DŨNG CẢM, TRUNG THỰC TRONG ĐẤU TRANH PHÊ VÀ TỰ PHÊ BÌNH

  • /
  • 20.4.2012 - 8:20

Ngày nay do tác động của kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt trên nhiều lĩnh vực của các thế lực thù địch, trong khi một bộ phận đảng viên thiếu tu dưỡng và rèn luyện, không gương mẫu về phẩm chất và lối sống, nói không đi đôi với làm... hiệu lực lãnh đạo và sức mạnh đấu tranh của đảng viên trong một số tổ chức đảng không cao, đã ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng, giảm lòng tin của nhân dân, gây bất bình trong dư luận xã hội.

"Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay” đã chỉ rõ phải kiên quyết đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây là nhân tố quan trọng xuyên suốt và cấp bách nhất về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, việc vạch mặt, chỉ tên đối với vấn đề này rất khó. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống luôn được che đậy rất khôn khéo dưới nhiều hình thức, gắn liền với lợi ích của từng cá nhân, nhóm, liên quan mật thiết đến tập thể cấp ủy và đơn vị. Tình trạng dĩ hòa vi quý, biết vẫn làm ngơ, cho rằng, đấu tranh tránh đâu, không khéo bị truy chụp gây mất đoàn kết nội bộ... đã trở thành nếp nghĩ, thủ tiêu đấu tranh của một bộ phận cán bộ và đảng viên. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống thành công, trước hết các tổ chức đảng và từng đảng viên, cần nhận thức đúng và nắm chắc những vấn đề cấp bách mà Nghị quyết TW4 đặt ra trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trên cơ sở đó, từng cấp ủy và từng đảng viên phải xem xét, đánh giá đúng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống ở bản thân, tổ chức mình đến đâu, biểu hiện dưới những dạng nào, đối tượng và vấn đề gì là chủ yếu, then chốt, cấp bách cần khắc phục ngay; xác định phương hướng và biện pháp đấu tranh, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Các tổ chức đảng xây dựng tính chiến đấu, động viên tinh thần đấu tranh và có biện pháp bảo vệ người đấu tranh trong từng tổ chức đảng; giữ vững phẩm chất, đạo đức và lối sống, nói đi đôi với làm, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của mỗi đảng viên với công tác xây dựng Đảng... là yếu tố rất quan trọng. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết TW4, phải tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế và yếu kém, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch và vững mạnh... Phương châm kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, giúp đỡ đồng chí mình phát huy ưu điểm, nhận rõ khuyết điểm, để có quyết tâm sửa chữa là chính. Phương pháp đấu tranh, phải tạo được chuyển biến những vấn đề trước mắt cũng như lâu dài. Đấu tranh với tinh thần xây dựng, tình cảm yêu thương giúp đỡ lẫn nhau chân tình và thẳng thắn, không thêm bớt, đao to búa lớn, tránh xa và kỳ thị với người có khuyết điểm.... Cấp trên làm gương cho cấp dưới, đảng viên làm gương để quần chúng học tập và noi theo. Nghị quyết TW4 cho rằng: phương thức lãnh đạo bằng sự gương mẫu của đảng viên, bằng trách nhiệm của người đứng đầu là vấn đề hệ trọng hôm nay. Đây là vấn đề mới và quan trọng về nhận thức. Cụm từ “củng cố niềm tin của đảng viên” được đặt lên trước đã chỉ rõ nguy cơ khôn lường đối với Đảng và chế độ.  Khẳng định tính cấp bách của nghị quyết. Đảng phải lấy lại niềm tin với đảng viên bằng cách khắc phục những suy thoái nghiêm trọng trong nội bộ mình. Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác”, “một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn và chân chính”.

Thang thuốc hay nhất và thiết thực là “tự phê bình và phê bình”; phê bình  trên “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”, phải dũng cảm, trung thực và được thể hiện trên thực tế. Ở bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng, đạo đức luôn là chuẩn mực quan trọng của người cán bộ, đảng viên. Giữa đức và tài thì đức phải là gốc. Do đó, giáo dục đạo đức và lối sống cho cán bộ, đảng viên được xem là một nội dung cơ bản của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy và tổ chức Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

                                                                          Lê Thế Sơn


  • |
  • 1166
  • |

Các tin khác