Ghi nhận từ Hội thi Chung khảo giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2014

        Trong hai ngày 15 và 16/11, Hội thi chung khảo Giảng viên Lý luận chính trị giỏi năm 2014 đã được tổ chức và kết thúc bằng lễ tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể xuất sắc vào tối 16 -11.

       21 thí sinh đại diện cho 19 tỉnh, thành trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo giảng dạy lý luận chính trị tại các học viện đã về tham dự hội thi chung khảo lần này.

       Trải qua 03 vòng tuyển chọn ở các Hội thi khu vực phía Bắc, phía Nam và miền Trung – Tây Nguyên, Hội thi chung khảo Giảng viên Lý luận chính trị giỏi năm 2014 đã diễn ra nghiêm túc, phấn khởi thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

       Tiếp nối thành công của cuộc thi giảng viên lý luận trước đây, đã trải qua 12 năm (2003), Hội thi chung khảo Giảng viên Lý luận chính trị giỏi năm 2014 nhằm góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị; đẩy mạnh phong trào thi đua, đưa hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện ngày càng đi vào nề nếp; tạo điều kiện để các giảng viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên, thúc đẩy việc đổi mới phương thức giảng dạy và học tập trong các trường lý luận chính trị hiện nay…Cũng qua Hội thi lần này nhằm đánh giá một cách thực tế, sâu sát nhất thực trạng giảng dạy của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho đội ngũ giảng viên hàng năm.

       Hội thi Chung khảo giảng viên lý luận chính trị giỏi là một hình thức sinh hoạt chính trị quan trọng trong công tác Đảng năm 2014. Đối tượng tham dự hội thi là giảng viên (giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức) thuộc Trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo viên của các đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ.

       Giảng viên, báo cáo viên tham dự hội thi lựa chọn một bài trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị thực hiện ở TTBDCT cấp huyện, các đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành và hướng dẫn, cụ thể như: Chương trình học tập lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng; chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đảng viên mới; chương trình bồi dưỡng công tác đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội; chương trình sơ cấp lý luận chính trị...

       Hội thi bao gồm các thí sinh, đạt giải nhất, nhì và ba tại hội thi của khu vực phía Bắc, miền Trung – Tây nguyên và khu vực phía Nam. Mỗi thí sinh tham dự hội thi phải thực hiện 3 phần thi. Phần thứ nhất, soạn giáo án, đóng thành quyển và gửi về trước cho Ban tổ chức hội thi. Phần thứ hai, thi thuyết trình, thí sinh chọn một hoặc nhiều phần trong bài đã đăng ký dự thi để thuyết trình trong 25 phút. Phần thứ ba, thi ứng xử, thí sinh trả lời 02 câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra. Nội dung các câu hỏi liên quan trực tiếp tới bài giảng và kỹ năng sư phạm; thời gian trả lời mỗi câu hỏi không quá 05 phút.

      Các giáo án tham dự hội thi được các thí sinh chuẩn bị rất công phu, nội dung đầy đủ, bảo đảm yêu cầu về nội dung; hình thức trình bày rõ, đẹp, bảo đảm số trang quy định; bố cục chặt chẽ, cân đối, phân bổ thời gian giảng tương đối hợp lý; đa số giáo án tham gia dự thi có sự đầu tư; xác định được mục đích, yêu cầu của bài giảng; bảo đảm tính khoa học, phù hợp với đối tượng, mục đích yêu cầu đề ra. Phần thi thuyết trình diễn ra sôi nổi, thật sự là đợt sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên; là điều kiện để các giảng viên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng và phương pháp giảng dạy lý luận chính trị. Nội dung thuyết trình của các thí sinh đúng chủ đề đăng ký, đúng thời gian quy định. Phong cách thuyết trình mang tính sư phạm, bình tĩnh, dẫn nhập nội dung lôgích, ngắn gọn, sử dụng ngôn ngữ chính xác, rõ ràng, dễ nghe, diễn đạt thu hút, sinh động.

        Nhiều giảng viên có phong cách thuyết trình đĩnh đạc, tự tin, đã chuyển tải nội dung sinh động, súc tích, lôgích, chặt chẽ, dễ hiểu, phù hợp đối tượng, gắn lý luận với thực tiễn, rút ra được ý nghĩa sâu sắc, liên hệ thực tiễn cụ thể, sát đúng theo hướng vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ công tác. Một số giảng viên sử dụng nhuần nhuyễn giáo án điện tử, kết hợp viết bảng, trình bày mô hình minh họa nội dung bài giảng khá phong phú, hấp dẫn. Kết quả điểm thi của các thí sinh không chênh lệch quá lớn, điều này chứng tỏ được trình độ, khả năng của các thí sinh dự thi lần này khá đồng đều, các giảng viên đã có sự nghiên cứu sâu đề tài mình lựa chọn, thực sự tâm huyết với nghề và nhiệm vụ được cấp ủy phân công.

         Phần trả lời câu hỏi do Ban giám khảo đặt ra: đây là phần thi mà các giảng viên dự thi lo lắng nhất vì nội dung khá nhiều và thời gian chuẩn bị còn hạn chế, song không vì thế mà ở phần thi này trở nên khó khăn đối với các giảng viên, mà ngược lại đây là phần thi hấp dẫn. Nhiều giảng viên nghiên cứu tài liệu khá kỹ, nắm vững các nguyên tắc và nghiệp vụ giảng dạy lý luận chính trị, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, bình tĩnh, tự tin nên trả lời câu hỏi khá thành công; trả lời đúng, đủ nội dung câu hỏi đặt ra; linh hoạt, phân tích diễn giải chính xác. 

         Hội thi được tổ chức cũng là điều kiện cho cán bộ quản lý, giảng viên và báo cáo viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để đưa hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố vào nền nếp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị của từng địa phương, đơn vị.

         Thông qua hội thi chung khảo giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2014, giúp cấp ủy các cấp có định hướng chỉ đạo sâu sát hơn về công tác giáo dục lý luận chính trị; về vị trí, vai trò và tạo điều kiện cho Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hội thi cũng nhằm đánh giá đúng khả năng sư phạm và trình độ, năng lực của giảng viên, có tác dụng giáo dục, động viên, trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đơn vị.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT