NGUYỄN TẤT THÀNH DỪNG CHÂN DẠY HỌC Ở TRƯỜNG DỤC THANH - PHAN THIẾT

  • /
  • 18.5.2011 - 0:0

Bình Thuận, một tỉnh Cực Nam Trung bộ rất vinh dự và tự hào có trường Dục Thanh - Phan Thiết nơi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên Bác Hồ lúc đó) đã dừng chân dạy học trong năm 1910 - 1911, trước khi Người vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

          Sau Hiệp ước Patenotre do Triều đình nhà Nguyễn ký với Pháp năm 1884, Bình Thuận trực thuộc Trung kỳ. Ranh giới của tỉnh, phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Nai Thượng và Lâm Viên (nay là tỉnh Lâm Đồng); phía Bắc giáp đạo Ninh Thuận (nay là tỉnh Ninh Thuận); phía Đông Nam giáp biển đông và phía Nam giáp tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai).

Về giao thông ở Bình Thuận, từ năm 1890, Pháp cho điều chỉnh đường Cái quan có từ thời nhà Nguyễn chạy dọc ven biển lên vùng cao và sau đó làm con đường thuộc địa số I (nay là Quốc lộ 1A). Từ năm 1900 trở đi, nhiều con đường nội thị Phan Thiết, đường đi Di Linh, đường thuộc địa số 12 (nay là quốc lộ 28) v.v… đã được xây dựng. Cùng với xây dựng đường bộ, tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi Nha Trang qua Bình Thuận dài 180 km đã được xây dựng và năm 1903, đoạn đường sắt từ Mương Mán về Phan Thiết được tiến hành, đến năm 1911 đưa vào sử dụng. Về tuyến đường biển, do nhân dân làm nghề khai thác hải sản và do yêu cầu của ngành nghề nên đã hình thành nhiều cửa biển để neo đậu thuyền, cũng như làm nơi chuẩn bị ra khơi, như: cửa biển Liên Hương, Bình Thạnh, Mũi Né, Phú Hài, Cồn Chà, La Gi v.v… Cùng với khai thác hải sản, việc đưa hàng hóa của Bình Thuận đi các nơi và các nơi đến Bình Thuận (có khi chở người) đã có những ghe bầu và dùng buồm lợi dụng sức gió để lưu thông trên biển rất thuận lợi. Theo một số người dân lớn tuổi, thời đó muốn đi ra các tỉnh niềm Trung (kề cả Huế) thường dựa vào mùa gió Nam (gió Nồm) và muốn vào Nam Bộ nhờ vào gió Bấc. Như vậy, việc giao lưu giữa Bình Thuận với các tỉnh lúc bấy giờ chủ yếu là đường biển và đường sắt; còn đường bộ chưa có gì đáng kể, do phương tiện (ô tô) vốn ít và của nhà cầm quyền là chính.

Về giáo dục, trước khi Pháp xâm lược Việt Nam, hệ thống giáo dục của nhà Nguyễn đã có trường công ở tỉnh, phủ, huyện dạy chữ Nho (chữ Hán) cho học sinh để đi thi Hương, thi Hội, thi Đình. Còn các trường tư ở các làng xã do các thầy đồ, nho sĩ mở dạy cho con em trong địa phương. Đến năm 1907, Pháp ấn định nền giáo dục mới theo mô hình giáo dục của Pháp, thay thế cho nền giáo dục cũ, trong đó bỏ học và thi chữ Hán, nhưng ở Trung Kỳ vẫn duy trì cho đến năm 1919. Từ khi học theo chương trình giáo dục của Pháp, việc học hành trong tỉnh bị thu hẹp lại, một số xã đông dân mới có trường sơ học (gồm lớp 1 - 2 lớp đầu tiểu học). Còn trường Tiểu học toàn cấp chỉ có ở thị xã, thị trấn. Đầu năm 1924, Phan Thiết có trường Tiều học Pháp - Việt (nay là trường Tiểu học Đức Thắng 1).

