hệ trẻ hôm nay hãy nêu cao hơn nữa truyền thống “trọng lão” của dân tộc, tôn trọng và phát huy vai trò của người cao tuổi trong phát triển kinh tế- xã hội, chung tay chăm sóc người cao tuổi, góp phần động viên các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội./.
Nguyễn Năm