Chuyển biến 10 năm chăm sóc sức khoẻ nhân dân ở Bình Thuận

        Sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu được những kết quả quan trọng.

          Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, củng cố, đội ngũ cán bộ y tế tăng cả về số lượng và chất lượng; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra; nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi. Các chỉ số sức khỏe của người dân đã được cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên.

         Từ 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, đến nay, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố xây dựng, hoàn thiện và nâng cao. Toàn tỉnh có 10/10 huyện, thị, thành phố có Trung tâm y tế (trước đây là Trung tâm Y tế dự phòng), hầu hết được sửa chữa, nâng cấp và hoạt động nề nếp, có 26 phong xét nghiệm ở các cơ sở y tế công lập; toàn tỉnh có 1.490 cán bộ y tế dự phòng; 100% số trường học đều có nhân viên y tế dự phòng. Mạng lưới khám, chữa bệnh được sắp xếp, thành lập mới để đáp ứng yêu ầu ngày càng nâng cao trong việc thăm khám, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Toàn tỉnh có 16 bệnh viện; từ năm 2005 đến nay đã xây mới 16 cơ sở y tế công lập, tỷ lệ giường bệnh cơ sở y tế công lập/10.000 dân đạt hơn 30 giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh hơn đạt 99%, tuyến huyện đạt hơn 85%. Ở tuyến y tế cơ sở, đến nay 127/127 xã, phường, thị trấn đều có có trạm y tế (kể cả các xã cùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi) có trụ sở khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân, bước đầu phát huy tốt vai trò thu hút bệnh nhân, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

           Hệ thống khám, chữa bệnh Đông y, Hội Đông y các cấp ngày càng được đầu tư phát triển, mở rộng. Bệnh viện Y dược học Cổ truyền của tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới và đi vào hoạt động khá ổn định; có 10/10 Hội Đông y cấp huyện, 109/127 hội đông y cấp xã với 1.028 hội viên, 322 cơ sở khám, chữa bệnh bằng Đông y, Tổ chẩn trị Đông y ở các trạm y tế đã duy trì việc trồng, sử dụng cây thuốc nam, thực hiện việc khám, điều trị bằng đông y.

           Đến đầu tư đồng bộ trang thiết bị, trang thiết bị y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư khá đồng bộ và mạnh mẽ, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động khoa Ung bướu, đây là khoa lâm sàng tiếp nhận điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư mà trước đó phải nằm điều trị ở tuyến trên, đã góp phần giảm khó khăn cho người bệnh. Cũng trong năm 2014, nhờ được trang bị thêm trang thiết bị và dụng cụ phẫu thuật mới đưa vào phục vụ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phẫu thuật cũng như tăng cường kiểm tra và làm sạch môi trường bệnh viện nên tình hình nhiễm khuẩn vết mổ được khống chế. Những kỹ thuật mới về lâm sàng và cận lâm sàng đã được triển khai. Đây là những thiết bị kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện bệnh nhanh, chính xác và xử lý kịp thời tại địa phương trong đó có 2 kỹ thuật lâm sàng: đo huyết áp động mạch xâm lấn và kỹ thuật phẫu thuật nội soi lồng ngực, và 3 kỹ thuật cận lâm sàng: đo độ loãng xương, chụp nhũ ảnh và tổng phân tích tế bào ngoại vi bằng hệ thống tự động hoàn toàn… Các bệnh viện khu vực, tuyến huyện còn lại đều được đầu tư trang thiết bị mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Ở tuyến cơ sở, đến nay, phần lớn trạm y tế đã được trang bị và sử dụng tốt một số máy móc hiện đại trong khám, chữa bệnh cho nhân dân, cơ bản phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân tại cộng đồng.

           Và đầu tư phát triển nguồn nhân lực y tế, đội ngũ cán bộ y tế luôn được tỉnh quan tâm, củng cố, kiện toàn và từng bước có phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu; bằng nhiều hình thức, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ ngành y tế. Trong đó, bệnh viện tuyến tỉnh đã cử 9 cán bộ có trình độ đại học đi tu nghiệp chương trình chuyên môn sau đại học, tiếp nhận bố trí việc làm cho 3 người có trình độ sau đại học vào làm việc tại các khoa, phòng trong bệnh viện. Đặc biệt trong năm qua bệnh viện đã liên kết phối hợp với các trường, viện, bệnh viện tuyến trên về đào tạo chương trình nâng cao kiến thức chuyên môn cho thầy thuốc của bệnh viện. So với năm 2005, nguồn nhân lực y tế của tỉnh phát triển nhanh về số lượng, tỷ lệ bác sĩ công lập/vạn dân, từ 5,0 (năm 2010) đã tăng lên 5,18 vào năm 2014, tỷ lệ số dược sĩ trên vạn dân là 0,38; 96/127 trạm y tế cấp xã có bác sĩ, đạt tỷ lệ 75,6%, hầu hết các trạm y tế cấp xã đều có nữ hộ sinh, hoặc y sĩ sản nhi; 712 nhân viên y tế hiện đang hoạt động tại các thôn, bản.  Về cơ cấu nguồn lực theo tuyến công tác: Đến năm 2014, ở tuyến xã có 820 viên chức, trong đó số bác sĩ tăng 1,08 % so với năm 2005; ở tuyến huyện có có 1.712 người, tăng 73,4%, tuyến tỉnh có 1.966 người, tăng 75,3% so với năm 2005; toàn ngành có 68 công chức, 4.430 viên chức. Các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh và huyện đều có các tổ chức Đảng; đến tháng 8/2014, toàn ngành y tế có 1.060 đảng viên/4.498 công chức, viên chức và người lao động, đạt tỷ lệ tỷ lệ 23,56%.

            Có thể nói, so với cách đây 10 năm, hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác y tế vẫn còn một số hạn chế. Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân nên thiếu quan tâm chỉ đạo, chậm khắc phục những yếu kém, khuyết điểm nảy sinh trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh về xây dựng, củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn hạn chế.

            Hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới y tế cơ sơ một số nơi đã xuống cấp; trang thiết bị khám chữa bệnh thiếu, lạc hậu, thiếu các phong chức năng, tường rào; một số Trạm y tế (chủ yếu ở thành phố, thị xã) thiếu diện tích đất nhà trạm, cơ sở chật hẹp; trạm y tế xã và một số bệnh viện huyện chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế, có nơi thiếu nước phục vụ sinh hoạt nếu mùa khô kéo dài.

            Nhiều trạm y tế chưa đạt, năng lực chuyên môn đội ngũ cán bộ y tế không đồng đều, nhất là ở tuyến xã. Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, bệnh viện tỉnh thiếu bác sỹ chuyên khoa, bác sĩ có chuyên môn trình độ cao, bác sĩ, dược sĩ đại học, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, tiến sĩ, chuyên khoa cấp II; một số nơi áp lực khám chữa bệnh đối với bác sĩ khá lớn (từ 70 đến 100 ca mỗi ngày), nhất là ở các cơ sở y tế công lập, đã ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

            Xã hội hoá công tác y tế có những chuyển biến khá tốt, song trước yêu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng cao của nhân dân vẫn còn một số hạn chế; đáng chú ý là loại hình bệnh viện tư nhân phát triển mạnh, song chưa đồng bộ ở các địa phương; việc đánh giá, quản lý chất lượng, giá cả, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc và các xét nghiệm hoặc việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vẫn còn vấn đáng quan tâm.

Để công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đạt kết quả cao hơn, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp về tài chính, trong đó duy trì thực hiện chủ trương giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở y tế công lập. Bên cạnh tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn hỗ trợ từ trung ương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực y tế, đảm bảo đủ nhân lực có trình độ cho tất cả các tuyến theo quy định; quan tâm xây dựng hệ thống thông tin y tế; xây dựng các chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút bác sĩ cũng như cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại tuyến y tế cơ sở, nhất là các huyện miền núi, vùng xa, hải đảo…


Các tin khác

TIN NỔI BẬT