Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống - một năm nhìn lại

  • /
  • 25.2.2013 - 16:15

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống, tổng kết rút ra những bài học kinh nghiệm là làm việc làm quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

              Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý chí, tình cảm cách mạng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Nhận thức ý nghĩa sâu sắc của công tác này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống từ tỉnh đến cơ sở. Các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo ban ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai quán triệt Chỉ thị 15- CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 01/8/2008, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp và triển khai thực hiện tốt công tác này.

Năm 2012, toàn tỉnh đã đã in ấn, phát hành được 8 tập sách gồm: Phan Thiết - 35 năm xây dựng và phát triển (1975 - 2010), Lịch sử ngành Giáo dục Bình Thuận (1945 – 2010, Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Phú Quý (1975 - 2010), Lịch sử Ban an ninh nhân dân huyện Hàm Thuận trong kháng chiến chống xâm lược (1945 - 1975), Lịch sử truyền thống của Đảng bộ và nhân dân xã Hàm Đức (1930 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Sơn, tập II (1975 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Phú (1945 - 2010), Tân Thắng truyền thống cách mạng (1945-2010); nâng tổng số sách in ấn, phát hành từ trước đến nay lên 146 quyển. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ còn tái bản tập lịch sử “Căn cứ Lê Hồng Phong trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm (1950-1975)” phục vụ Hội thảo khoa học Căn cứ địa cách mạng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (1945-1975).

Nhìn chung, các tập sách lịch sử xuất bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, nội dung mang tính thống nhất chung với lịch sử Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị, góp phần làm rõ thêm lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Nội dung các tập sách xuất bản đã tái hiện lại lịch sử một cách đầy đủ, chân thực, sinh động hơn, khắc phục từng bước việc phản ánh một chiều và có đánh giá tổng kết thực tiễn lịch sử, rút ra bài học kinh nghiệm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương tỉnh Bình Thuận trong năm 2012 vẫn còn một số hạn chế như: một số cấp uỷ, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, do đó chưa quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện; đội ngũ trực tiếp biên soạn ở các địa phương chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ; chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế, nên một số công trình chất lượng còn hạn chế; kinh phí viết sử thực hiện theo Quyết định số 760-QĐ/UBND ngày 05/4/2010 của UBND tỉnh về quy định tạm thời chế độ chi xuất bản sách và các chuyên đề về lịch sử Đảng còn thấp, nên một số địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc hợp đồng người biên soạn; một số tập lịch sử địa phương, nhất là giai đoạn sau năm 1975, qua thẩm định chuyên môn chưa đạt chất lượng như: phân kỳ, chia chương, tiết và tiểu tiết còn tuỳ tiện; phương pháp biên soạn chưa đúng với việc biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống; nguồn tư liệu thành văn, tư liệu nhân chứng sống chưa được khai thác tốt để đưa vào lịch sử…; công tác thẩm định chuyên môn vẫn còn chậm và bất cập; chưa có quy trình các bước cụ thể để thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong việc biên soạn, thẩm định, xin giấy phép xuất bản; việc lãnh đạo, chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan chức năng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

Trong năm 2013, để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt các nhiệm vụ: Ở cấp tỉnh, phải hoàn thành và xuất bản tập Lịch sử ngành Tuyên giáo (1930-2010); tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh trong nhà tù, trại giam của địch tại Bình Thuận (1954-1975); tiếp tục khai thác tư liệu triển khai biên soạn Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh (1930-1954). Các cơ quan, ban ngành, đảng uỷ trực thuộc như: Trường Chính trị tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh đang triển khai biên soạn lịch sử, tiếp tục hoàn thành bản thảo để tổ chức in ấn, phát hành. Ở cơ sở, các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Tân, La Gi, Phú Quý và thành phố Phan Thiết đã phát hành sách lịch sử giai đoạn sau năm 1975, cần chỉ đạo, đẩy mạnh, theo dõi việc tuyên truyền nội dung lịch sử trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh; thực hiện tốt việc đưa lịch sử địa phương vào trường học. Các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam nhanh chóng hoàn thành bản thảo để in ấn, phát hành theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, các cấp uỷ Đảng tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra cơ sở đẩy mạnh thực hiện công tác này.

 

       Nguyễn Thành Tài

 


  • |
  • 1138
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT