Nâng cao chất lượng hơn nữa đội ngũ giảng viên kiêm chức cấp huyện

  • /
  • 13.1.2012 - 10:26

Qua 16 năm kể từ ngày thành lập, hoạt động dạy và học của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở tỉnh Bình Thuận đã đi vào nề nếp, chất lượng chuyên môn không ngừng được củng cố và nâng cao, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở.

             Hiện nay, 10 Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện của tỉnh có tổng số 116 giảng viên, trong đó, đội ngũ giảng viên kiêm chức là 96 đồng chí. Về trình độ chuyên môn, 01 đồng chí thạc sĩ, 115 đồng chí trình độ đại học, cao đẳng. Về trình độ lý luận, 100% có trình độ trung cấp và tương đương trở lên. Đội ngũ giảng viên kiêm chức của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị hầu hết là Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy; ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ cấp huyện, một số giảng viên kiêm chức còn lại là các đồng chí trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện.

Nhìn chung, đội ngũ giảng viên kiêm chức của các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở Bình Thuận cơ bản đủ về số lượng, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu; có trình độ, có vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, giữ nhiều cương vị lãnh đạo, một số đồng chí có khả năng sư phạm khá tốt. Do vậy, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên kiêm chức đã kết hợp kiến thức lý luận gắn với thực tiễn ở địa phương làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ... Chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên. Việc quản lý điều hành và sử dụng đội ngũ giảng viên kiêm chức, các huyện, thị, thành ủy giao cho Trung tâm Bồi dưỡng chính trị phối hợp với cơ quan chủ quản giảng viên, bố trí sắp xếp công việc để tham gia giảng dạy. Trung tâm có trách nhiệm cung cấp giáo trình, đề cương bài giảng, tài liệu tham khảo... cho từng giảng viên; thông báo lịch giảng dạy; tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên giảng dạy có chất lượng, đồng thời chi trả phụ cấp giảng bài theo đúng chế độ hiện hành.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức, nhiều Trung tâm đã chủ động phân công lại bài giảng phù hợp với sở trường của từng giảng viên, tổ chức các buổi sinh hoạt để cho giảng viên kiêm chức trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng giảng dạy, tổ chức dự giờ, nhất là dự giờ đối với các đồng chí giảng viên mới. Một cố gắng đáng ghi nhận là, cho đến nay hầu hết các Trung tâm bồi dưỡng chính trị đã mua sắm máy chiếu và đưa vào sử dụng khá hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức của Trung tâm còn một số hạn chế: vẫn còn tình trạng bị động khi bố trí lịch giảng ở một số chương trình; chất lượng đội ngũ giảng viên không đồng đều; một số đồng chí còn ngại nhận bài giảng các chương trình mang tính lý luận cơ bản (như chương trình Sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp đảng và chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới …), ít quan tâm đến cập nhật bổ sung những lý luận, kiến thức mới vào giảng dạy; chuẩn bị giáo án lên lớp còn sơ sài, ngại tiếp cận công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng bài giảng không cao; một bộ phận giảng viên chưa thực sự dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy, chưa quan tâm nhiều đến việc dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, các hoạt động nâng cao chất lượng giảng dạy (như dự giờ, toạ đàm, chấp hành việc kiểm tra giáo án...).
Để nâng cao chất lượng giảng viên nói chung, giảng viên kiêm chức nói riêng nhằm đáp ứng với nhiệm vụ giảng dạy lý luận chính trị của Trung tâm cấp huyện trong tình hình mới, cần quan tâm làm tốt một số vấn đề sau: Tiếp tục củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng và quản lý chặt chẽ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở trong giai đoạn mới.
Cấp uỷ huyện, thị, thành ủy cần chú ý rà soát, lựa chọn và bố trí xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức cho Trung tâm. Trung tâm chủ động rà soát số lượng, trình độ, thống kê, đánh giá việc tham gia giảng dạy, phát huy tác dụng của đội ngũ giảng viên kiêm chức trong thời gian qua để tham mưu với cấp ủy thành lập đội ngũ giảng viên kiêm chức theo hướng tinh gọn, thực chất, hiệu quả. Tiêu chí đầu vào của giảng viên phải được đảm bảo theo đúng Quyết định số 1853 ngày 04/3/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Tùy theo điều kiện, mỗi Trung tâm chỉ nên bố trí từ 05 đến 07 giảng viên kiêm chức và nhất thiết phải có quyết định công nhận của cấp uỷ cấp huyện.
Trong thời gian tới, kiên quyết không bố trí giảng viên kiêm chức có trình độ lý luận và trình độ chuyên môn trung cấp trở xuống. Giảng viên của Trung tâm phải được thường xuyên bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Phải có kế hoạch phân công bài giảng, phân công lịch giảng cụ thể cho từng chương trình phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ và đặc thù công tác của từng giảng viên ngay từ đầu năm. Đồng thời, cung cấp tài liệu, danh mục tài liệu tham khảo cho giảng viên; thông báo sớm lịch giảng từng bài giảng, buổi giảng để giảng viên, nhất là giảng viên kiêm chức chủ động bố trí tham gia giảng dạy. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị tham mưu với cấp ủy xây dựng cơ chế thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra giáo án, ký duyệt giáo án trước khi lên lớp. Khắc phục tình trạng chưa nghiên cứu kỹ nội dung, soạn giáo án sơ sài; kiên quyết không để xảy ra tình trạng dạy “chay”, lên lớp không có giáo án. Hàng năm phải có khảo sát, đánh giá, xếp loại giảng viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân có thành tích cao, đồng thời cũng nghiêm khắc kiểm điểm những giảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ hoặc có vi phạm quy chế...
Trước sự phát triển và tác động mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự tiến bộ bùng nổ của mạng lưới thông tin... trình độ nhận thức của người học ngày càng thay đổi. Do đó, đòi hỏi đội ngũ giảng viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực để phát huy tính tích cực trong quá trình học tập của học viên, phải tạo ra được cơ chế “buộc” học viên phải tham khảo tài liệu, chủ động nắm bắt nội dung môn học, nhằm hiểu sâu hơn nữa kiến thức. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện hỗ trợ công tác giảng dạy. Bên cạnh việc trang bị mới và bổ sung những phương tiện vật chất – kỹ thuật như xây dựng hội trường kiên cố, bàn, ghế, tủ sách, âm ly, máy vi tính, máy chiếu... cho giảng viên. Bổ sung các loại giáo trình, sách báo, tài liệu tham khảo trong hệ thống thư viện là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là các loại tài liệu tham khảo phải được cập nhật thường xuyên; sớm trang bị đầy đủ bộ giáo trình chuẩn về các chuyên ngành Mác-Lênin; các sách kinh điển của Mác-Ănghen – Lênin - Hồ Chí Minh và các tài liệu tham khảo khác; thực hiện nối mạng Internet và đảm bảo việc khai thác thông tin từ Internet... Đa dạng hóa các hình thức nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện đầy đủ các chế độ, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ giảng viên làm việc đạt hiệu quả cao.
Cùng với các giải pháp nêu trên, các cấp có thẩm quyền cũng cần kịp thời đổi mới chế độ, chính sách đãi ngộ, quan tâm đến lợi ích vật chất và tinh thần để đội ngũ giảng viên kiêm chức cùng với đội ngũ giảng viên chuyên trách của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị làm tốt nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở./.
                                                           
                                                                        Quang Hùng

  • |
  • 704
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT