Bình Thuận những ngày này 67 năm về trước

  • /
  • 20.8.2012 - 7:46

Từ thân phận của người dân mất nước đã đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, từ một nước chưa có tên trên bản đồ thế giới đã lập nên nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đó là thành quả của những ngày khởi nghĩa mùa thu tháng Tám đúng 67 năm về trước.

                  Bình Thuận chúng ta gần một tháng sau ngày khởi nghĩa, hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở đã được thành lập và hoạt động. Ở một số huyện, chính quyền cơ sở chưa vững chắc được nhanh chống củng cố. Ngày 2/9/1945, trên sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân trong tỉnh tổ chức mítinh, diễu hành mừng ngày Hồ Chủ tịch thay mặt nhân dân ta tuyên bố lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau 80 năm dưới ách thực dân đế quốc. Cách mạng tháng Tám thành công, từ thân phận nô lệ, nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước, nhân dân Bình Thuận bước sang giai đoạn lịch sử mới. Nhìn lại chặng đường 15 năm đấu tranh đầy thử thách và hy sinh từ khi tổ chức Đảng ra đời ở Tam Tân, Bình Thuận năm 1930 đến cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong thời gian ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ cao trào cách mạng 1930-1931, những năm bị khủng bố trắng 1931-1935, cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ 1936-1939, cao trào cứu nước 1939-1945 và cuối cùng đứng lên tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, nhân dân Bình Thuận đã góp phần cùng cả nước đấu tranh quyết liệt một mất, một còn với thực dân Pháp và phát xít Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử dân tộc nói chung và Bình Thuận nói riêng. Khởi nghĩa tháng Tám thành công, chính quyền dân chủ cộng hòa được thiết lập, những người Cộng sản ở Bình Thuận đã lãnh đạo nhân dân tạo ra những tiền đề về tinh thần và vật chất cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ gian khổ 30 năm, cuối cùng đã giành thắng lợi trọn vẹn, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Không thể quên những tháng ngày sôi sục khí thế chuẩn bị khởi nghĩa cách mạng, giành chính quyền. Từ buổi sơ khai ấy, lớp chiến sỹ cộng sản đầu tiên tại Bình Thuận đã vượt qua vô vàn khó khăn, tích cực xây dựng phong trào cách mạng ngày càng lớn mạnh, trưởng thành. Trước thế thắng như chẻ tre của Liên Xô và các lực lượng chống phát xít, quân đội Nhật mất tinh thần, hoang mang, rệu rã; chính phủ Trần Trọng Kim không còn hiệu lực. Được tin phát xít Đức đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, nhiều nơi trong nước, ngọn lửa cách mạng thổi bùng lên cao. Theo lời hiệu triệu của Việt Minh, nhiều cuộc mítinh, biểu tình của quần chúng diễn ra trước mắt quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn. Tình thế cách mạng trực tiếp đang chín muồi. Nhưng thời gian này ở Bình Thuận, phong trào cách mạng vẫn còn khó khăn. Sau thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), các đảng viên bị địch khủng bố gắt gao. Đường dây liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ bị đứt. Thiếu sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng lắng xuống. Mãi tới sau ngày Nhật đảo chính Pháp, phong trào mới trở lại sôi động. Tháng 4 năm 1945, đồng chí Nguyễn Gia Tú từ trại tập trung Ly Hy (Thừa Thiên) trở về Bình Thuận. Tiếp đó các đồng chí bị giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột gồm: Nguyễn Sắc Kim, Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Thái Hựu là đảng viên quê ở tỉnh khác cùng đồng chí Nguyễn Tương về Bình Thuận hoạt động… Sau một thời gian ngắn, các địa phương ở Hòa Đa, Tuy Phong, Hàm Thuận đã xây dựng được một số cơ sở; Phan Thiết lập được các tổ chức Công nhân cứu quốc, Viên chức cứu quốc, tạo điều kiện tiến tới thành lập Ủy ban vận động Việt Minh thị xã. Từ ngày 13 đến 15-8-1945, Hội nghị của Đảng họp tại Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) nhận định: “Cơ sở tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, ra quân lệnh số I, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì Đại hội quốc dân cũng họp tại Tân Trào vào ngày 16-8 cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch.

                Ở Bình Thuận, tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ đòi hỏi các đảng viên ở Nhà Lao Buôn Mê Thuột về Bình Thuận phải thống nhất tổ chức và hành động. Trừ 3 đồng chí Soa, An, Chúc bận công tác chưa về kịp, còn các đồng chí khác đã bí mật nhóm họp tại một chòi ruộng tại làng Bình Lâm - Hàm Thuận quyết định: “…; Phát động quần chúng treo băng, cờ, rải truyền đơn, dùng lực lượng cơ sở tại Hàm Thuận và thị xã Phan Thiết tổ chức biểu tình thị uy gây cao trào, có thời cơ là nổi dậy dùng bạo lực giành chính quyền”. Sau cuộc họp hợp nhất này, các cơ sở trong tỉnh thời kỳ Mặt trận dân chủ, thời kỳ Mặt trận phản đế và quần chúng mới được gây dựng đều do Việt Minh tỉnh lãnh đạo thống nhất. Tại Phan Thiết, trong các tầng lớp tiểu thương, thợ thủ công, thợ cắt tóc, trong lính bảo an, trong thanh niên Phan Anh, trong ngành xe lửa và một số tầng lớp trên ta đã xây dựng được các hội viên cứu quốc. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Việt Minh lâm thời được thành lập. Ở các huyện Hòa Đa, Tuy Phong, Hàm Thuận, Hàm Tân, cơ sở Việt Minh trong ngư dân, nông dân cũng được xây dựng; riêng Hòa Đa thành lập Ban Vận động Việt Minh lâm thời huyện. Từ đây, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh quyết định tổ chức một cuộc phát động quần chúng đấu tranh với hình thức rải truyền đơn, treo băng cờ, dán biểu ngữ trong thị xã Phan Thiết. Trước đó, do không liên lạc được với cấp trên nên khoảng tối 17-8-1945, cờ đỏ sao vàng cũng được treo trước tòa sứ của Pháp (nay là UBND tỉnh Bình Thuận), trại lính bảo an (nay là cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và biểu ngữ được treo trên cầu sông Cà Ty (cầu Quan, cầu gỗ, nay là cầu Lê Hồng Phong) với nội dung: “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim; tước vũ khí quân đội Nhật ở Đông Dương…”. Những truyền đơn, biểu ngữ và cờ đỏ, sao vàng được treo và rải công khai nhiều nơi trong thị xã đã động viên thêm tinh thần cách mạng của quần chúng và khiến bọn tay sai ngụy quyền thân Nhật run sợ. Để trấn an tay sai, lính Nhật hò hét xé khẩu hiệu “Tước vũ  khí quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương” được treo ở cầu Quan (nay là cầu Lê Hồng Phong), song những hành động này của chúng cũng không giữ được tinh thần do số người cầm đầu các tổ chức thân Nhật đã hoang mang, phân hóa. Trong khi đó, tự vệ của ta nhanh chóng bắt tên Trúc Viên trong tổ chức “Hội ủng hộ chính phủ phụng sự quốc gia” thân Nhật đang có mưu đồ lên thay Huỳnh Dư làm tỉnh trưởng Bình Thuận khi có thời cơ. Quần chúng hừng hực khí thế cách mạng. Các tổ chức thân Nhật mất thủ lĩnh bị phân hóa, tan rã. Trong các doanh trại, lính Nhật nhốn nháo thu xếp đồ đạc, đốt giấy tờ…

Tin các tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân dồn dập báo về. Dù chưa kịp tổ chức cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng, song nhận thấy thời cơ giành chính quyền ở cấp tỉnh (Phan Thiết) và Hàm Thuận đã đến, nên ngày 23-8-1945, Ban Việt Minh lâm thời tỉnh cử đồng chí Nguyễn Nhơn cùng một số anh em tự vệ đến gặp tỉnh trưởng Huỳnh Dư giải thích về chủ trương của Việt Minh và phân tích lợi hại giữa hai con đường: Tán thành cách mạng hay chống lại cách mạng. Tình thế đã buộc Huỳnh Dư giao chính quyền lại cho Việt Minh tại nhà số 8, đại lộ Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo, Phan Thiết). Trong khi đó, tại đồn lính bảo an, cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước cổng, lính bảo an xếp hàng chờ đón Việt Minh…Tại các công sở như nhà Giây thép (bưu điện), nhà máy đèn…, đại biểu Việt Minh kêu gọi anh em công nhân làm việc tốt hơn để phục vụ và cống hiến cho cách mạng. Ở nhà lao nơi kẻ thù giam giữ nhiều phạm nhân, ta giải phóng tù chính trị và hứa tha bỏng cho những tù nhân khác không làm hại cách mạng, và mấy ngày sau lời hứa đã được thực hiện. Tất cả các thứ thuế bất công do chế độ thực dân đề ra đều được xóa bỏ…Ngày 25/8/1945, chính quyền cấp tỉnh về tay nhân dân. Cũng trong ngày hôm đó, bằng mọi phương tiện xe lửa, ô tô, đi bộ, đồng bào ở các nơi đổ về cùng với đồng bào thị xã Phan Thiết diễu hành biểu dương lực lượng, mítinh mừng ngày chính quyền về tay nhân dân. 14 giờ 30 phút, ngày 25/8/1945 hàng vạn quần chúng diễu hành qua trước tòa sứ cũ (lúc này gọi là Vũ viện đường, nay là trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận) rồi tiến ra sân vận động thị xã. Tại sân vận động, trước rừng cờ, biểu ngữ, các đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Tương trong Ban Việt Minh tỉnh phát biểu ý kiến, nêu lên ý nghĩa quan trọng về thắng lợi của cuộc cách mạng hôm nay: Lần đầu tiên sau 15 năm đấu tranh anh dũng, nhân dân Bình Thuận cùng với nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đập tan bộ máy thống trị của thực dân phong kiến, giành được chính quyền về tay nhân dân. Sau mítinh, quần chúng diễu hành qua các trục đường làm cho thế cách mạng càng lên cao. Sau đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập gồm 11 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Nhơn làm chủ tịch, đồng chí Nguyễn Tương làm phó chủ tịch…Sau khi đã giành được chính quyền ở tỉnh thành công, các huyện, thị lần lượt đứng lên giành chính quyền về tây nhân dân…

                                                                          Thái Sơn

 


  • |
  • 1251
  • |

Các tin khác