Công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em

  • /
  • 17.2.2012 - 14:23

Công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em mặc dù đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm đúng mức, thể hiện qua các văn kiện như: Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/5/1998 của Ban Bí thư (khoá VII) “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”; Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) “về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”....

                Song thực tế hiện nay nhận thức đầy đủ của cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương nhất còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Trẻ em là thuật ngữ nhằm chỉ nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người. Đó là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của nước ta (12/8/1991); Luật của Quốc hội nước CHXHCNVN số 25/2004/QH11 về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đều xác định trẻ em là “Công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: “Trẻ em như búp trên cành; Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”. Song, không phải trẻ em nào sinh ra trên cuộc đời này đều may mắn được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đầy đủ. Vì một lý do nào đó cũng còn không ít trẻ em phải rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (bị khuyết tật, mồ côi, bị xâm hại tình dục, bị trở thành tội phạm vị thành niên, nghiện ma tuý, phải lang thang kiếm sống...). Trong khi đó, xã hội hiện nay chênh lệch giàu nghèo khá lớn và ngày càng gia tăng giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền toàn quốc. Khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ về chăm sóc sức khoẻ, học tập, văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí của trẻ em giữa các vùng, miền, giữa các gia đình giàu nghèo ngày càng gia tăng. Tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em còn xảy ra nhiều, diễn biến phức tạp, nhất là các tội giết trẻ em, đánh đập, hiếp dâm trẻ em, buôn bán trẻ em, tổ chức cho trẻ em sử dụng ma tuý, tổ chức mại dâm trẻ em...gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS với nhiều lý do có xu hướng gia tăng. Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên hàng năm chiếm khoảng 10-15% trong tổng số tội phạm, nhưng là vấn đề rất phức tạp, là nguy cơ làm gia tăng tội phạm, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội.

Yêu cầu đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em phải thực hiện một cách toàn diện, hướng vào việc “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo...”, “đặc biệt chăm lo sự phát triển và tiến bộ của trẻ em”, phát triển mạnh nguồn lực con người Việt Nam với yêu cầu ngày càng cao” như Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ. Trước xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập và sự phát triển kinh tế tri thức, trẻ em cần được phát triển hài hoà về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Vận dụng một cách có hiệu quả kiến thức vào cuộc sống, coi tri thức là nội lực căn bản thích ứng nhanh chóng với biến đổi của thế giới và với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Cần hướng tới giảm sự cách biệt về mức sống giữa nhóm trẻ em bình thường với nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tạo điều kiện cho các em có nhiều cơ hội lựa chọn để thực hiện các quyền trẻ em thông qua việc phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản; bổ sung các chính sách bảo trợ xã hội liên quan tới việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng vừa là thách thức lớn, vừa là một khâu đột phá trong chiến lược kinh tế-xã hội. Muốn phát triển trong tương lai, đảm bảo hội nhập quốc tế có hiệu quả và phát triển bền vững thì việc đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là khâu đột phá của chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cần tổ chức quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trẻ em. Nắm bắt tình hình trẻ em cũng như tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em để kịp thời tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền. Cấp uỷ và chính quyền các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo đưa mục tiêu vì trẻ em, lồng ghép ưu tiên giải quyết các vấn đề có liên quan đến trẻ em trong kế hoạch và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

                                                                                                   Bích Hoàn


  • |
  • 924
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT