Phương châm công tác lý luận đến năm 2030

         Như chúng ta đã biết, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của lý luận và công tác nghiên cứu lý luận, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng.

        Đảng đã thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh để Đảng ta có đủ sức lãnh đạo cách mạng giành được những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử 85 năm qua. Nhờ nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận và làm tốt công tác lý luận nên hầu hết chủ trương, đường lối chính sách của Đảng ta khi ban hành là đúng đắn, phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của Nhân dân.

       Trong hoạt động lãnh đạo của mình, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng về lĩnh vực lý luận và công tác lý luận, nhất là từ năm 1992, sau khi ban hành Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), Bộ Chính trị (Khóa VII) đã ban hành Nghị quyết số 01 “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), chỉ đạo công tác lý luận, đề ra nhiệm vụ phát triển, cụ thể hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI, VII; đồng thời chỉ đạo nghiên cứu, giải quyết hàng loạt vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách trong nước và quốc tế. Nhiệm kỳ Khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” và trong nhiệm kỳ Khóa X, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Đồng thời, trong những văn kiện lớn, Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm định hướng, chỉ đạo công tác lý luận.

        Ngày 09 tháng 10 năm 2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW về công tác lý luận và định hướng đến năm 2030. Theo đó,  Nghị quyết đã đề cập ba phương châm lớn của công tác lý luận trong giai đoạn mới, đó là:

        - Phương châm thứ nhất là: Lý luận phải gắn chặt với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, đáp ứng và phục vụ yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm hài hòa giữa trước mắt với lâu dài, giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng.

       - Phương châm thứ hai là: Coi trọng việc xây dựng môi trường dân chủ đi đôi với nêu cao trách nhiệm chính trị của tổ chức và cá nhân hoạt động lý luận. Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, định hướng nghiên cứu trong từng thời kỳ.

         - Phương châm thứ ba là: Kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, tiếp thu các thành tựu mới, tinh hoa của nhân loại. Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc.

          Trong ba phương châm lớn nêu trên nhấn mạnh rõ mục đích của công tác lý luận, nguồn gốc hình thành phát triển lý luận, môi trường và điều kiện để phát triển lý luận, đồng thời nhấn mạnh nền tảng, nguyên tắc, yêu cầu xuyên suốt của hoạt động lý luận của Đảng ta. Ba phương châm trên là cơ sở chỉ đạo toàn bộ hoạt động lý luận. Trên cơ sở đó, Nghị quyết đã đề ra bốn hướng nghiên cứu chủ yếu, đó là:

         - Một là:

        + Tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; chỉ rõ vấn đề cần bổ sung, phát triển.

         + Tiếp tục nghiên cứu có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Hồ Chí Minh.

         + Tập trung đi sâu nghiên cứu những giá trị văn hóa truyền thống, những bài học kinh nghiệm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam.

        - Hai là:

         + Tiếp tục đi sâu nghiên cứu về bản chất, đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, làm rõ tính chất, đặc điểm mới của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.

        + Nghiên cứu tình hình thế giới và khu vực, cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng và tương quan các lực lượng trên thế giới, những biến động về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng trong khu vực và thế giới; an ninh hàng hải trên thế giới và khu vực, vấn đề Biển Đông từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Tăng cường nghiên cứu dự báo tình hình.

       - Ba là:

        + Đối với những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới, tiếp tục mở rộng và đi sâu nghiên cứu trên quan điểm khách quan, biện chứng và tiếp thu những giá trị tiến bộ.

        + Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hội và các tư tưởng thù địch dưới mọi màu sắc.

       - Bốn là:

       + Nghiên cứu, phát triển và hoàn chỉnh những luận cứ khoa học làm cơ sở hoạch định đường lối, chính sách của Đảng. Trong hướng nghiên cứu này, cần tập trung nắm vững và hiểu rõ những định hướng chính như sau:

       Thứ nhất, đi sâu nghiên cứu hệ thống quan điểm về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam; về các mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011);

       Thứ hai, nghiên cứu về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về phát triển kinh tế tri thức; về hội nhập quốc tế; về phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

        Thứ ba, nghiên cứu để xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực để phát triển đất nước, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Phát triển văn hóa để xây dựng con người phát triển toàn diện.

       Thứ tư, nghiên cứu để triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, để giáo dục và đào tạo cùng với khoa học, công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu.

       Thứ năm, nghiên cứu làm rõ sự biến đổi cơ cấu, giai tầng xã hội, xây dựng cộng đồng xã hội văn minh, bảo đảm quyền con người.

       Thứ sáu, nghiên cứu làm rõ mối quan hệ, kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân; giữa độc lập dân tộc với hội nhập quốc tế; các vấn đề về an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống.

        Thứ bảy, nghiên cứu dự báo những xu thế lớn của khu vực và thế giới, thời cơ, thuận lợi cũng như thách thức tác động tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

         Thứ tám, nghiên cứu vấn đề hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giữ nghiêm kỷ cương xã hội.

         Thứ chín, nghiên cứu vấn đề dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân đi đôi với hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong điều kiện mới; về xã hội dân sự trên thế giới.

          Thứ mười, nghiên cứu để tiếp tục làm rõ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và phát huy dân chủ xã hội; về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; về tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

         Đây là Nghị quyết có vai trò to lớn đối với sự phát triển công tác lý luận nước ta trong thời gian tới, đóng góp quan trọng để Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những giai đoạn tiếp theo.


Các tin khác