Công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Bình Thuận

  • /
  • 28.11.2012 - 15:37

Ngày 30/11/2005 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 54-CT/TW “về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”; để triển khai thực hiện chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU; Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở y tế xây dựng Hướng dẫn số 04-HD/TG nhằm giúp các cấp uỷ Đảng các huyện, thị, thành uỷ, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn các Ban, ngành, đoàn thể, mặt trận triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản trên trong toàn tỉnh.

               Các cấp uỷ, chính quyền dựa vào đặc điểm của đơn vị, địa phương xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch gắn với thực hiện chương trình phát triển kinh tế -xã hội, là một trong những nhiệm vụ chính trị trong công tác lãnh đạo của đơn vị, địa phương mình.

             Cùng với các văn bản trên, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các ngành liên quan tiếp tục bàn hành nhiều văn bản khác kịp thời chỉ đạo và triển khai thực hiện như thành lập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS; phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh; Sở Y tế thành lập Ban chuyên môn về phòng, chống HIV/AIDS; UBND tỉnh thành lập BCĐ dự án phòng lây nhiễm HIV; thành lập mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS ở xã, phường, thị trấn…;thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống  HIV/AIDS...các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện ở 127/127 xã, phường, thị trấn, các cơ quan, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về nguy cơ của nạn dịch HIV/AIDS được chú trọng, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Các trung tâm y tế huyện, thị, thành phố phối hợp với các đoàn thể mở các lớp tập huấn kỹ năng, kiến thức vận động, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho cán bộ và cộng tác viên, tổ chức đoàn thể ở mít-ting, diễu hành nhân ngày quốc tế phòng chống HIV/AIDS hàng năm và nhiều hình thức tuyên truyền phong phú và đa dạng; giáo dục sự đồng cảm trong cộng đồng, chống phân biệt đối xử với người bị lây nhiễm HIV/AIDS; truyền thông trực tiếp cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV…tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị miễn phí, khám và điều trị ngoại trú. Với những việc làm thiết thực như Hội thảo, hội trại “tuổi trẻ giữ nước và phòng, chống HIV/AIDS”; tọa đàm về AIDS trong công nhân viên chức và người lao động; phát động cuộc thi thuyết trình, tranh minh họa về phòng, chống HIV/AIDS; đưa nội dung HIV/AIDS vào giảng dạy chính khóa trong trường phổ thông, Cao đẳng sư phạm và các trường Trung học chuyên nghiệp; tập huấn kiến thức cơ bản cho chị em ở tuyến huyện và cơ sở, kể cả vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…; xây dựng thôn, khu phố văn hóa, gắn với 3 giảm, giúp nhân dân nhận thức được mối hiểm họa của căn bệnh thế kỷ để phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Qua 7 năm triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, mặt trận các cấp đã có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động về công tác phòng, chống HIV/AIDS; các Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống các tệ nạn xã hội đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả; một số xã, phường, thị trấn trọng điểm như ở thành phố Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh…thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, phường; tổ chức ký kết trách nhiệm về phong trào 03 giảm, chú trọng đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS; các cấp uỷ lồng ghép vào việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hàng năm; Mặt trận, đoàn thể coi đây là một nội dung để đánh giá, xây dựng gia đình, thôn, khu phố, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Trong những năm qua, công tác quản lý, chăm sóc và điều trị HIV/SIAD ngày càng được chú trọng; các bệnh nhân đều được khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi tiếp cận điều trị. Sở Y tế chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn toàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, báo cáo, nhằm kịp thời giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả việc phòng chống HIV/AIDS.

Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số hạn chế, yếu kém đó là: một số huyện, thị chưa giáo dục thường xuyên cho cán bộ đảng viên ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhất là ở các cơ quan khối doanh nghiệp. Một số cấp uỷ chưa bám sát tình hình thực tế của địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá sơ, tổng kết chưa đúng mức; kinh phí đầu tư, hoạt động còn hạn chế, chưa huy động được các nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Công tác theo dõi, nắm bắt và quản lý diễn biến lây nhiễm HIV/AIDS chưa kịp thời; giám sát dịch bệnh còn khó khăn; cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS thiếu và yếu về kinh nghiệm. Công tác chăm sóc điều trị, tư vấn bệnh nhân HIV/AIDS tại cộng đồng còn vấp phải tâm lý kỳ thị trong một bộ phận cán bộ và nhân dân. Tệ nạn ma tuý, mại dâm tiếp tục phát triển dưới nhiều hình thức, làm cho công tác tiếp cận giáo dục, vận động đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao gặp khó khăn; nguy cơ lây nhiễm mới HIV còn tăng, tử vong AIDS qua từng năm chưa giảm…

Phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội; của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng. Tập trung đúng mức cho tuyên truyền giáo dục trong toàn xã hội, từng đối tượng hiểu biết về nguy cơ của đại dịch HIV/AIDS, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao; chú trọng giáo dục sâu kỹ với nhiều hình thức sinh động có tác động mạnh đến đối tượng học sinh phổ thông ở tất cả các cấp học. Làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả là vì tương lai nòi giống và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

                                                                  Lê Thế Sơn


  • |
  • 855
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT