Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930-01/8/2013): 83 NĂM CHẶNG ĐƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY BÌNH THUẬN (1930-2013)

  • /
  • 31.7.2013 - 11:9

Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bình Thuận đã chiến đấu kiên cường, góp phần hoàn thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

               Qua 83 năm hình thành, xây dựng và phát triển, công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận đã cùng Đảng bộ và nhân dân trải qua những bước ngoặt thăng trầm lịch sử, nổ lực phấn đấu phục vụ hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; tô thắm trang sử hào hùng, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng địa phương.

Công tác tuyên huấn Bình Thuận những năm thành lập Đảng và đấu tranh giành chính quyền từ 1930 đến 1945 là thời gian đầy khó khăn, gian khổ. Tổ chức, bộ máy thực hiện công tác truyên truyền chưa hình thành, chưa phân công nhiệm vụ cán bộ; bên cạnh đó, địch ra sức đánh phá, bắt bớ những người hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, các đảng viên đều làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối xây dựng Đảng, giáo dục quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng; đi vào những gia đình có tinh thần yêu nước và người thân, anh em, bạn bè để tuyên truyền cách mạng, chống thực dân Pháp và phong kiến. Để cổ vũ, hướng dẫn phong trào, các đồng chí phát hành tờ báo nội bộ, lấy tên “Nhân đạo” và một số tài liệu “bỏ túi” nói về Cách mạng tháng Mười Nga, Công xã Pari, Công xã Quảng Châu... Ngoài việc in báo còn in truyền đơn cho các cuộc đấu tranh. Có thể nói, tờ “Nhân đạo” là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng trong nhân dân. Với phương thức công tác bí mật, tuyên truyền miệng kết hợp truyền đơn, bản tin, nội san, công tác Tuyên huấn tỉnh Bình Thuận đã cổ vũ, hướng dẫn phong trào, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân, đứng lên giành chính quyền thành công Tháng 8-1945.

Từ 1945 - 1948, tổ chức bộ máy ngành vẫn chưa được đặt ra; nhưng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, công tác tuyên huấn tiếp tục được triển khai, thực hiện trong các cấp, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang. Tháng 01/1946, Mặt trận Việt Minh tỉnh thành lập “Đoàn Tuyên truyền lưu động Việt Minh tỉnh bộ Hồ Quang Cảnh” (sau đó đổi tên thành Đoàn Sao Vàng) biểu diễn, tuyên truyền nhiệm vụ cách mạng nhiều nơi trong tỉnh. Đến tháng 9-1949, theo chủ trương của Trung ương, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận và một số huyện, thị được thành lập. Đồng chí Nguyễn Diêu - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đầu tiên trong lịch sử ngành. Nhiệm vụ ngành trực tiếp làm công tác tư tưởng của Đảng; giúp cấp ủy mở lớp, giảng bài cho cán bộ, đảng viên; triển khai truyền đạt, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ như “tích cực chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”, “thi đua phát triển Đảng đông đảo và mạnh mẽ”, “Phát động nhân tài, vật lực”, học tập lời Hiệu triệu của Hồ Chủ tịch... Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quan điểm, đường lối cách mạng cho đảng viên, cán bộ và nhân dân, công tác đào tạo cán bộ tuyên huấn cấp dưới cũng được Đảng bộ chú ý. Đầu năm 1951, thực hiện chủ trương của Liên Khu ủy Khu V về đơn giản các cơ quan, Tỉnh ủy Bình Thuận sáp nhập Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức thành Ban Đảng vụ. Đến cuối năm 1952, công tác Tuyên huấn chỉ do một số cán bộ phụ trách, theo dõi, chịu trách nhiệm trực tiếp với Tỉnh ủy cho đến kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Bước vào những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, công tác tuyên huấn gặp nhiều khó khăn vì thiếu cán bộ, hoạt động bí mật, xa dân, không có bộ máy tổ chức Ban. Thường vụ Tỉnh ủy phân công đồng chí Trần Lê - Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách, lãnh đạo các cấp ủy và đảng viên cơ sở thực hiện. Công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối cho cơ sở vẫn được thực hiện bí mật. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy phân công một số cán bộ có khả năng chuyên môn theo dõi tin tức qua đài phát thanh giải phóng, báo chí của đối phương để biên soạn thành bản tin gửi xuống cơ sở tuyên truyền. Tháng 8-1961, bộ máy Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận được tái thành lập do đồng chí Trần Như Khuôn phụ trách, trực tiếp giúp cấp ủy làm công tác tư tưởng. Từ năm 1961, công tác Tuyên huấn được giao nhiệm vụ: “Tăng cường công tác tư tưởng trong Đảng, củng cố phát triển Đảng, đoàn đều khắp, nhất là ở những hướng quan trọng ...”; “Gấp rút đào tạo cán bộ kịp đáp ứng cho nhu cầu phong trào trước mắt ...”; “Kiện toàn từng bước bộ máy huyện, tỉnh trước hết là những ngành thiết yếu ...”.

