Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 41 - NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường

  • /
  • 30.9.2013 - 9:52

Bình Thuận là một tỉnh nằm ở Duyên hải Cực Nam Trung bộ, có khí hậu nhiệt đới gió mùa nên có môi trường tự nhiên khá đa dạng.

 

             Quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhưng đồng thời cũng gây ra những tác động tới môi trường tự nhiên của tỉnh. Đặc biệt, do lượng khách sạn, nhà nghỉ, resort… ngày càng tăng, lượng du khách đến nhiều đã thải ra môi trường một lượng lớn chất thải đã làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Tình trạng một số bãi biển tắm có nhiều chất thải làm mất mỹ quan đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch, làm ảnh hưởng đến phát triển chung của tỉnh.

            Ngày 15/11/2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 41-NQ/TW về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng và tính đặc thù môi trường của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 46-KH/TU ngày 19/9/2005 và tổ chức hội nghị mở rộng quán triệt Nghị quyết cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt từ tỉnh đến các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc. UBND tỉnh cũng đã ban hành chương trình hành động số 47/2006/QĐ-UBND để chỉ đạo thực hiện trong toàn Đảng bộ và các ngành, các cấp. Ngày 03/8/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 49-KL/TU triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư về Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị.   

            Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương triển khai làm tốt công tác quản lý bảo vệ Môi trường trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức trong nhân dân về BVMT, hạn chế, ngăn chặn phần lớn các hành vi khai thác tài nguyên trái phép, kịp thời chấn chỉnh các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Năm 2012, toàn tỉnh phát hiện 76 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 64 vụ với số tiền 1.173,55 triệu đồng.

            Đối với các CSSX, DN có ảnh hưởng lớn đến MT trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng quý, Chi cục BVMT tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (CSPCTP) về MT của Công an tỉnh và các phòng TN&MT huyện, thị xã, thành phố tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác BVMT để nắm bắt kịp thời những tác động xấu đến MT; đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp xử lý và thực hiện các thủ tục hồ sơ về MT theo quy định, nhằm quản lý nhà nước về lĩnh vực MT. Ngoài ra, cũng đã chú ý đến BVMT ở những nơi khai thác khoáng sản, kế hoạch ứng phó về sự cố tràn dầu, sóng thần, động đất, thủy triều đỏ… Trên cơ sở đó thống kê các trường hợp có nguy cơ ô nhiễm MT để xem xét, đề xuất hướng giải quyết phù hợp cũng như xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về MT theo Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ.       

             Công tác quản lý chất thải, nhất là chất thải nguy hại trong SX công nghiệp, dịch vụ y tế được đặc biệt quan tâm; đa số các CSSX có quy mô lớn đều lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM), CSSX nhỏ hơn đều lập cam kết BVMT. Chất lượng MT không khí tại các khu đô thị trung tâm  được quan trắc định kỳ hàng năm, do Trung tâm quan trắc MT (thuộc Chi cục BVMT tỉnh) thực hiện, kết quả chất lượng môi trường còn tốt.

            Hầu hết các địa phương đều quan tâm và ưu tiên phục hồi các khu vực MT đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn, có kế hoạch và hướng khắc phục. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện xây dựng hệ thống thoát nước tại nhiều tuyến thuộc các khu đô thị và tiếp tục bố trí kinh phí để khắc phục tình trạng ô nhiễm MT vùng thường xuyên ngập lụt sau mưa tại các khu phố trung tâm. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các nhà máy xử lý nước thải tại các khu đô thị lớn của tỉnh nằm trong danh mục 15 dự án ưu tiên cấp tỉnh về BVMT tại Quyết định số 2045/QĐ/UBND ngày 17/10/2012 v/v phê duyệt Chiến lược BVMT tỉnh đến năm 2020.

            Những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cát bay làm sa mạc hoá, tỉnh đã có những dự án cụ thể như: Dự án trồng đai rừng phòng hộ chống cát bay, sạt lỡ khu vực xung quanh 02 bàu nước thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình” được phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2016-2017. Những nơi MT ô nhiễm nghiêm trọng, tỉnh cũng đã có các dự án, đề tài như Đề tài “Điều tra, khảo sát, khoanh vùng các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái MT nghiêm trọng, xây dựng chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện MT”…                 

            Công tác bảo vệ và phát triển rừng, được thực hiện bảo đảm đúng theo các quy định của pháp luật. Hiện nay, tỷ lệ độ che phủ xanh toàn tỉnh đạt khoảng 52% (trong đó, rừng tự nhiên gần 40%) và tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng do các BQL rừng phòng hộ và các tổ chức. Các loài động vật hoang dã, các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng được quan tâm thắt chặt quản lý. Việc khai thác các nguồn tài nguyên: khoáng sản, đất, nước, nguồn lợi thuỷ sản…đa số tuân thủ theo quy định pháp luật, bảo đảm tính hiệu quả, bền vững gắn với BVTN&MT.                       

            Công tác vệ sinh môi trường (VSMT) là việc thường xuyên và định kỳ trong năm. Các cấp ủy cơ sở, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học ở các xã-phường-thị trấn thuộc các địa phương đã thường xuyên hưởng ứng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Từ đó, cho thấy VSMT được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, thực hiện việc mở rộng hệ thống mạng lưới cung cấp nước và chất lượng nước sinh hoạt cho nhân dân. Tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 95% (trong đó nông thôn đạt trên 91%). Ngoài ra, các địa phương cũng đã tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan MT cũng như thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ MT tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái ...

            vùng đô thị và vùng ven đô thị, ý thức BVMT của người dân được nâng cao, hạn chế vứt rác thải bừa bãi ra sông, suối, kênh, rạch, ao, hồ. Rác thải sinh hoạt tại các thị trấn được thu gom định kỳ trong tuần, tại các phường được thu gom hàng ngày để xử lý. Hầu hết ở các địa phương, các tuyến đường phố đều trồng cây xanh và trong công tác quy hoạch, xây dựng các khu đô thị mới hoặc chỉnh trang đô thị đều có quan tâm bố trí diện tích đất cho các nhu cầu về cảnh quan MT (thảm cỏ xanh, công viên, khu vui chơi giải trí…) cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ cho công tác BVMT; đồng thời, bố trí các phương tiện đựng rác nơi công cộng, dọc theo các tuyến phố nơi đông người qua lại. Hệ thống đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường chính cũng được nâng cấp mới.

            Ở vùng nông thôn, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh và thực hiện hương ước, quy ước về BVMT ở những khu dân cư tập trung; sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích, thu gom chai lọ, bao bì phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tránh ô nhiễm MT và nguồn nước xung quanh nơi canh tác. Công tác bảo vệ rừng tự nhiên, nhất là các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng bảo tồn, khu bảo tồn biển được thực hiện tốt, tình trạng khai thác và chặt phá rừng phần lớn được ngăn chặn….Việc đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc cũng như phát triển kỹ thuật canh tác trên đất dốc có lợi cho bảo vệ độ màu mở của đất, ngăn chặn tình trạng thoái hoá đất và sa mạc hoá đất được các địa phương đặc biệt quan tâm. Đồng thời, nghiêm cấm săn bắt chim, thú trong danh mục cần được bảo vệ cũng như đã ngăn chặn kịp thời phần lớn nạn sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản.                                   

            Đến nay, hơn 91% người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và trên 72% số hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh.  Công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại vùng nông thôn được triển khai và có kết quả, đến nay hơn 70% rác thải sinh hoạt được thu gom xử lý. Đồng thời, trong quá trình đô thị hoá nông thôn, trong quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư nông thôn mới đều được các địa phương quan tâm, chú trọng đến công tác BVMT. Tuy nhiên, tình trạng khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp (tưới thanh long, hoa màu...) bừa bãi, mang tính tự phát, chưa được quản lý chặt chẽ.           

            Trong những năm qua việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của đa số cấp uỷ đảng, chính quyền, các đoàn thể có nhiều chuyển biến tích cực và quan tâm hơn đến công tác BVMT; Ý thức chấp hành Luật BVMT của nhân dân, các tổ chức, DN đặc biệt là trong các LLVT và học sinh, sinh viên ngày được nâng lên; phố, phường, làng, xã, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, trạm xá…ngày càng xanh, sạch, đẹp. Công tác quản lý Nhà nước về MT, nắm bắt thông tin và cập nhật văn bản kịp thời, đáp ứng được phần lớn yêu cầu quản lý nhà nước.

            Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Công tác truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về BVTN&MT chưa được thực hiện sâu rộng, sinh động và liên tục; Địa bàn tỉnh trải rộng đã phần nào hạn chế việc giải quyết những công việc cấp bách về MT xảy ra tại các địa phương. Kinh phí, trang thiết bị chưa bảo đảm, còn thiếu so với yêu cầu thực tế đặt ra ngay cả cấp tỉnh, nguồn nhân lực phục vụ cho công tác này quá thiếu nhất là ở cơ sở, trình độ còn chưa đạt so yêu cầu;  Một số ít cấp uỷ, chính quyền cơ sở, ngành, đơn vị đặc biệt là các DN chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác BVTN&MT mà chỉ tập trung vào phát triển kinh tế, thậm chí còn gây tác động xấu đến công tác BVTN&MT; Các địa phương hầu hết đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nhất là công nghiệp có mùi xa khu dân cư nhưng vẫn còn nhiều CSSX chế biến nhỏ, lẽ, trong đó có những CS không có bản cam kết BVMT nhưng vẫn hoạt động nằm trong khu dân cư.               

            Thực tế công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực hiệu quả. Đã cụ thể hoá các văn bản chỉ đạo, cụ thể hoá được các nội dung nhiệm vụ quản lý về bảo vệ môi trường ở địa phương thể hiện sự quan tâm và tăng cường chỉ đạo của chính quyền, trở thành yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên để đưa quản lý bảo vệ môi trường đi vào nề nếp. Ở địa phương đã chú trọng thực hiện phương châm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội gắn với tăng cường bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Các nội dung nhiệm vụ quản lý bảo vệ môi trường ở địa phương đã có chiều sâu, từ công tác triển khai thực hiện phòng ngừa, bảo vệ, đến việc xử lý khắc phục ô nhiễm. Đẩy mạnh sự phối hợp và trách nhiệm các sở ngành, các cấp trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Ở nhiều nơi, cả ở đô thị và vùng nông thôn môi trường đã có sự cải thiện. Môi trường chung trên địa bàn của tỉnh căn bản bền vững đang ngày được bổ sung làm xanh, sạch thêm, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của cả nước.

                                                                           Lê Bình


  • |
  • 1638
  • |

Các tin khác

TIN NỔI BẬT