Tình hình người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

  • /
  • 6.10.2011 - 16:9

Theo Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa công bố các số liệu về người nước ngoài làm việc theo các hợp đồng lao động tại Việt Nam đang tăng hàng năm. Năm 2008, số lượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 52.633 người; năm 2009 là 55.428 người và năm 2010 là 56.929 người, tăng 2,7% so với năm trước.

           Đến nay, số lượng là hơn 74.000 người. Về quốc tịch, họ đến từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, khoảng 58% mang quốc tịch châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia…), khoảng 28,5% mang quốc tịch châu Âu (Anh, Pháp…) và khoảng 13,5% mang quốc tịch các nước khác.
          Về trình độ, cơ cấu nghề nghiệp, có trình độ đại học và trên đại học chiếm 48,3%; có chứng chỉ, chuyên môn tay nghề chiếm 34,6%; là nghệ nhân, có ngành nghề truyền thống chiếm 17,1%. Về giới tính, độ tuổi, nam chiếm 89,9% tổng số người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nữ chiếm 10,1%. Người nước ngoài có độ tuổi từ 30 trở lên chiếm 86%. Việc người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, nhất là những người có trình độ chuyên môn và tay nghề cao; là nguồn nhân lực có ý nghĩa và vị trí trong phát triển kinh tế nước ta, sẽ góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án, chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, người lao động, công nhân kỹ thuật Việt Nam có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm về tay nghề, tác phong, kỷ luật làm việc với người nước ngoài...

Người nước ngoài trao đổi công việc với kỹ sư Việt Nam

            Tuy nhiên, tình hình người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vẫn còn có một số bất cập như: Vẫn còn có trường hợp người nước ngoài chưa có giấy phép lao động mặc dù đã có nhiều biện pháp hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng, tổ chức tuyên truyền tập huấn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường sự phối hợp giữa ngành Lao động -Thương binh và xã hội và các ngành liên quan, nhất là ngành công an ở các cấp. Tại một số nơi có đông người nước ngoài làm việc, nhất là các khu công nghiệp, khu chế xuất... đã xuất hiện một số vấn đề về an ninh, trật tự; có nơi đã xảy ra tệ nạn và những vấn đề xã hội khác... Trong khi đó, việc quản lý, hướng dẫn, tuyên truyền luật pháp cho người nước ngoài tại các công trường, khu công nghiệp... chưa được quan tâm đúng mức. Việc quản lý lao động phổ thông là người nước ngoài ở một số nơi còn bị buông lỏng. Vì vậy, việc quản lý, tạo điều kiện và hỗ trợ lực lượng này sống và làm việc theo pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là công việc quan trọng, cần được các cơ quan chức năng chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả.  
            Ngày 20/01/2010, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 17/5/2011, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 734/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC trong đó yêu cầu các dự án, gói thầu được triển khai trong thời gian tới phải nghiêm chỉnh thực hiện việc sử dụng và quản lý lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ đạo các, ban, ngành, cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lao động nước ngoài trên các công trường. Ngày 17/6/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2011/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2008/NÐ-CP ngày 25/3/2008 quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 01/8/2011, trong quá trình làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động và hồ sơ đăng ký dự tuyển, người nước ngoài không cần có bản lý lịch tự thuật; bỏ quy định hợp pháp hóa lãnh sự đối với các giấy tờ do nước ngoài cấp hoặc chứng nhận; đối với một số trường hợp có thể thay thế chứng nhận về trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao bằng các giấy tờ có liên quan...; bổ sung một số trường hợp không phải cấp giấy phép lao động; rút ngắn thời hạn cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động còn 10 ngày; cấp lại giấy phép lao động chỉcòn 3 ngày...
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
            Ðể quản lý, hỗ trợ tốt hơn 74 nghìn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, các cơ quan chức năng, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp cần phối hợp để rà soát, kiểm tra số lượng người nước ngoài để từ đó triển khai việc cấp giấy phép lao động. Các địa phương, các lực lượng chức năng cần bám sát và nắm rõ tình hình, thông tin, sự thay đổi và biến động của người lao động nước ngoài để từ đó có những phương thức quản lý, hỗ trợ phù hợp tình hình thực tế. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền giúp người nước ngoài, nhất là các lao động phổ thông hiểu những chính sách pháp luật và truyền thống văn hóa của Việt Nam. Thường xuyên kiểm tra, xử lý các đơn vị sai phạm trong việc sử dụng người nước ngoài làm việc bất hợp pháp và buông lỏng quản lý lao động nước ngoài. Những người lao động nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam cần phải được xử lý nghiêm minh./.
                      [Nguồn: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội]

  • |
  • 745
  • |

Các tin khác