Trong kháng chiến chống Mỹ, do tính chất ác liệt của chiến tranh, cũng như để phù hợp với công tác chỉ đạo, cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận dời đi rất nhiều nơi ở vùng miền núi phía Tây, Tây Bắc của tỉnh. Sau hiệp định Paris cho đến tháng 4-1975, cơ quan Tỉnh ủy Bình Thuận (gồm các bộ phận Văn phòng, Ban Tuyên huấn, Kinh tài, Hành lang, Dân y, An ninh và Tỉnh đội) về đứng chân tại km 36, tỉnh lộ 8 (nay là Quốc lộ 28), gần đồng bằng để sát dân, sát phong trào, sát chiến trường.
Đợt khảo sát lần thứ 3 này, qua lời kể của các nhân chứng lịch sử, đã xác định được một số vị trí trước đây là nơi làm việc của Cơ yếu, đài vô tuyến (Văn phòng Tỉnh ủy), Ban Tuyên huấn, Kinh tài… Đó là những căn cứ quan trọng, giúp cơ quan chức năng tổ chức hội thảo, lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận di tích; tiến tới khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn và triển khai dự án xây dựng nơi đây là một địa chỉ về nguồn, giáo dục truyền thống trong tương lai.