Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Đảng ở cấp xã

  • /
  • 5.7.2013 - 17:8

Những năm qua, công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, ban ngành, địa phương, đơn vị trong Đảng bộ cấp huyện của tỉnh Bình Thuận có nhiều cố gắng, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước có sự vận dụng đổi mới nội dung và phương pháp học tập, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền.

               Qua đó, từng cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, nắm vững quan điểm chỉ đạo, cơ sở lý luận gắn với thực tiễn, giúp cho việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết một cách phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, đơn vị ở cơ sở.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng tại các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận và các đoàn thể, ban ngành, địa phương, đơn vị ở cơ sở thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định so với yêu cầu. Trong đó, vấn đề đáng quan tâm là: việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập và tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng tại một số cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chưa được chặt chẽ, sâu kỹ, chưa bám sát kế hoạch triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên; đối tượng tham gia chưa đảm bảo đông đủ; một số cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu Nghị quyết. Phương pháp báo cáo truyền đạt của một số báo cáo viên thiếu tính thuyết phục, hình thức đơn điệu, khô cứng, gây tâm lý nhàm chán đối với người học; làm cho kết quả nhận thức tiếp thu ở các đối tượng còn hời hợt, chừng mực. Công tác nghiên cứu, chuẩn bị chưa tốt, do vậy trong quá trình báo cáo truyền đạt chưa nêu bật những điểm mới, những vấn đề căn bản, mấu chốt trong các Nghị quyết của Đảng, chưa đi sâu liên hệ thực tiễn của tổ chức, ngành, địa phương, đơn vị để làm sáng tỏ nội dung Nghị quyết. Cũng chính vì thế nên việc xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch chuyên đề thực hiện Nghị quyết của Đảng nhiều nơi còn chung chung, hình thức, chưa cụ thể hoá sát hợp với tình hình đặc điểm, tính chất đặc thù của tổ chức Đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị, dẫn đến tính khả thi trong thực hiện chưa cao. Công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng chưa kịp thời, thường xuyên…

Nhằm để khắc phục những hạn chế trong việc tổ chức quán triệt, học tập các Nghị quyết của Đảng tại địa phương, đơn vị thời gian qua; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch thực hiện đồng bộ, sâu rộng và có hiệu quả thiết thực các Nghị quyết của Đảng, sớm đưa các Nghị quyết của Đảng vào đời sống xã hội, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, cấp ủy, đứng đầu là đồng chí Bí thư cấp ủy các tổ chức Đảng cơ sở cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa tới việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết của Đảng. Tiếp tục phát huy tính năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu, quán triệt, học tập các Nghị quyết của Đảng. Việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết sẽ có kết quả cao nhất khi đồng chí Bí thư cấp ủy cùng cấp trực tiếp giới thiệu Nghị quyết tại hội nghị cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp mình, đơn vị mình. Vì phương thức này sẽ tạo điều kiện để học viên nắm được phần liên hệ Nghị quyết với tình hình cơ sở, đơn vị mình một cách cụ thể, sâu sắc.

Thứ hai, khi xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết, cấp ủy phải bám sát hướng dẫn của cấp trên và gắn với tình hình thực tế của cơ sở, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết; thành phần, tài liệu và nội dung học tập, trọng tâm, trọng điểm đối với từng cơ sở, cơ quan, đơn vị; thời gian học tập, thời gian hoàn thành việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng, phân công rõ trách nhiệm cá nhân từng đồng chí cấp ủy chỉ đạo, phụ trách.

Thứ ba, trước khi tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết, các tổ chức Đảng đều phải xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết. Việc xây dựng chương trình hành động hoặc kế hoạch là nhằm tập trung trí tuệ của cả cấp ủy, cần bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết và phải thực sự thiết thực, phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng cơ sở, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, xem xét, phân công báo cáo viên quán triệt Nghị quyết. Thông thường Bí thư các cấp ủy sẽ là người trực tiếp giới thiệu Nghị quyết. Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là đối với cấp cơ sở có không ít đồng chí Bí thư do hạn chế về khả năng thuyết trình, nên báo cáo thiếu sinh động, thiếu tính thuyết phục. Vì vậy, cấp ủy huyện sẽ cử các báo cáo viên đảm bảo về phẩm chất chính trị, có uy tín, trình độ và phương pháp sư phạm truyền đạt ở những đơn vị này. Trong truyền đạt Nghị quyết, báo cáo viên vừa phải bảo đảm đúng tinh thần, quan điểm, nội dung cơ bản, điểm mới trong Nghị quyết của Đảng, vừa phải đảm bảo tính thực tiễn sinh động, liên hệ, phân tích được tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị và dành thời gian trao đổi, thảo luận với các đại biểu để đi đến thống nhất. Để giúp các đồng chí Bí thư cấp ủy nâng cao khả năng truyền đạt, hằng năm, Ban Tuyên giáo cấp huyện nên tổ chức tập huấn về phương pháp truyền đạt Nghị quyết cho các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy. Trước mỗi đợt quán triệt Nghị quyết, Ban Tuyên giáo cấp huyện soạn thảo đề cương tuyên truyền Nghị quyết theo nguyên tắc bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương, của tỉnh, đồng thời vận dụng để xây dựng những mục tiêu, giải pháp phù hợp với thực tiễn ở địa phương, đơnvị chỉ rõ những việc cấp ủy các cấp cần phải làm để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đề cương được các đồng chí trong Ban Thường vụ cấp huyện duyệt và chuyển trước từ 10 đến 15 ngày để cơ sở nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp. Trong quá trình các đơn vị triển khai Nghị quyết, Ban Tuyên giáo cấp huyện đều phân công cán bộ theo dõi cùng đồng chí huyện ủy viên phụ trách đơn vị kịp thời rút kinh nghiệm cho các kỳ quán triệt lần sau.

Thứ năm, cán bộ, đảng viên cần phải quán triệt, xác định rõ việc học tập, nghiên cứu, tổ chức thực hiện vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm. Cần phát huy tinh thần tự giác, chủ động, tích cực; tập trung nghe, ghi chép nội dung báo cáo viên truyền đạt và tích cực trong thảo luận.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết bằng nhiều hình thức. Mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, phát huy vai trò của các tổ chức ở cơ sở. Đảm bảo cung cấp sâu rộng các chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết cho nhân dân hiểu, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy trong việc triển khai học tập, nghiên cứu quán triệt các Nghị quyết của Đảng. Từ đó, đánh giá đúng tình hình triển khai, học tập Nghị quyết, có biện pháp chỉ đạo kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những nhận thức lệch lạc, khắc phục tình trạng làm hình thức.

                                                      Thế Minh


  • |
  • 740
  • |

Các tin khác