Xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

  • /
  • 28.12.2011 - 16:6

Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/1/2005 của Ban Bí thư “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” đã nêu: “Phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.

 Đây là lần đầu tiên trong chỉ thị của Đảng đặt ra vấn đề nhạy cảm này, khẳng định được quan điểm bình đẳng, nhân ái của Đảng ta đối với những người bị lây nhiễm HIV/AIDS.

 Sự kỳ thị và phân biệt đối xử (KT và PBĐX) với người bị lây nhiễm HIV/AIDS diễn ra trong xã hội như là một phản ứng tự nhiên, khi mà đại đa số những ca lây nhiễm HIV/AIDS gắn liền với các tệ nạn xã hội (mại dâm, tiêm chích ma túy ...). Vậy, thế nào là kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS? Theo PGS - Tiến sĩ Chung Á, nguyên phó chủ tịch ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS Việt Nam: “Sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hoặc thiếu tôn trọng họ khi biết họ nhiễm hay nghi bị nhiễm HIV/AIDS” và “Phân biệt đối xử là sự xa lánh, chối bỏ, trừng phạt, phỉ báng và hạn chế quyền của người nhiễm HIV/AIDS hoặc những người có liên quan tới HIV/AIDS. Có hai loại phân biệt đối xử thường gặp là: phân biệt đối xử tùy tiện (mang tính tự phát của cá nhân hoặc cộng đồng) và phân biệt đối xử thể chế (hợp lệ) thường hình thành do luật, lệ, chính sách ... Theo cách hiểu trên, kỳ thị chính là tiền đề của phân biệt đối xử, cho nên muốn xóa bỏ KT và PBĐX chúng ta phải bắt đầu từ việc xóa bỏ kỳ thị với người nhiễm HIV hoặc có liên quan đến HIV/AIDS.
 
Chúng ta biết rằng, sự KT và PBĐX tồn tại dưới nhiều dạng thức như hắt hủi, xa lánh, đổ lỗi ...; và chúng ta đều có thể vô tình hay cố ý tham gia vào sự KT và PBĐX đó. Sự KT và PBĐX chẳng những làm tổn thương những người nhiễm HIV và những người liên quan đến HIV/AIDS, mà còn có hại cho người nhiễm, cho gia đình họ và cho cả cộng đồng. Hiện nay, sự KT và PBĐX hiện diện ở tất cả mọi nơi: gia đình, bệnh viện, trường học, nơi làm việc, cộng đồng ... Các biểu hiện KT và PBĐX với người bị nhiễm HIV/AIDS thường thấy ở những nơi nêu trên như sau:
 
- Tại gia đình: hắt hủi, xa lánh, chửi mắng, đổ lỗi, ruồng bỏ, phó mặc, xua đuổi ra khỏi nhà; cấm người nhà gần gũi tiếp xúc; cấm sử dụng chung các dụng cụ sinh hoạt trong gia đình với người bị nhiễm HIV/AIDS.
 
- Tại các cơ sở y tế: gây khó dễ khi nhập viện hay trong việc khám chữa bệnh của người nhiễm HIV/AIDS; trì hoãn, từ chối phẩu thuật; có thái độ miễn cưỡng khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; xét nghiệm HIV bắt buột trước khi phẩu thuật hay khám thai ..., ngừng điều trị, cho xuất viện khi chưa khỏi những bệnh nhiễm trùng cơ hội ...
 
- Tại nơi làm việc: bị đồng nghiệp xa lánh, ngại tiếp xúc, có thái độ hắt hủi, tẩy chay trong các cuộc vui, sinh họat chung ...; tùy tiện thay đổi công việc của người lao động bị nhiễm HIV; thuyết phục gay sức ép để tự nguyện hoặc bắt buộc thôi việc với lý do không chính đáng.
 
- Tại các trường học: không nhận vào học hoặc buộc thôi học học sinh bị nhiễm hoặc cha mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; các phụ huynh khác xin cho con em mình không học chung lớp hoặc chuyển khỏi trường có học sinh bị nhiễm HIV; giáo viên cho trẻ bị nhiễm HIV ngồi bàn riêng và hạn chế hoặc cấm tham gia sinh họat chung; các bạn học xa lánh, hắt hủi trẻ bị nhiễm HIV ...
 
- Tại cộng đồng: cô lập gia đình có người nhiễm HIV/AIDS; tẩy chay các hoạt động của họ và gia đình họ; không cho họ dự sinh hoạt chung với cộng đồng; những người xung quanh không quan hệ với gia đình và người bị nhiễm HIV, kể cả dự đám tang người bị chết vì AIDS.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng KT và PBĐX với người bị nhiễm HIV/AIDS, nhưng trong đó, có 5 nguyên nhân chủ yếu sau đây:
 
Một là, do đặc điểm đường lây truyền HIV trực tiếp từ người sang người và hiện nay chưa có vắc-xin ngừa và thuốc chữa khỏi HIV/AIDS.
 
Hai là, do thiếu kiến thức dẫn đến hiểu sai về HIV/AIDS như: đồng nhất nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS là do ma túy, mại dâm; đồng thời xem HIV/AIDS là một tệ nạn xã hội; không phân biệt người nhiễm HIV với bệnh nhân AIDS, nên cho rằng người nhiễm HIV là hết đời, đồng nghĩa với cái chết, dẫn đến tâm lý lo sợ thái quá bị lây nhiễm HIV/AIDS.
 
Ba là, do truyền thông chưa đầy đủ và chưa phù hợp về HIV/AIDS như: sự hù dọa kéo quá dài với hình ảnh rùng rợn, hãi hùng (minh họa HIV/AIDS bằng hộp sọ và hai xương bắt chéo ...); nội dung có chỗ thiếu chính xác dẫn đến hiểu sai về HIV/AIDS; hầu hết các tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS kết cục đều dẫn đến cái chết thảm khốc; thông tin về HIV/AIDS thiên về mặt tiêu cực nhiều hơn tích cực ...
 
Bốn là, do đặc điểm tâm lý xã hội: hiện nay phần lớn người nhiễm HIV/AIDS thuộc nhóm tiêm chích ma túy, gái mại dâm và người quan hệ với gái mại dâm nên đã tạo ra tâm lý đồng nhất người nhiễm HIV là người có lối sống buông thả, tệ nạn xã hội. Từ đó tạo ra ấn tượng xấu đối với người nhiễm HIV/AIDS bất kỳ.
 
Năm là, do những quy định của luật pháp, chế độ, chính sách, quy ước ... chưa hợp lý: quy định về bảo vệ sức khỏe cho mọi người có thể gây nên sự kỳ thị (tranh luận về thực hiện BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS); quy định những ngành nghề mà người nhiễm HIV không được làm ... hoặc quy định bắt buột xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng lao động, tuyển nghĩa vụ quân sự ...
 
Những biểu hiện của sự KT và PBĐX với những người nhiễm HIV/AIDS, với bất kỳ lý do gì, đều gây tác hại cho xã hội và hạn chế quyền con người như: tăng khả năng lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng vì, tình trạng giấu diếm bệnh nhiễm HIV, không dám xét nghiệm, cứ vậy mà quan hệ tình dục hoặc truyền máu tự nhiên; làm hạn chế dự báo khả năng lây nhiễm trong cộng đồng vì không nắm được chính xác số người nhiễm HIV/AIDS, gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách phòng, chống HIV/AIDS; làm phá vỡ các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt Nam; làm hạn chế một số quyền con người: được chăm sóc sức khỏe, được học hành, có việc làm, được sống trong tình yêu thương của gia đình và đùm bọc của xã hội ...
 
Làm thế nào để xóa bỏ sự KT và PBĐX với người nhiễm HIV/AIDS?
Trước hết, cần phải quán triệt đầy đủ tinh thần Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư; trong đó, có quan điểm về xóa bỏ KT và PBĐX với người bị nhiễm HIV/AIDS cho cán bộ lãnh đạo các cấp, trong ngành y tế, trong cộng đồng dân cư và đặc biệt là trong từng gia đình để tăng cường vai trò không thể thay thế được của gia đình trong việc chăm sóc và điều trị người thân bị nhiễm HIV/AIDS.
 
Vai trò của công tác truyền thông là hàng đầu, quan trọng nhất. Cần làm cho mọi người hiểu rằng “ai cũng có thể bị nhiễm HIV/AIDS nếu thiếu hiểu biết và hành vi an toàn”; “HIV/AIDS nguy hiểm nhưng dễ ngừa” và càng KT và PBĐX với người bị nhiễm HIV/AIDS thì càng làm tăng điều kiện lây nhiễm HIV. Hệ thống truyền thông cần phải thay đổi nội dung từ hù dọa sang cung cấp kiến thức và tình yêu thương; tăng cường tuyên truyền về những tấm gương tích cực của những người nhiễm HIV/AIDS trong lao động sản xuất, học tập, trong cuộc sống, trong phòng, chống HIV/AIDS.
 
Nhà nước và xã hội đầu tư thích đáng cho cả hai hệ thống có vị trí quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS (điều kiện để giảm KT và PBĐX) là: hệ thống truyền thông, hệ thống chăm sóc và điều trị của cơ sở y tế và tại gia đình. Đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tôn giáo tham gia hoạt động làm giảm KT và PBĐX với người nhiễm HIV/AIDS.
 
Đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS, cần tạo điều kiện cho họ tự khẳng định mình thông qua các hoạt động tập thể hoặc cá nhân, giúp họ chia sẻ tình cảm với nhau trong các nhóm (như: “nhóm đồng đẳng”, “bạn giúp bạn” ...).
 
Một yêu cầu quan trọng không thể thiếu được để thực hiện được quan điểm xóa bỏ sự KT và PBĐX với người nhiễm HIV/AIDS là: cán bộ, đảng viên, nhất là những người lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể phải thể hiện vai trò nêu gương của mình trong vấn đề này.
 
Việc xóa bỏ sự KT và PBĐX với người nhiễm HIV/AIDS không phải một sớm một chiều là có thể thực hiện thành công ngay được, mà đòi hỏi phải có thời gian và bằng sự nỗ lực của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, với lòng bao dung, nhân ái của mọi người, với trách nhiệm công dân của mỗi người và tất cả vì một tương lai không có AIDS, việc xóa bỏ KT và PBĐX với người HIV/AIDS sẽ có kết quả tốt đẹp hơn./.
 
                                                                                    Tuyết Nhi

  • |
  • 3139
  • |

Các tin khác