Công tác nắm bắt dư luận xã hội ở Bình Thuận trong những năm gần đây

             Dư luận xã hội là một hình thái ý thức xã hội xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử xã hội loài người và sớm bộc lộ vai trò của mình đối với tiến trình phát triển xã hội.

            Trong toàn bộ lịch sử loài người, dư luận xã hội giữ vai trò là yếu tố điều hòa các mối quan hệ và hành vi của con người. Chính vì vậy, từ lâu các giai cấp thống trị trong xã hội đều rất quan tâm nắm bắt dư luận xã hội, nghiên cứu, khám phá bản chất và chức năng xã hội to lớn của nó để thực hiện trong thực tiễn quản lý xã hội. Hiện nay, ở nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã hình thành cơ chế: trước khi ban hành một quyết định, một chính sách quan trọng nào đó đều tiến hành điều tra thăm dò dư luận xã hội. Những chỉ báo về thái độ của quần chúng nhân dân đối với các quyết định là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tính xác thực và tính khả thi của các quyết định đó.   

            Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua cấp ủy các cấp trong tỉnh luôn quan tâm nghiên cứu, nắm bắt, xử lý và định hướng dư luận xã hội đạt được một số kết quả cụ thể: bước đầu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của dư luận xã hội và sự cần thiết phải nắm bắt dư luận xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của các cấp, ngành, địa phương; xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, có trách nhiệm, tình cảm và có khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, có khả năng đối thoại, thuyết phục, giải thích và định hướng thông tin đối với dư luận; công tác nghiên cứu dư luận xã hội đã bước đầu xây dựng được một cơ chế hoạt động nắm bắt dư luận xã hội khá công phu, đã hình thành mạng lưới cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở. Từng bước hình thành quy trình, phương pháp nắm bắt dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở như: qua các cuộc họp, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; các hội nghị báo cáo viên; đơn thư khiếu nại tố cáo; phương tiện thông tin đại chúng; trong đó, phổ biến nhất là qua các cuộc họp giao ban dư luận xã hội định kỳ; từ kết quả của các hoạt động nghiên cứu đư luận xã hội đã được các cơ quan có trách nhiệm phân tích nhiều cấp uỷ đã quan tâm chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề dư luận phản ánh; thông tin công khai các vấn đề mang tính nhạy cảm, giải quyết kịp thời tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

            Tuy nhiên, công nắm bắt và xử lý thông tin dư luận trong thời gian qua cũng còn những mặt yếu kém, khuyết điểm, trong đó nổi lên những vấn đề sau đây:

           Công tác nghiên cứu dư luận chưa được các cấp, các ngành quan tâm tâm đúng mức. Việc thu thập thông tin đôi khi còn thiếu khách quan, trung thực, chưa tổng hợp được ý kiến số đông nên chưa phản ảnh được nhiều khía cạnh đang đặt ra trong dư luận xã hội để tạo điều kiện cho việc phân tích, xử lý. Một số dư luận phản ảnh chưa kịp thời cho lãnh đạo và các cơ quan Nhà nước nên đã hạn chế hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý xã hội .

          Phải sử dụng các kết qủa của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận xã hội để xác định các nhiệm vụ, biện pháp công tác tư tưởng, biện pháp hướng dẫn dư luận, tạo điều kiện hình thành những dư luận đúng đắn và để làm căn cứ cho việc ban hành, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở trung ương và ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả nghiên cứu dư luận xã hội để làm căn cứ ban hành và điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền và đoàn thể chiếm tỉ lệ còn thấp.

          Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu dư luận xã hội nhìn chung còn hạn chế, đặc biệt là cấp cơ sở. Do đó, nhiều thông tin cung cấp cho cấp trên còn mang nhiều yếu tố chủ quan, việc thu thập còn tuỳ tiện, đơn giản, thiếu sự phân tích đánh giá, điều tra cụ thể. Để tiếp tục công tác nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh đạt kết quả trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

           Một là, để nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nhanh chóng, kịp thời, phục vụ có hiệu quả cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước các cấp, trước hết cần nhận thức rõ về vai trò, vị trí, chức năng của dư luận xã hội và sự cần thiết phải nắm bắt dư luận xã hội.

          Hai là, việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội không chỉ là công việc của ngành chuyên môn, của cán bộ tuyên giáo mà cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc nắm bắt tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội.

           Ba là, kiện toàn, củng cố, ổn định, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác dư luận xã hội từ tỉnh đến có sở.

          Bốn là, duy trì nề nếp hoạt động sinh hoạt; ổn định, nâng cao chất lượng các cuộc giao ban dư luận xã hội theo từng cấp (định kỳ, đột xuất); đồng thời từng bước mở rộng phương thức nắm bắt dư luận xã hội sang các hướng điều tra, khảo sát, phỏng vấn sâu,…   

          Năm là, sử dụng kết quả nắm bắt dư luận xã hội để nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, nhất là trong việc ban hành các chủ trương, chính sách hoặc ra các quyết định về lãnh đạo, quản lý, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, xung đột, ngăn chặn điểm nóng trên địa bàn.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT