Bình Thuận: Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phát triển kinh tế -xã hội

       Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường.

       Đối với Việt Nam là một nước nhiệt đới đi lên từ nông nghiệp, CNSH càng có vai trò to lớn hơn trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước; đồng thời ứng dụng CNSH và là yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu, phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn... Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng CNSH, ngày 04/3/2005, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về việc “đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”.

       Để chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 50 trên địa bàn Bình Thuận, bên cạnh việc quán triệt Chỉ thị, BTV Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 48-KH/TU. Đồng thời phổ biến tuyên truyền vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của việc ứng dụng CNSH trong sản xuất.

       Qua 10 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị 50, Bình Thuận đã ứng dụng CNSH trên một số lĩnh vực và đạt được một số kết quả bước đầu.

       Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp

       Bình Thuận tiếp nhận và ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân giống nhanh một số loại cây. Với việc cây mô, nhân giống Lan, Ông Phạm Việt Hòa ở thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thắng, đã xây dựng được vườn Lan trị giá trên 25 tỷ đồng, trở thành người nổi tiếng không những ở địa phương mà còn vươn xa trong cả nước. Vừa qua, Trung tâm Thông tin & ứng dụng KHCN đã nhân giống thành công cây chuối già lùn, giống chuối này rất thích nghi và sinh trưởng tốt ở đất đồi vùng cao La Dạ, hay cấy mô cúc đại đóa - trước đây chỉ có thể trồng ở Đà Lạt – trồng phù hợp điều kiện tự nhiên tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết.... Hoặc ứng dụng phương pháp thủy canh, trồng nhà kính và sử dụng phân vi sinh (phân bón được sản xuất từ chế phẩm nông nghiệp dư thừa), nông dân trồng rau xanh, sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường và hiện nay rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Với cây thanh long, là cây trồng đã giúp cho hàng vạn người dân tỉnh nhà có việc làm ổn định, thu nhập cao hay còn gọi là cây “xóa đói giảm nghèo”, các đơn vị đã hướng dẫn mô hình sản xuất thanh long theo hướng GAP (sản xuất bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho người sản xuất, bảo đảm môi trường và có thể truy tìm nguồn gốc sản phẩm...) nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Phong trào làm thanh long VietGAP tiếp tục được duy trì và phát triển, đến nay toàn tỉnh có 7.467 ha/400 tổ chức, cá nhân/8.730 hộ dân tham gia được cấp giấy chứng nhận VietGAP; sản phẩm quả thanh long được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. Với cây lúa, nhằm tránh điệp khúc “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”, Trung tâm giống cây trồng Bình Thuận thực hiện xã hội hóa giống lúa (tạo ra giống lúa có nâng suất cao, chống sâu bệnh, chất lượng đạt yêu cầu xuất khẩu...); qua quá trình nghiên cứu giống lúa, đào tạo kỷ thuật viên hướng dẫn, đã cung cấp nhiều giống lúa tốt cũng như hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cho người nông dân tỉnh nhà, nên nâng suất lúa tăng cao (từ bình quân 94 tạ/ha/năm 2010 lên 56,25 tạ/ha/năm 2014), đạt chất lượng, người nông dân không còn nỗi lo đầu ra....

       Để phục vụ quy hoạch trồng rừng mới, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện quy trình vi nhân giống cho một số giống cây lâm nghiệp, gồm: Bạch đàn U6, W5; keo lai TB11, BV32 và trầm hương; đã nhân chồi và cho ra rễ được 4.000 cây trong ống nghiệm phục vụ sản xuất, đưa ra vườn ươm 3.000 cây lâm nghiệp sạch bệnh các loại. Hiện đang nhân nhanh giống neem trồng rừng cho chất lượng cao, phát triển tốt, đạt tiêu chuẩn trồng rừng để đưa ra trồng ngoài thực địa tại Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuy Phong. Với phương pháp này đã cải thiện được nhược điểm nhân giống truyền thống (bằng cành, hạt, tách chồi, chiết ghép...), tỷ lệ cây trồng sống nâng lên.

       Trong lĩnh vực chăn nuôi

       Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình “Chăn nuôi heo trên đệm lót lên men” nhằm tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học, đặc biệt là chế phẩm EM trong chăn nuôi làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã nhập các giống vật nuôi ngoại, lai có năng suất cao, chất lượng tốt, ít bệnh tật, dễ nuôi, dễ tiêu thụ. Cùng với đó, là việc áp dụng chương trình vaccine mạnh vào việc phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; và đơn vị chức năng đã ứng dụng thành công việc gây bệnh nhân tạo để phòng và trị bệnh TGE (tiêu chảy cấp trên đàn heo); sử dụng các chế phẩm sinh học kháng thể KTG, KTE trong việc điều trị bệnh cho gà, vịt…Hiện nay, ngành Khoa học và Công nghệ đang tiến hành các thủ tục để ứng dụng và xây dựng quy trình nuôi trồng Đông trùng Hạ thảo tại Bình Thuận. Việc nuôi trồng thành công sản phẩm quý này sẽ góp phần tạo ra một dòng sản phẩm quý có giá trị kinh tế rất cao cho địa phương.

       Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp

Ngành Công thương đã triển khai Đề án phát triển nhiên liệu sinh học thuộc lĩnh vực công nghiệp, như nghiên cứu, tuyển chọn và tạo các chủng vi sinh vật có khả năng lên men đạt hiệu suất cao, chất lượng tốt và ổn định trong sản xuất phục vụ nhu cầu công nghiệp chế biến. Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ lên men; thiết kế và chế tạo thiết bị lên men (quy mô vừa và nhỏ) để sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, các chất phụ gia, nguyên liệu hóa dược, nguyên liệu sinh học, hàng tiêu dùng... Và hiện nay, đang nghiên cứu, thử nghiệm, thí điểm ứng dụng CNSH sản xuất ở quy mô lớn một số sản phẩm công nghiệp mang tính an toàn, chất lượng ổn định và có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

       Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

       Bảo vệ môi trường là vấn đề cần được quan tâm cấp thiết thời kỳ CNH-HĐH, nhất là với vấn đề rác thải. Với vấn đề này Ngành Tài nguyên và Môi trường đã phổ biến việc ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi vào xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - du lịch, đang được ứng dụng đã góp phần tiết kiệm kinh phí, mang lại hiệu quả về kinh tế giúp cho doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Hoặc phương pháp xử lý rác thải bằng công nghệ yếm khí tùy nghi, sử dụng các chế phẩm vi sinh vật phân hủy rác thải, đang được áp dụng tại một số địa phương trong việc tận dụng nguồn rác thải hữu cơ có trong rác, chế biến thành phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp; từ đó, khoảng 60% - 65% lượng hữu cơ trong rác được xử lý thành phân, giảm mùi hôi thối từ rác, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm.

       Việc ứng dụng CNSH và những kết quả đạt được trong thời gian qua chỉ là bước đầu, thời gian tới Bình Thuận cần tập trung ưu tiên, chỉ đạo phát triển trong lĩnh vực này, nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong thời kỳ cả nước cũng như tỉnh ta đang tiến hành sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT