Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo theo đúng Công ước Luật biển 1982. Luật sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo nước ta và Luật biển Việt Nam bao quát các vấn đề quy chế pháp lý các vùng biển Việt Nam và điều chỉnh các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam, bao gồm 7 chương và 55 điều, cụ thể:
Chương I: Những quy định chung, chương này gồm 7 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, việc áp dụng pháp luật, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý và bảo vệ biển, chính sách quản lý và bảo vệ biển, hợp tác quốc tế về biển, quản lý nhà nước về biển.
Chương II: Vùng biển Việt Nam, chương này bao gồm 14 Điều quy định về việc xác định đường cơ sở, chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thủy, lãnh hải) và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của ta (vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa), đảo, quần đảo và chế độ pháp lý của đảo.
Chương III: Hoạt động trong vùng biển Việt Nam, chương này bao gồm 20 Điều quy định về nội hàm của việc đi qua không gây hại trong lãnh hải; nghĩa vụ khi thực hiện quyền này; hoạt động của các loại tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta (tàu quân sự, tàu thuyền công vụ, tàu ngầm); quyền tài phán quân sự và dân sự đối với tàu thuyền nước ngoài; quy định tuyến hàng hải và phân luồng giao thông; về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; các hoạt động bị cấm trong vùng biển của ta...
Chương IV: Phát triển kinh tế biển, chương này gồm 5 Điều quy định về các nguyên tắc phát triển biển, các ngành kinh tế biển ưu tiên phát triển, vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế biển, khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển. Luật biển Việt Nam là luật cơ bản về biển của nước ta. Ngoài Luật biển Việt Nam, chúng ta đã có các luật chuyên ngành như Luật dầu khí, Luật thủy sản… Những nội dung cụ thể của các ngành kinh tế biển được điều chỉnh trong các luật chuyên ngành.
Chương V: Tuần tra, kiểm soát trên biển, chương này gồm 3 Điều quy định về lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển; nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên biển.
Chương VI: Xử lý vi phạm, chương này gồm 4 Điều quy định về dẫn giải và địa điểm xử lý vi phạm; biện pháp bảo đảm tố tụng, xử lý vi phạm, biện pháp đối với đối tượng là người nước ngoài nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, đúng pháp luật giữa các cơ quan có trách nhiệm xử lý vi phạm Luật biển Việt Nam.
Chương VII: Điều khoản thi hành, chương này gồm 2 Điều quy định về hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.
Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật. Để triển khai nội dung này, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật biển Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam ra đời, bổ sung quy định của luật pháp quốc gia phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, bảo đảm cho lợi ích của Việt Nam. Qua đó, Việt Nam khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hòa bình. Nhà nước ta đã chuyển một thông điệp quan trọng tới toàn thế giới: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, quyết tâm phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Hồng Hạnh