Bình Thuận tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh THPT

  • /
  • 23.4.2013 - 9:48

Trong tình hình hiện nay, với việc toàn cầu hoá kinh tế nói chung và công nghệ thông tin nói riêng, bên cạnh những mặt được thì cũng đem lại không ít những khó khăn, qua phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại, truyền hình cáp, internet...một số người bị ảnh hưởng lối sống phương Tây dẫn đến quan điểm lệch lạc; thay đổi nhanh chóng lối sống, tha hoá đạo đức, tiêm nhiễm những luồng tư tưởng phản động, mà nhất là học sinh, sinh viên, những người nắm bắt, tiếp cận nhanh nhất với công nghệ thông tin và cũng là lực lượng đông đảo, hùng hậu mà thế lực phản động nhắm vào nhằm lôi kéo.

                 Giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức học sinh nói riêng nhằm hình thành hành vi ứng xử văn hoá cho học sinh là vấn đề hết sức cần thiết hiện nay. Đó chính là sự định hướng vào những bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam mới, vừa giữ được thuần phong mỹ tục của dân tộc.  Đây là việc làm vừa mang tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và cũng không hề đơn giản trước những làn sóng nhiễu của thời kỳ hội nhập và kinh tế thị trường.

            Trước đòi hỏi cấp bách đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Tỉnh đoàn Thanh niên, Sở Giáo dục  & Đào tạo đã xây dựng Kế hoạch liên tịch số 26 – KHLT/BTGTU-ĐTN-SGD&ĐT triển khai, thực hiện những nội dung giáo dục công dân, giáo dục chính trị, đạo đức lối sống cho học sinh THPT tập trung vào các nội dung chủ yếu như: phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân cho phù hợp với thực tế; kết hợp bài giảng trên lớp với hoạt động ngoại khoá; thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống với các chuyến đi về nguồn nhằm hiểu về lòng yêu nước, chiến công hiển hách, sự hy sinh anh dũng của toàn dân để bảo vệ đất nước. Tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao để giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; tăng cường rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó, đề cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, để việc giáo dục không chỉ khô cứng là những bài lịch sử, giáo dục công dân với nội dung được soạn sẵn ở giáo trình giảng dạy, lên lớp thầy đọc trò chép, thầy viết trò ghi nên dẫn đến sự nhàm chán, tiếp thu hời hợt. Cần phải đào tạo giáo viên là những người có chuyên môn, tâm huyết với nghề, thường xuyên cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức mới khắc phục sự lạc hậu của chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, hiện đại và phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Lồng ghép chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào nội dung giảng dạy bộ môn giáo dục công dân; hướng dẫn việc nêu gương của thầy cô; thông qua tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của thầy cô giáo để cho học sinh noi theo. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa giữa gia đình, nhà trường và xã hội giúp các em nâng cao khả năng tự nhận thức, tự giáo dục, tự rèn luyện mình, kịp thời phát hiện và điều chỉnh những hành vi biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các em. Qua 01 năm triển khai thực hiện  KH 26 - KHLT/BTGTU-ĐTN-SGD&ĐT, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng kể, nội dung giảng dạy đã được đổi mới đúng, đủ theo quy định; tài liệu giáo dục lồng ghép thêm chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Giáo viên bộ môn giáo dục công dân đã có xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo án bài giảng từ đầu năm học. Ngoài ra, một số giáo viên đã biết kết hợp sáng tạo, hiệu quả phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại (thuyết trình, giảng giải, kể chuyện, vấn đáp, tranh ảnh, thảo luận nhóm, đóng kịch giải quyết tình huống...) nhằm hình thành tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh. Tổ chức hành trình về nguồn, tham quan Khu di tích Bác, dự thi kể chuyện về Bác, giao lưu với trẻ em cơ nhỡ, đi thăm tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng...Qua đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Bố trí biên chế, đảm bảo chế độ cho giáo viên giảng dạy bộ môn GDCD để người giáo viên có thể chuyên tâm công tác giáo dục học sinh, như thế việc giáo dục mới đem lại hiệu quả. Đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và địa phương, tổ chức kiểm tra kịp thời chấn chỉnh  những hành vi vi phạm; mở lớp tập huấn cũng như cung cấp tài liệu giảng dạy phù hợp hợp với thực tiễn...

            Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học chương trình giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho học sinh trong nhà trường là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, xây dựng một thế hệ học sinh sống có lý trí, có hoài bão và có đạo đức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tấm lòng yêu quê hương đất nước, sẵn sàng xả thân hy sinh vì con đường mục tiêu, lý tưởng của Đảng, luôn trau dồi trí thức để đáp ứng kịp thời những nhu cầu của đất nước, của xã hội.

                                                                                    Hồng Hạnh


  • |
  • 861
  • |

Các tin khác