Cũng như cả nước, sau khi triều đình Huế đầu hàng giặc Pháp, nhân dân Bình Thuận hưởng ứng “Hịch Cần Vương” đứng lên đánh giặc. Các phong trào chống giặc nổi lên ở Bình Thạnh, Hòa Thủy (Chí Công) thuộc phủ Hòa Đa (nay là huyện Bắc Bình, Tuy Phong) do các ông Phùng Hàn, Phùng Tố  Nguyễn văn Luận, Phạm Đoan lãnh đạo với khí thế “Bình Tây sát tả” đã đánh vào thành Bình Thuận lúc đó đóng tại làng Xuân An, tổng Đa Phước, phủ Hòa Đa (nay là thôn Xuân An, xã Chợ Lầu, huyện Bắc Bình). Phong trào chống Pháp do Ung chiếm lãnh đạo ở làng Lại An, phủ Hàm Thuận (nay là xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) đã nhiều lần vây đánh phủ đường Hàm Thuận, lúc đó đóng tại làng Phú Tài và các vùng lân cận (nay thuộc thành phố Phan Thiết). Trước khí thế của cuộc kháng chiến chống bọn tay sai của Pháp, ngày 03/7/1886, thực dân Pháp dùng 2 tàu chiến chở quân từ Sài Gòn đổ bộ lên vùng Phan Rí, cùng với quan quân triều đình Huế đàn áp phong trào yêu nước ở Bình Thuận, nhiều thủ lĩnh và nhân dân yêu nước bị chúng giết hại rất dã man.

Bước sang đầu thế kỷ XX, khi tiếng súng chống giặc theo “Hịch Cần Vương” bị kẻ thù dập tắt, thì phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản như: Phong trào Đông Du, Duy Tân và các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân trên đường Nam du đã dừng chân ở Bình Thuận. Năm 1905, các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp gặp các con của cụ Nguyễn Thông, một nhà yêu nước ở Nam Bộ ra Bình Thuận từ những năm 1865 để bàn “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”. Theo hướng đó, tháng 5/1906 Liên Thành Thơ Xã, một tổ chức hoạt động văn hóa được hình thành; tháng 3/1906, Liên Thành Thương Quán, hoạt động kinh tế mang tính dân tộc được khánh thành và năm 1907, Trường tư thục mang tên “Dục Thanh học hiệu” được xây dựng trong khuôn viên khu đất của nhà cụ Nguyễn Thông, ngụ tại phường Đức Thắng là trung tâm của Phan Thiết, do các ông Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lội con cụ Nguyễn Thông đứng ra sáng lập. Đây là một trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ.

Do điều kiện lúc bấy giờ, nên trường Dục Thanh với quy mô nhỏ hẹp, có diện tích 137 m2, không có phòng riêng, mái lợp ngói âm dương, cột và vách đều làm bằng gỗ. Ngoài phòng học chung với 21 bộ bàn ghế học sinh, trường lấy nhà Ngư (nơi chứa ngư lưới cụ và làm cá, mắm của gia đình cụ Nguyễn Thông) làm nơi nội trú của thầy giáo và trò ở xa đến trường dạy và học. Giáo viên nhà trường lúc nhiều nhất có 7 người, do ông Nguyễn Qúy Anh làm Hiệu trưởng. Học sinh lúc đông nhất có gần 60 người và trường được chia thành 4 lớp: tư, ba, nhì và nhất. Trường Dục Thanh dạy chữ Quốc ngữ là chính và bên cạnh đó có dạy thêm chữ Hán, chữ Pháp và môn thể dục. Các bài giảng đều là những bài thơ có nội dung yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp  v.v… nhằm giáo dục lòng yêu nước, phát động hưởng ứng phong trào Duy Tân đất nước, như :

…Trời đất hỡi! Dân ta khốn khổ!

 Đủ trăm đường thuế nọ, thuế kia,

                       Lưới vây, chài quét trăm bề

                   Róc xương róc thịt còn gì nữa đâu…

Trong chặng đường từ Huế đến Bình Thuận, anh Nguyễn Tất Thành đã dừng chân tại Quy Nhơn và rời Quy Nhơn theo chuyến ghe buôn, trên đường đi có ghé vào cửa biển Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận. Từ Ninh Chữ tiếp tục hành trình vào Duồng tìm đến nhà cụ Trương Gia Mô (Nghè Mô), một người cùng chí hướng với cha anh (cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc). Lúc này cụ Nghè Mô vừa được địch thả sau cuộc tham gia đấu tranh ở Huế, nhưng vẫn bị thực dân Pháp theo dõi gắt gao nên anh Thành được cụ Mô đưa về tạm nghỉ một thời gian ở chùa Phước An (nay thuộc xã Chí Công) để vừa tránh liên lụy đến anh Thành và để cụ có thời gian sắp xếp chuyện gia đình trước lúc đưa anh vào Sài gòn. Đến tháng 9 năm 1910 cụ Nghè Mô cùng anh Thành theo đường biển từ Duồng vào Phan Thiết gặp ông Nguyễn Qúy Anh để giới thiệu anh Thành vào dạy học tại trường Dục Thanh. Đó là thời gian anh Nguyễn Tất Thành đến dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết.

Khi dạy học ở trường Dục Thanh, thầy Thành ăn mặc giản dị, phù hợp với thanh niên đương thời, được ông Nguyễn Qúy Anh bố trí ở nhà Ngọa Du Sào, nhưng thầy lại ở nhà Ngư cùng chung với học sinh và các thầy giáo khác.

Thường ngày thầy Thành đến Ngọa Du Sào để đọc sách do cụ Nguyễn Thông để lại, với nhiều quyển sách có nội dung tiến bộ lúc bấy giờ. Thầy Thành còn vận động các thầy khác cùng đọc và góp thêm sách và thầy đã góp một số sách báo cho nhà trường. Thầy Thành còn học thêm tiếng Pháp do thầy Hải hướng dẫn.

Những ngày nghỉ, thầy Thành thường ra bến Cồn Chà gặp ngư dân, tìm hiểu cuộc sống của họ và tìm hiểu cách xác định phương hướng ngoài biển cũng như cách luyện tập đi biển.

Trong dạy học, thầy Thành được phân công dạy môn thể dục là chính và dạy môn Quốc ngữ, Hán văn và môn Pháp văn khi thầy khác bận việc. Cách dạy ở trường mô phỏng theo mô hình Đông Kinh Nghĩa Thục, tập trung vào các nội dung khơi dậy lòng yêu nước; vận động thực hiện duy tân đất nước và mở mang dân trí, rèn luyện thể lực cho thanh niên. Vừa học tiếng Pháp, vừa dạy tiếng Pháp, nhưng thầy đã sáng tạo đặt thơ tiếng Việt để dạy tiếng Pháp làm cho học sinh dễ hiểu, nội dung thơ mang tinh thần yêu nước, như:

          L’oau là nước, Maison là nhà.

          Nước nhà là nước nhà ta…

Khi học trò sai, thầy Thành chỉ nhắc nhở động viên, phê bình là chính, không đánh đập học sinh như một số giáo viên khác, đây cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng nhân cách học sinh của thầy Thành,

Ngoài giờ lên lớp, thầy Thành còn cùng với học trò gánh nước tưới cây, chăm sóc cây trong vườn. Trong đó cây khế do vợ cụ Nguyễn Thông trồng năm xưa, được thầy Thành chăm sóc cẩn thận (đến nay cây khế đã trên 150 tuổi). Và thầy còn đưa học trò đi tham quan ở bến đò Cà Ty, đi xem hát bội v.v…

Đối với thầy Thành, tuy vẫn giữ nội dung quan điểm giảng dạy của nhà trường, nhưng trong giảng dạy thầy đi sâu vào những vấn đề khó. Trong những lần tổ chức ngoại khoá thầy giải thích thêm cho học sinh hiểu những quan điểm tiến bộ như thầy đã lấy quan điểm “Trung - hiếu” trong 2 câu thơ của Nguyễn đình Chiểu ra giảng giải cho học trò và gắn trung - hiếu là trung với dân, với nước; trung hiếu với cha mẹ phải trung hiếu với dân, với nước, coi việc dân, việc nước như việc gia đình mình và cả trai và gái đều phải lấy trung hiếu làm đầu, v.v…Trong giảng bài, thầy có thói quen dừng lại hỏi học trò hiểu bài chưa. Khi cho điểm, những trường hợp không thuộc bài, thầy yêu cầu học trò học lại cho thuộc rồi mới cho điểm.

Tháng 2 năm 1911, cụ Nghè Mô vào Phan Thiết cùng anh Thành đi xe lửa vào Sài Gòn, lúc đầu ở tại nhà số 185/1 đường Cô Bắc, quận 1 - thành phố Hồ Chí Minh và sau đó chuyển đến chi nhánh Liên thành Thương quán ở số 5, đường Texta (nay là đường Châu Văn Liêm).

Như vậy, với thời gian gần 6 tháng dừng chân dạy học ở Phan Thiết, thầy Nguyễn Tất Thành đã thể hiện một lối sống hoà mình với cộng đồng dân cư địa phương, vừa sát dân am hiểu thực tế và cũng từ Phan Thiết có ý chí tập luyện để vượt đại dương sau này. Cũng tại Phan Thiết, người thanh niên - một thầy giáo đã dạy học theo một quan điểm mới mà ngày nay vẫn là bài học lớn ngành giáo dục nước ta, như: học tập kết hợp với thực tế, dạy nội dung cách mạng, giáo dục cho học trò những tư tưởng yêu nước chân chính, yêu nước là yêu dân, tổ chức ngoại khoá, thầy trò cùng tham gia xây dựng trường, xâm nhập thực tế ở địa phương.

Ngày 5/6/1911, người thanh niên ấy từ bến Nhà Rồng vượt đại dương đến 5 châu 4 biền tìm chân lý, tìm con đường giải phóng dân tộc theo tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê nin, giúp cách mạng Việt Nam thành công - độc lập - đi lên chủ nghĩa xã hội. Thời gian dạy học ở Phan Thiết chưa nhiều, nhưng đó là những hành trang ban đầu để Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.

Để tưởng nhớ công ơn Người - một thầy giáo - một lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của dân tộc đã dừng chân dạy học ở Phan Thiết một thời gian, từ năm 1978 Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tiến hành trùng tu Khu Di tích Dục Thanh năm xưa và từ 1983 xây dựng thêm Nhà trưng bày cùng với công viên, tượng đài về Người; diện tích tổng thể của 2 công trình (di tích và nhà trưng bày) gần 10.000 m2 nhằm lưu giữ, trưng bày những hoạt động của Người, của dân tộc và của địa phương; còn là nơi báo công, kết nạp Đoàn, kết nạp Đội, trao Huy hiệu Đảng. Nơi đây còn là tụ điểm du lịch - văn hóa để khách thập phương đến viếng Người. Tuy nhiên, những việc làm trên của địa phương vẫn chưa làm đầy đủ để thỏa đáng với công ơn của Người đối với dân tộc, đối với Bình Thuận.

Hôm nay, nhân kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Người và 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta tìm hiểu lại chặng đường Nguyễn Tất Thành  - Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dạy học ở Phan Thiết, Bình Thuận.

                                                     Phòng Lịch sử Đảng


  • |
  • 33514
  • |

Các tin khác