“Trước khi đảo Corse trở thành đất của Pháp thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam” (Đó là tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên lề Hội nghị Phôngtennơblô - Pari tháng 7/1946)

  • /
  • 26.12.2011 - 14:29

Là người Việt Nam, hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc lời dạy của Bác Hồ “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và Bác đã cảnh báo “coi chừng, có nhiều người Việt Nam lại không hiểu rõ lịch sử đất nước, con người và những cái vốn rất quí của mình”.

             Lịch sử Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và chiến đấu chống giặc ngoại xâm đã dạy cho dân tộc ta bài học kinh nghiệm “dựng nước đi đôi với giữ nước”, phải luôn luôn cảnh giác đề phòng các thế lực đế quốc xâm lược từ bên ngoài. Thực tế gần 40 năm hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước (từ 30/4/1975 đến nay) các thế lực đế quốc và phản động chưa từ bỏ ý đồ xâm lược, phá hoại công cuộc hòa bình xây dựng đất nước ta. Trước đây, chúng đã bao vây cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị và suốt nhiều năm qua chúng móc nối, tổ chức bọn tay sai phản động trong nước, nuôi dưỡng và giúp đỡ các tổ chức phản động ở nước ngoài, bằng mọi cách gây chia rẽ, lũng đoạn tư tưởng, gây bạo loạn chính trị, làm mất trật tự trị an đất nước... Đặc biệt trong những năm gần đây, chúng lợi dụng vấn đề “Lịch sử vùng đất Nam Bộ” chưa được làm rõ, còn một số ý kiến khác nhau, để tuyên truyền, kích động ý thức dân tộc hẹp hòi, đòi “độc lập”, tự trị, dùng vật chất, tiền bạc mua chuộc, móc nối xây dựng tổ chức phản động lôi kéo quần chúng hòng tách “vùng đất Nam Bộ” ra khỏi nước ta, cản trở công cuộc hòa bình, xây dựng đất nước của nhân dân ta, như chúng đã làm ở In-đô-nê-xi-a, Nam Tư v.v...

            Vị trí vùng đất Nam Bộ Việt Nam nằm ở phía Nam của nước Việt Nam, thuộc hạ lưu sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai, tiếp giáp biển Đông. Hiện nay có 19 tỉnh, thành (miền Đông Nam Bộ có 6 tỉnh, thành: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai; miền Tây Nam Bộ có 13 tỉnh, thành: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và hàng trăm hải đảo lớn nhỏ, có đường biên giới trên bộ giáp với Cam-pu-chia dài gần 880 cây số; vùng lãnh hải rộng hàng triệu cây số vuông, giáp với các nước Phi-lip-pin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Cam-pu-chia. Dân số toàn vùng Nam Bộ hiện nay có trên 30 triệu người, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước, trong đó người Khmer khoảng 1,3 triệu người, người Hoa trên 600.000 người, người Chăm trên 14.000 người, người Việt gần 28 triệu người và một số ít tộc người khác. Diện tích 63.277,2 km2, nằm ở hạ lưu 3 con sông lớn nên đất đai phì nhiêu, màu mỡ; có nhiều sông, rạch thuận lợi giao thông thủy; có thế mạnh về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước ta. Theo sách “Lược sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam” do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam biên soạn và Nhà xuất bản Thế giới phát hành năm 2006 và một số bài viết của các nhà khoa học Vũ Minh Giảng, Phan Xuân Biên, Nguyễn Đức Nhuệ đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội và tạp chí Nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh... thì sự hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ Việt Nam chia ra làm 3 giai đoạn lịch sử như sau:
- Giai đoạn I: Vùng đất Nam Bộ dưới thời Vương quốc Phù Nam (từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII).
- Giai đoạn II: Vùng đất Nam Bộ dưới thời Chân Lạp (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XVI).
- Giai đoạn III: Vùng đất Nam Bộ trở thành một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam (từ thế kỷ XVI cho đến nay).
Chứng cứ lịch sử cho thấy quốc gia đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ là Phù Nam, đến đầu thế kỷ thứ VII mới bị Chân Lạp - một thuộc quốc của Phù Nam tiến công tiêu diệt. Tuy nhiên, Chân Lạp đã không có điều kiện để quản lý và khai thác vùng đất này. Sự sầm uất, trù phú của Nam Bộ là công lao khai phá của nhóm cư dân chủ yếu là người Việt từ cuối thế kỷ XVI, nhất là thế kỷ XVII, XVIII và đầu thế kỷ XIX. Chúa Nguyễn là người bảo hộ cho quá trình khai phá này và thiết lập chủ quyền ở Nam Bộ một cách hòa bình, hữu nghị, hoàn toàn không phải do chiến tranh. Ngay từ khi mới khẳng định quyền quản lý, các chính quyền người Việt đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ. Chính quyền các chúa Nguyễn đã từng kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công xâm phạm lãnh thổ của quân Xiêm vào các năm 1715, 1771... Tiêu biểu cho ý chí bảo vệ chủ quyền là cuộc kháng chiến chống Xiêm với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào năm 1785. Sang thế kỷ XIX, các vua Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống các đồn lũy trấn thủ dọc theo biên giới để bảo vệ lãnh thổ. Trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, cùng với xây dựng nước Đại Nam hùng cường, các vua Nguyễn đã bảo vệ vững chắc chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Năm 1858, khi thực dân Pháp tấn công xâm lược nước ta, triều Nguyễn đã tổ chức kháng chiến chống lại. Đến khi triều đình tỏ rõ sự bất lực thì cộng đồng dân cư Việt Nam ở Nam Bộ, cả người Việt, Khmer, Hoa, Chăm đã đoàn kết chiến đấu không tiếc máu xương, liên tục đứng lên đấu tranh anh dũng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mình. Lịch sử đã qua chứng minh, nhân dân Nam Bộ đã đoàn kết, chung lưng đấu cật dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm (1945 - 1954) và 21 năm đánh Mỹ (1954 - 1975) thắng lợi, trên 36 năm (1975 - 2011) hòa bình xây dựng đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhất định trong thời gian tới đồng bào Nam Bộ sẽ phát huy truyền thống, thành tích đã đạt được, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, giành thắng lợi to lớn hơn; cùng cả nước, vì cả nước xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và phồn vinh.
            Cơ sở pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ thể hiện ngay trong quá trình tiếp nhận và xác lập quyền quản lý lãnh thổ trên vùng đất Nam Bộ. Giữa thế kỷ XIX, chủ quyền này được chính thức ghi nhận trong văn bản các hiệp ước quốc tế. Tháng 12/1845, ba nước An Nam (Việt Nam), Xiêm (Thái Lan) và Miên (Cam-pu-chia) đã ký một hiệp ước, trong đó thừa nhận 6 tỉnh Nam Kỳ thuộc Việt Nam. Năm sau, triều Nguyễn và Xiêm lại ký một hiệp ước có nhắc lại điều đó. Đây là hiệp ước mà sau này Cao Miên cũng tham gia. Như vậy, muộn nhất là đến năm 1845 các nước láng giềng với Việt Nam, trong đó có Cam-pu-chia đã ký các văn bản pháp lý chính thức công nhận vùng đất Nam Bộ là của Việt Nam. Như vậy, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ không chỉ được khẳng định bởi tính chính đáng trong quá trình tiếp thu và quản lý lãnh thổ cũng như công lao của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam Bộ suốt từ thế kỷ XVII đến nay, mà còn phù hợp với nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng, phù hợp thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành.
Từ những phân tích trên, nhân dân ta có đủ cơ sở khoa học khẳng định “vùng đất Nam Bộ” là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Tháng 7/1946, tại Paris, bên lề hội nghị Phông-ten-bơ-lô, Bác Hồ đã tuyên bố “Nam Bộ là đất Việt Nam. Nó là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi... Trước khi đảo Cooc-sơ (Corse) trở thành đất của Pháp thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam”. Thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 31/5/1946 Hồ Chủ tịch đã viết: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Tuy nhiên, các thế lực đế quốc và phản động trong và ngoài nước trước đây cũng như hiện nay luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lợi dụng vấn đề “lịch sử vùng đất Nam Bộ” để tuyên truyền, xuyên tạc lôi kéo đồng bào và sư sãi Khmer đòi lại “vùng đất Nam Bộ”, đòi “độc lập, tự trị”... hy vọng tách “vùng đất Nam Bộ” ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hòng thực hiện âm mưu ý đồ đen tối của chúng, gây mất an ninh trật tự, phá hoại công cuộc hòa bình xây dựng đất nước ta.
 Nhận thức đúng về “cội nguồn và lịch sử phát triển vùng đất Nam Bộ”, chúng ta mới thấy hết tiềm năng, thế mạnh vùng đất quan trọng này của đất nước để ra sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng đất nước, góp phần cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
                                                                                       (Nguồn tư liệu từ Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)
                                                                                                             Nguyễn Thị Bích Hoàn

  • |
  • 672
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT