Người giảng viên lý luận chính trị ngoài phẩm chất, đạo đức cần phải có chữ “Tâm”

         Cán bộ là nhân tố hàng đầu có ý nghĩa quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị, luôn đóng vai trò quan trọng và là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.

         Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”; “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”, đặc biệt là việc giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, nhất là đối với cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

         Giảng dạy là một hoạt động đặc thù, mà không phải ai cũng làm được và làm được một cách toàn diện. Đối với người giảng viên dạy lý luận chính trị cho đối tượng cán bộ cơ sở, thì càng không dễ dàng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và cả cái tâm của người thầy.

         Cái khó của người giảng viên lý luận chính trị là đòi hỏi người giảng viên phải có phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng trong sáng. Đó là lòng yêu nghề, tâm huyết với công việc giảng dạy, nghiên cứu; lao động không ngại gian khổ, khiêm tốn, thật thà, trung thực, giản dị; là sự tôn trọng, quý mến học viên của mình; là đức tính cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Bác Hồ đã dạy để xứng đáng là tấm gương về đạo đức, lối sống đối với học viên. Bởi giảng chính trị, đòi hỏi giữa lời nói, việc làm phải hài hòa, phải đi đôi. Nói và làm phải đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều đó, đòi hỏi phải có sự rèn luyện, trau dồi về mọi mặt của người giảng viên. Phải khắc phục việc giảng đường lối, chính sách, pháp luật rất hay, nhưng làm thì ngược lại, điều đó phản tác dụng. Từ đó sẽ tạo ra sự hoài nghi, thiếu tin tưởng của người học.

         Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp không phải tự nhiên mà có, mà là sự tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành nên, cùng với sự rèn luyện, học tập phấn đấu và quyết tâm của từng người. Giảng bài là việc khó, nhưng giảng cho các đối tượng của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và ở trường Chính trị lại càng khó hơn, đòi hỏi phải có sự sắc sảo trong từng bài giảng và những tri thức thực tiễn phong phú. Chỉ có như vậy mới gây được tính thuyết phục từ phía người học.

        Trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và trường Chính trị tỉnh, giảng viên của Trung tâm và giảng viên của Trường Chính trị tỉnh phải giữ vững phẩm chất chính trị của người chiến sĩ cộng sản, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng của Đảng, cũng như biết nhạy cảm với tình hình chính trị - xã hội, có khả năng phân tích đối với những hiện tượng chính trị - xã hội xuất hiện trong đời sống hàng ngày ở trong nước và trên thế giới, để có thể định hướng đúng cho mình trong mọi hoạt động. Phẩm chất chính trị đúng đắn, tác phong chuẩn mực, lối sống giản dị, trong sáng ở người giảng viên là “cái gốc cơ bản” để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong bất kỳ tình huống khó khăn nào. Như vậy, đòi hỏi người giảng viên dạy lý luận chính trị phải có bản lĩnh chính trị, năng lực trí tuệ, nhân cách đạo đức… Mỗi giảng viên chúng ta phải phấn đấu và rèn luyện hơn nữa, như lời dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương đạo đức có giá trị hơn một trăm bài diễn thuyết về đạo đức”.

         Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cũng như ở trường Chính trị tỉnh đều phụ thuộc nhiều vào lực lượng giảng viên. Vì thế, việc xây dựng đội ngũ giảng viên vững mạnh là mối quan tâm không chỉ của lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mà còn đối với trường Chính trị tỉnh và đối với tất cả mọi cán bộ, giảng viên, những ai tâm huyết với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà.

         Nhiều người thường nghĩ, nghề dạy học cũng không khó lắm, hễ có giáo án là có thể giảng được, thầy cứ giảng, cứ đọc, trò cứ ghi là được. Nếu nghĩ vậy là mất đi cái “Tâm” của nghề thầy giáo. Đã lên lớp giảng thì phải có trách nhiệm với bài giảng của mình, thầy giảng những kiến thức mà học viên cần, để vận dụng trong công việc và cố gắng tạo niềm cảm hứng từ phía người học.

         Tuy nhiên, để gắn bó bền bỉ với nghề, giảng viên cần không ngừng trau dồi chuyên môn cả phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Bởi, người thầy lý luận chính trị không chỉ giáo dục tri thức lý luận mà còn bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị cho người học. Đặc biệt cần giữ cho mình cái tâm trong sáng. Chỉ có cái tâm trong sáng mới có thể tạo thành động lực tích cực cho người thầy và cả người học. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá". Điều đó, cho thấy người thầy có một vai trò rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, người chèo đò chở tri thức cho người học. Bác Hồ còn nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”.

         Lâu nay, chúng ta thường nói nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là phải xuất phát từ chất lượng đội ngũ giảng viên. Điều đó rất đúng, với đội ngũ cán bộ giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và của Trường Chính trị tỉnh hiện có thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều này. Nhưng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, ngoài xuất phát từ việc nâng cao kiến thức, chuyên môn, một yêu cầu không thể thiếu đó là không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và cái “Tâm” của người thầy. Vì chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và của Trường Chính trị tỉnh, vì uy tín của người thầy, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và chữ tâm cần phải được coi trọng, coi đó là phương thức hành động của mỗi người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT