ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN VỀ THẮNG LỢI CỦA CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ XIII VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2011 - 2016

  • /
  • 21.6.2011 - 0:0

Ngày 5/1/2011 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

          I. Bối cảnh trong nước và thế giới khi diễn ra cuộc bầu cử:

          Thực hiện Chỉ thị trên đó, ngày 22/5/2011, cuộc bầu cử đã được tiến hành trên phạm vi cả nước và đã thành công tốt đẹp.

          Cuộc bầu cử diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa kết thúc thắng lợi. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo đã và đang thu được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trình độ dân trí được nâng lên, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đạt được những tiến bộ. Đó là những yếu tố thuận lợi cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức cuộc bầu cử.

          Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nước ta tổ chức đồng thời bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày nên khối lượng công việc rất lớn, có nhiều điểm mới. Các luật về bầu cử vửa được sửa đổi, bổ sung lần đầu tiên được áp dụng, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường đang được triển khai ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

          Tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp, bất ổn về chính trị, xung đột về tôn giáo, sắc tộc có chiều hướng gia tăng. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường thực hiện âm mưu và hành động chống phá đất nước ta; tuyên truyền, kích động phá hoại cuộc bầu cử. Kinh tế thế giới tiếp tục có biến động khó lường trước tác động của cuộc khủng hoảng. Kinh tế trong nước gặp khó khăn, lạm phát và giá cả tăng cao trong những tháng đầu năm đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

II. Thành công của cuộc bầu cử

          Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Thành công của cuộc bầu cử thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau đây:

          - Thứ nhất, cử tri đi bầu đạt tỷ lệ rất cao, khẳng định được ý thức chính trị, trách nhiệm công dân và lòng yêu nước của nhân dân ta, thể hiện niềm tin của nhân dân và sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của Nhà nước. Sự tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân là yếu tố quan trọng để cuộc bầu cử thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

          Ngày bầu cử diễn ra trong không khí phấn khởi, thực sự là sự kiện quan trọng, là ngày hội chính trị của toàn dân. Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, vui chơi được tổ chức tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Các tổ bầu cử đã khai mạc bầu cử theo đúng quy định, thể thức trang trọng. Ở nhiều nơi, không chỉ có các đồng chí lãnh đạo Đảng, lãnh đạo chính quyền, lão thành cách mạng mà còn có đông đảo cử tri tham dự lễ khai mạc.

          Tổng số cử tri đi bầu là 61.965.651 người, chiếm tỷ lệ 99,51%. Trong đó, bốn tỉnh là Lai Châu, Hà Giang, Hoà Bình, Lạng Sơn có cử tri đi bầu đạt cao 99,99%, địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu thấp nhất là Bắc Ninh cũng đạt 94,22%.

          - Thứ hai, phát huy được tinh thần dân chủ trong từng bước triển khai công tác bầu cử, từ việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng; đóng góp ý kiến, hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu được những người ứng cử đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng; tổ chức vận động bầu cử, đến việc bỏ phiếu bầu ra được những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho nhân dân trong cơ quan quyền lực nhà nước.

          Hội đồng bầu cử, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức phụ trách bầu cử đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời việc triển khai kế hoạch bầu cử, ban hành các văn bản có liên quan đến công tác bầu cử, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho quá trình chuẩn bị bầu cử đạt kết quả tốt.

          Các hội nghị hiệp thương ở các cấp được thực hiện dân chủ, công khai và đúng pháp luật. Việc niêm yết danh sách cử tri và danh sát, tiểu sử các ứng cử viên được thực hiện kịp thời, thuận tiện cho cử tri và nhân dân nghiên cứu, theo dõi. Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử thực hiện đúng tiến độ.

          - Thứ ba, công tác chuẩn bị, triển khai cuộc bầu cử đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra. Cuộc bầu cử diễn ra trong tình hình an ninh ổn định, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, không có các tình huống bất thường xảy ra.

          Hội đồng bầu cử thường xuyên cập nhật tình hình, kịp thời xem xét và xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị bầu cử và ngày diễn ra bầu cử. Các cấp, các ngành, địa phương quan tâm giải quyết kịp thời, đúng luật định những nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử. Cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử được chuẩn bị chu đáo.

          Lực lượng công an, quân đội đã có kế hoạch phối hợp với lực lượng tự vệ, dân phòng chủ động thực hiện tốt công tác bảo vệ cho cuộc bầu cử. Quần chúng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia bầu cử và công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử.