Từ năm 1968, địa bàn Bình Thuận chia thành hai tỉnh; ngành Tuyên huấn cũng hình thành, hoạt động ở hai địa phương Bình Thuận, Bình Tuy cho đến ngày giải phóng quê hương. Với thành tích xuất sắc, vào năm 1969, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Thuận được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng III.

Sau tháng 4-1975, phát huy khí thế cách mạng qua hai cuộc kháng chiến, công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận góp phần xây dựng quê hương đến đến trước đổi mới năm 1986. Tháng 11-1976, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận được thành lập, do đồng chí Đỗ Thành làm Trưởng Ban, là “cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng”, triển khai tuyên truyền – giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thông qua hệ thống ngành; theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo cấp ủy. Ban Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cố gắng bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng; thực hiện nhiệm vụ, hướng mọi hoạt động của ngành về cơ sở; tổ chức học tập và tuyên truyền nhiệm vụ do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, lần V và lần VI, Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa; tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và địa phương…; tuyên truyền thực hiện các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị trong tỉnh. 

Từ năm 1986 đến 2010, công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tháng 4-1992, sau khi chia tách tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận được tái lập, kiện toàn bộ máy và quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ: “là cơ quan tham mưu cho cấp ủy về công tác tư tưởng –văn hóa, khoa giáo và Lịch sử Đảng”. Với 05 phòng chuyên môn([1], công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận triển khai nhiệm vụ đi vào chiều sâu, tuyên truyền sự nghiệp đổi mới của Đảng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập “Tài liệu tham khảo” (sau này là Thông tin Công tác Tuyên giáo) và “Đề cương thời sự” được xây dựng, hình thành và gửi đến cơ sở làm tư liệu tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên. Công tác Tuyên giáo đã góp phần ổn định tình hình tư tưởng, tạo nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên, nhân dân về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới; tạo được sự nhất trí rộng rãi trong Đảng, trong xã hội đối với những quan điểm tư tưởng nêu trong các nghị quyết của Đảng, nhất là những nhận thức mới về xây dựng Đảng, về định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay.

Từ năm 2010 đến năm 2013, toàn ngành tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và cấp ủy địa phương, chủ động nắm bắt tình hình đề xuất kịp thời, triển khai học tập các Nghị quyết của Đảng có hiệu quả; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị; nắm bắt, đề xuất tình hình tư tưởng và dư luận xã hội có chuyển biến; biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống có nhiều cố gắng; thực hiện tốt công tác phối hợp các hoạt động trên lĩnh vực khoa giáo… đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, tạo được sự đoàn kết thống nhất, nâng cao cảnh giác chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2013, ngành Tuyên giáo Bình Thuận có 8 nhiệm vụ trọng tâm đã và đang triển khai là: tiếp tục hướng dẫn học tập, quán triệt và tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, sửa đổi Hiếp pháp, Luật biển Việt Nam; Triển khai thực hiện bước đầu 03 đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao năm 2012; Tiếp tục theo dõi, đánh giá và nhân rộng việc đổi mới phương pháp học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Đảng; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống địa phương; Phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, đánh giá báo cáo việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực khoa giáo; theo dõi, chỉ đạo, định hướng hoạt động các cơ quan truyền thông báo chí; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Củng cố bộ máy và tăng cường điều kiện hoạt động của Ban Tuyên giáo, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ làm công tác tuyên giáo đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

83 năm qua, đội ngũ Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận là những cán bộ, đảng viên được rèn luyện, trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến; học tập, thử thách trong thời kỳ xây dựng đất nước, hội nhập và phát triển. Được cấp ủy phân công nhiệm vụ, cán bộ ngành Tuyên giáo qua từng thời kỳ với bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, kinh nghiệm thực tiễn và trách nhiệm, vượt qua gian khổ hăng say công tác, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân tin tưởng, giao trọng trách. Trong chặng đường 83 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận tuy còn một số hạn chế nhất định, nhưng trong hoàn cảnh nào, đội ngũ cán bộ cũng bám sát nhiệm vụ chính trị, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới nội dung và phương pháp công tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt, góp phần quan trọng tuyên truyền chủ trương đường lối chủ trương của Trung ương và Đảng bộ tỉnh qua từng thời kỳ. Công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến, tiếp tục vững bước góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ quê hương.

 

Nguyễn Thành Tài



([1]) Tuyên truyền, Giáo dục lý luận chính trị, Khoa giáo, Lịch sử Đảng và Văn phòng Ban; năm 2011, thành lập thêm phòng Thông tin Công tác Tuyên giáo.  

 


  • |
  • 750
  • |

Các tin khác