10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) “về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”

  • /
  • 21.9.2012 - 8:27

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) và Kế hoạch Số 13-KH/TU ngày 24/5/2002, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá X) “Về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở”, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ ban hành Hướng dẫn số 52-HD/BTGTU, ngày 20/6/2002, hướng dẫn các cấp uỷ địa phương tổ chức quán triệt, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06 của Ban Bí Thư và Kế hoạch số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

                Qua 10 năm việc quán triệt, học tập Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư “về việc củng cố và kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở”, các cấp uỷ đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ càng nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của tuyến y tế cơ sở, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị. Đầu tư từ nguồn ngân sách cùng với tập trung các nguồn tài trợ của các chương trình y tế quốc gia và các tổ chức nước ngoài nên đã nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất y tế cơ sở với số lượng đáng kể. Số giường bệnh của các bệnh viện huyện, thành phố, trung tâm y tế và cả tuyến tỉnh cũng được đầu tư tăng thêm so với những năm trước đây, tuyến huyện, thị xã, thành phố có từ 100 đến 200 giường; các bệnh viện chuyên khoa có 100 giường, có đủ các khoa, phòng chức năng; bệnh viện đa khoa tỉnh có 700 giường. Năm 2002, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân là 18,6 đến năm 2007 tăng lên 22,4 giường bệnh/vạn dân. Riêng 14/15 trạm y tế xã vùng cao, miền núi được trang bị máy siêu âm xách tay, kinh phí đảm bảo chi thường xuyên cho các trạm y tế từ 6-8 triệu đồng/năm. Huyện đảo Phú Quý đã được đầu tư trên 600 triệu đồng nâng cấp bệnh viện huyện và trang bị mới nhiều thiết bị y tế thiết yếu, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

          Toàn tỉnh có 100% trạm y tế xã, phường có nhà trạm cấp IV, 100% trạm y tế có điện thắp sáng, 100% trạm y tế có điện thoại, 90% trạm y tế có nhà vệ sinh và 100% trạm y tế sử dụng nguồn nước sạch. Đến năm 2011, có 91/127 trạm y tế được tiếp tục nâng cấp, tu sửa, xây mới khang trang, sạch đẹp. Tổng kinh phí đầu tư giai đoạn năm 2002-2005 là gần 16 tỷ đồng, giai đoạn 2006-2010 là 56,6 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các trang thiết bị do Dự án EC tài trợ cùng với nguồn ngân sách tỉnh đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua sắm các thiết bị y tế cho các trạm y tế. Hệ thống tổ chức Hội Đông y các cấp phát triển, ở xã phường, thị trấn có 102/127 cơ sở hội, đạt 81,1% và 10/10 hội Đông y cấp huyện, thị..đạt 100% với tổng số 1.011 hội viên

         Năm 2003, toàn tỉnh có 8 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, hàng năm tăng thêm: năm 2004 có 13 đơn vị đạt chuẩn, đến năm 2005 toàn tỉnh có 20 xã,  phường, thị trấn đạt chuẩn. Năm 2006 có 22 đơn vị đạt chuẩn, 2007 có 15 đơn vị đạt chuẩn, năm 2008 có 15 đơn vị đạt chuẩn, năm 2009 có 12 đơn vị đạt chuẩn, năm 2010 có 19 đơn vị đạt chuẩn. Đến năm 2011 có 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (cả nước 80%). Đến nay toàn tỉnh có 97/127 trạm y tế xã có bác sỹ công tác, đạt 79/%, có 5.3 bác sỹ/vạn dân, có 25,2 giường bệnh/vạn dân. Tổng số giường ở các trạm Y tế xã là 585, bình quân mỗi trạm y tế xã có gần 05 giường bệnh, hầu hết hoạt động hiệu quả. Tỉnh đã triển khai bộ tiêu chí mới chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.

            Tỉnh luôn quan tâm, tập trung cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Trong những năm qua tuyến huyện và tuyến xã có trên 150 người đưa đi đào tạo sau đại học, hơn 100 người đưa đi đào tạo đại học, trong đó có 36 bác sỹ đa khoa đã tốt nghiệp về công tác tại trạm y tế; đào tạo bậc Trung học cho 120 người, tổ chức 01 lớp điều dưỡng cho 44 người, mở lớp đặc cách điều dưỡng tại tỉnh cho 25 học viên của các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo 242 lượt cán bộ Trạm y tế xã về kỹ thuật xét nghiệm cơ bản, đào tạo và đạo tạo lại nhân viên y tế thôn, bản (hiện có 712 nhân viên y tế thôn, bản đang hoạt động và có phụ cấp). Riêng đồng bào DTTS cán bộ y tế có 16 người trình độ sau đại học, 41 người trình độ đại học, 78 người có trình độ trung học, đây là nguồn nhân lực y tế tại chỗ và bền vững, có 100% bác sỹ, y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh công tác tại tuyến y tế huyện và xã được tập huấn chuần quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, các cấp uỷ, chính quyền và ngành y tế luôn quan tâm đến việc giáo dục phẩm chất đạo đức, chính trị tư tưởng của người thầy thuốc, hàng năm ngành y tế đã phát động phong trào thi đua rèn luyện y đức, tổ chức các cuộc hội thi từ cơ sở đến hội thi ở tỉnh về “rèn đức luyện tài” theo tư tưởng Y đức Hồ Chí Minh.

            Các dịch vụ y tế ngoài công lập ngày càng được mở rộng ở nhiều địa bàn huyện, thị, thành phố và ở một số phường, thị trấn. Thành phố Phan Thiết phát triển nhiều cơ sở y tế ngoài công lập như bệnh viện đa khoa tư nhân và một số phòng khám, trung tâm đa khoa tư nhân với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, số lượng người đến khám chữa bệnh theo nhu cầu tăng khá nhanh so với những năm trước đây.

            Trong những năm qua có nhiều tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, tổ chức Phi  Chính phủ đã hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ  sở vật chất cho hoạt động khám chữa bệnh ở nhiều địa phương; hỗ trợ cho việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em khuyết tật, bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh do di chứng của chiến tranh, chất độc Điôxin, cứu trợ phòng chống dịch bệnh ở các địa phương do thiên tai.

                Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế yếu kém như hạ tầng kỷ thuật của mạng lưới y tế cơ sở do trước đây nâng cấp, xây mới đồng loạt, những năm sau này mặc dù được tỉnh và các cấp chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, nhưng do ngân sách khó khăn nên việc nâng cấp, sửa chữa không đồng bộ, một số nơi đã xuống cấp. Đội ngũ cán bộ y tế so với trước đây tuy tăng nhiều về số lượng, song năng lực chuyên môn không đồng đều, nhất là ở tuyến xã, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân của toàn tỉnh đạt mức trung bình so với cả nước. Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực thiếu bác sỹ chuyên khoa; việc đưa Bác sỹ về công tác, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế xã đạt kết quả chưa cao. Việc đào tạo y, bác sỹ là người dân tộc thiểu số, người tại chỗ chưa nhiều. Ý thức trách nhiệm trong công tác khám chữa bệnh, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế, tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân của một số cán bộ y tế ở một số nơi còn yếu.

            Để tăng cường hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở chúng ta cần phải tiếp tục quán triệt sâu kỹ Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư; Nghị quyết 46 -NQ/TW của Bộ Chính trị, nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục tập trung củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở; tuyến y tế trên tập trung hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế dưới, xây dựng các bệnh viện tuyến tỉnh, khu vực, các bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Phát triển các trung tâm chuyên khoa có chất lượng cao, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, thuốc thiết yếu, khuyến khích, thu hút đội ngũ y, bác sỹ về công tác tại các Trạm y tế xã. Triển khai kế hoạch, Đề án: xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã theo Bộ tiêu chí về y tế xã giai đoạn 2011-2020.

                                                           Lê Thị Phương

 


  • |
  • 1288
  • |

Các tin khác