          Công tác bầu cử diễn ra khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Các quy định về thời gian bầu cử, công tác kiểm phiếu xác định kết quả bầu cử, công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo chuyển đến các tổ chức phụ trách bầu cử được thực hiện đúng.

          - Thứ tư, cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật, không có trường hợp phải bầu lại, bầu thêm đại biểu Quốc hội. Số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp bầu được gần đủ so với số lượng đại biểu đã được phê chuẩn.

          Ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội là 827 người. Tổng số người trúng cử đại biểu Quốc hội là 500 người, trong đó đại biểu Trung ương giới thiệu 167 người, chiếm 33,40%; đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương 333 người, chiếm 66,60%; đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu 333 người, đạt 66,60%.

          Ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là 306,068 người. Số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp bầu được như sau: cấp tỉnh 3.821 người, thiếu 8 người; cấp huyện 21.077 người, thiếu 47 người; cấp xã 278.758 người, thiếu 2.962 người.

          - Thứ năm, trình độ đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được nâng lên so với các nhiệm kỳ trước, đây là điều kiện để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử. Thành phần, cơ cấu đại biểu cơ bản phù hợp với dự kiến, phản ánh được tính đại diện rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân; tỷ lệ đại biểu tự ứng cử, tái cử đại biểu Quốc hội cao hơn.

          Đại biểu Quốc hội có trình độ trên đại học 229 người, chiếm 45,80%, đại học 262 người, chiếm 52,40%, dưới đại học 9 người, chiếm 1, 08%. Trong 500 đại biểu Quốc hội: đại biểu dân tộc thiểu số 78 người (15,60%); đại biểu phụ nữ 122 người (24,40%); đại biểu ngoài đảng 42 người (8,40%), đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 62 người so với dự kiến, tăng 5,81% so với khoá XII; đại biểu tự ứng cử 4 người (0,80%), tăng 3 người (0,06%) so với khoá XII.

          Theo báo cáo của 40/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh như sau: đại biểu dân tộc thiểu số 503 người (20,59%); đại biểu phụ nữ 588 người (24,07%); đại biểu ngoải đảng 113 người (5,44%); đại biểu trẻ tuổi (dưới 35) 255 người (10,44%); đại biểu tái cử 600 người (24,56%); đại biểu tự ứng cử 2 người (0,08%).

          - Thứ sáu, công tác tuyên truyền góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử. Các cấp ủy đảng, các cơ quan tham mưu về công tác tuyên truyền từ Trung ương đến địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang đã quan tâm chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử. Định hướng tuyên truyền về cuộc bầu cử được cơ quan Trung ương ban hành sớm, kịp thời giúp các ban, ngành, địa phưong chủ động xây dựng và tiến hành kế hoạch tuyên truyền.

          Công tác thông tin, tuyên truyền đã đóng góp quan trọng trong việc làm cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ được ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử, tạo sự nhất trí cao, sự ủng hộ nhiệt tình và tham gia tích cực bầu cử của cử tri cả nước; thu hút được sự quan tâm của báo chí và nhân dân nhiều nước, tạo được dư luận và đánh giá tốt về sự kiện chính trị quan trọng này của Việt Nam.

          Nhiều địa phương, ngành có những sáng tạo trong cách thức tuyên truyền; chủ động, bám sát tiến trình cuộc bầu cử để có nội dung tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm cho từng đợt, tạo được ấn tượng sâu trong nhận thức và tình cảm của cử tri, hỗ trợ trực tiếp cho công tác chuẩn bị bầu cử. Các hoạt động tuyên truyền về bầu cử được gắn với các hoạt động kỷ niệm khác như kỷ niệm Ngày Toàn thắng 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5, 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước gắn với kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người... cho nên càng tạo được sức lan toả rộng.

          Các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đã đồng hành cùng tiến trình cuộc bầu cử, thông tin kịp thời công tác chuẩn bị bầu cử ở Trung ương và địa phương và diễn biến ngày bầu cử trên toàn quốc.

          Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức chào mừng, cổ động cho cuộc bầu cử. Công tác cổ động trực quan được tiến hành sớm ở nhiều địa phương, tạo được một chuỗi thời gian tuyên truyền liên tục, khá hiệu quả.

          III. Nguyên nhân thành công của cuộc bầu cử

          - Một là, cuộc bầu cử thắng lợi là do có sự lãnh đạo chặt chẽ, toàn diện và kịp thời của Bộ Chính trị và các cấp ủy đảng trong từng bước triển khai chuẩn bị bầu cử.

          - Hai là, có sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước vào công tác chuẩn bị bầu cử, phát huy tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân đi bỏ phiếu bầu cử, trực tiếp góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước.

          - Ba là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, nhất là các cơ quan trực tiếp tham mưu, giúp việc phục vụ bầu cử đã chủ động thực hiện tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo chung về bầu cử bảo đảm đúng pháp luật và tiến độ đề ra.

          - Bốn là, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc động viên nhân dân tích cực tham gia cuộc bầu cử, thực hiện tốt công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.

          - Năm là, chính quyền và các cơ quan trong hệ thống chính trị các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, đã có nhiều nỗ lực, tích cực chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị bầu cử chu đáo, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chuẩn bị các cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cuộc bầu cử.

          - Sáu là, công tác thông tin, tuyên truyền đóng góp một vai trò quan trọng vào thắng lợi cuộc bầu cử, thông qua việc đưa đến cho nhân dân những kiến thức liên quan đến cuộc bầu cử, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân và cổ vũ, khích lệ cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

          IV. Một số định hướng công tác tuyên truyền

          1. Tập trung tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 là sự kiện chính trị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao ý thức chính trị cho người dân, thông qua nhiều biểu hiện, như: số cử tri đi bầu cao, cử tri thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc xây dựng nhà nước, niềm tin của cử tri vào cuộc bầu cử....

          2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để khắng định thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ mới.

          3. Khẳng định tính chất dân chủ, đúng pháp luật của cuộc bầu cử, như: quy trình, thể thức tiến hành vận động, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, công bố sớm và công khai rộng rãi danh sách và lý lịch trích ngang của các ứng cử viên, trình tự, thủ tục kiểm phiếu, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết sự cố phát sinh trong bầu cử... không để những thế lực thù địch công kích, xuyên tạc tác động đến tư tưởng, tâm trạng của nhân dân, ảnh hướng đến sự ổn định chính trị - xã hội.

          4. Phân tích số liệu, so sánh làm rõ những kết quả tích cực của cuộc bầu cử, thể hiện trong các số liệu trúng cử, cơ cấu đại biểu, trình độ đại biểu.... để khẳng định sự sáng suốt lựa chọn của nhân dân.

          5. Khẳng định chủ trương tổ chức đồng thời bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 vào cùng một ngày là đúng đắn và phù hợp với điều kiện hiện nay.

          6. Khẳng định việc một số ứng cử viên tuy không trúng đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là những người cũng có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, được cơ sở giới thiệu thông qua những quy trình nghiêm túc, trách nhiệm nhưng việc đưa ra số dư để chọn người tiêu biểu nhất là việc làm đúng nguyên tắc của cuộc bầu cử. Phê phán những ý kiến hoặc dư luận thiếu tinh thần xây dựng.

          7. Tuyên truyền về những đánh giá tích cực của dư luận thế giới và báo chí nước ngoài đối với cuộc bầu cử, nhất là đánh giá về những đổi mới của các cơ quan đại diện, cơ quan đại diện của nhân dân ở Trung ương và địa phương là Quốc hội và hội đồng nhân dân, bảo đảm dân chủ trong bầu cử...

          8. Số đại biểu tự ứng cử và trúng cử tăng hơn so với khoá trước, tuy nhiên các phương tiện thông tin đại chúng không nên khai thác quá đậm nét những thông tin liên quan đến việc số ứng cử viên tự ứng đã trúng cử hoặc không trúng cử.

          9. Thận trọng, chú ý khi thông tin, bình luận về những khu vực bầu cử lại hoặc bầu cử thêm, nơi có cơ cấu đại biểu chưa đạt định hướng ban đầu, nhất là cơ cấu nữ, cơ cấu dân tộc.

          10. Biểu dương những đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác bầu cử. Tuyên truyền tinh thần cầu thị, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác bầu cử để ngày càng đáp ứng được tốt hơn quyền, nghĩa vụ và yêu cầu của nhân dân về hoạt động này.     

                                                              BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG


  • |
  • 739
  • |

Các tin khác