Nhìn lại công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh

  • /
  • 26.12.2011 - 10:3

Ngày 30/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 54-CT/TW “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 05-CT/TUy ngày 03/3/2006; Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở y tế Hướng dẫn số 04-HD/TG, ngày 28/3/2006 giúp các cấp uỷ Đảng các huyện, thị, thành uỷ, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn các Ban, ngành, đoàn thể, mặt trận việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản trên trong toàn tỉnh.

 Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS đã được các cấp uỷ, chính quyền triển khai thực hiện đồng bộ nhiều văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh phê duyệt chương trình hành động chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống và kiểm soát ma tuý; tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS...các huyện, thị, thành phố trong tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện ở địa phương đơn vị mình với 127/127 xã, phường, thị trấn và các cơ quan, mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong cộng đồng về nguy cơ của nạn dịch HIV/AIDS được chú trọng, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố phối hợp với các đoàn thể tập huấn kỹ năng, kiến thức vận động, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ và cộng tác viên về phòng chống HIV/AIDS, huy động đoàn viên, hội viên của các tổ chức đoàn thể ở địa phương tổ chức mít-ting, diễu hành nhân ngày quốc tế phòng chống HIV/AIDS hàng năm và nhiều hình thức tuyên truyền khác phong phú và đa dạng. Tuyên truyền, giáo dục sự đồng cảm trong cộng đồng, chống phân biệt đối xử với người bị lây nhiễm HIV/AIDS; Pháp lệnh phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS; truyền thông trực tiếp cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV…tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị miễn phí, khám và điều trị ngoại trú.
Các ngành, các cấp, các đoàn thể đã vào cuộc góp phần ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS với những việc làm thiết thực như Hội thảo, hội trại “tuổi trẻ giữ nước và phòng, chống HIV/AIDS”; tập huấn, nói chuyện, tọa đàm về AIDS trong công nhân viên chức và người lao động các cơ sở hội, đoàn của các đơn vị ngoài quốc doanh; phát động cuộc thi thuyết trình,tranh minh họa về phòng, chống HIV/AIDS; đưa nội dung về HIV/AIDS vào chương trình giảng dạy chính khoá trong trường phổ thông, trường Cao đẳng sư phạm và các trường Trung học chuyên nghiệp; tập huấn kiến thứ về phòng, chống HIV/AIDS cho chị em ở tuyến huyện và cơ sở, kể cả vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…có nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia với phương châm “mỗi chiến sĩ là một tuyên truyền viên” về phòng, chống HIV/AIDS trong quân ngũ và ngoài xã hội; nói không với ma tuý, mại dâm và HIV/AIDS; xây dựng thôn, khu phố văn hoá, gắn với 3 giảm; lồng ghép tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, bao cao su …giúp nhân dân địa phương nhận thức được mối hiểm hoạ của căn bệnh thế kỷ, nhận biết kiến thức cơ bản, cần thiết của việc phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
Quá trình tổ chức triển khai thực hiện, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận các cấp đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động về công tác phòng, chống HIV/AIDS; các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống các tệ nạn xã hội và đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả; một số xã, phường, thị trấn trọng điểm như ở thành phố Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh…thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, phường. Hàng năm các địa phương từ huyện đến xã, phường, thôn, khu phố tổ chức ký kết trách nhiệm về phong trào 03 giảm, chú trọng đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS, các cấp uỷ, chính quyền lồng ghép việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hàng năm; Mặt trận, đoàn thể coi đây là một trong những nội dung đánh giá, xây dựng gia đình, thôn, khu phố, đơn vị có nếp sống văn hoá.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai 127/127 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, có BCĐ phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, riêng 110 xã, phường, thị trấn trọng điểm có thêm 1 cộng tác viên giúp việc phòng, chống HIV/AIDS, nhận thức của người dân về hiểm hoạ của đại dịch này đã được nâng lên. Công tác quản lý, chăm sóc và điều trị HIV/SIAD ngày càng được chú trọng; các bệnh nhân đều được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi tiếp cận điều trị, Chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đã được Khoa sản và Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm mẫu máu Trung tâm để tư vấn xét nghiệm theo dõi, điều trị; cung cấp sữa cho trẻ em sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm HIV đã được triển khai và bước đầu đạt hiệu quả, an toàn truyền máu được thực hiện chặt chẽ, đã duy trì sàng lọc HIV cho 100% các chai máu và chế phẩm của máu theo đúng các quy định.
Hình thành Câu lạc bộ thân nhân người nhiễm HIV/AIDS; thân nhân người nghiện ma tuý; người đồng cảm; mô hình “tổ phụ nữ vận động chồng , con không nghiện ma tuý và mắc TNXH”; “Phụ nữ giáo dục con em không phạm tội và TNXH; “Phụ nữ vận động chồng, con cai nghiện”…gồm hàng trăm tổ và hàng ngàn thành viên.
Các mô hình trao đổi bơm kim tiêm sạch, cung cấp bao cao su ở 100% cơ sở dịch vụ giải trí đều đạt kết quả khả quan. Tuyên truyền viên đồng đẳng hoạt động ngày càng hiệu quả, như: duy trì tuyên truyền, sinh hoạt nhóm, giao ban, báo cáo định kỳ đúng quy định.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn một số hạn chế, yếu kém đó là: một số huyện, thị chưa chưa giáo dục thường xuyên cho cán bộ đảng viên ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhất là ở các cơ quan khối doanh nghiệp. Một số cấp uỷ chưa bám sát tình hình thực tế của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá sơ, tổng kết còn hạn chế. Kinh phí đầu tư, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh phí của Trung ương, chưa huy động được các nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo dõi, nắm bắt,và quản lý diễn biến lây nhiễm, đối tượng lây nhiễm HIV/AIDS chưa thực sự vững chắc và kịp thời; công tác giám sát dịch bệnh còn khó khăn; cán bộ chuyên trách làm công tác phòng chống HIV/AIDS thiếu và yếu về kinh nghiệm, kiêm nhiệm, chưa tập trung chuyên sâu cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Công tác chăm sóc điều trị, tư vấn bệnh nhân HIV/AIDS tại cộng đồng còn vấp phải tâm lý kỳ thị trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Tệ nạn ma tuý, mại dâm tiếp tục phát triển dưới nhiều hình thức, làm cho công tác tiếp cận giáo dục, vận động đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao gặp khó khăn, phức tạp; nguy cơ lây nhiễm mới HIV còn tăng, tử vong AIDS qua từng năm chưa giảm…
Phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội; của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng. Phải tập trung đúng mức cho tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội, đến với từng đối tượng hiểu biết về nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS và thái độ, hành vi của mỗi người, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao; giáo dục sâu kỹ với nhiều hình thức sinh động có tác động mạnh đến đối tượng học sinh phổ thông ở tất cả các cấp học. Cử những cán bộ thật nhiệt tình, có trách nhiệm, có năng lực, điều kiện tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần tích cực vào việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Lê Thế Sơn

  • |
  • 742
  • |

Các tin khác