Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống tỉnh Bình Thuận năm 2015

       Năm 2015 là thời điểm các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2015 - 2020), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020).

       Được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống tỉnh Bình Thuận đã cố gắng nổ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” và Chỉ thị số 37 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) “về việc tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp”. 

       Ở cấp tỉnh đã hoàn thành biên soạn bản thảo “Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1930-1954)”, chuẩn bị nội dung tổ chức Hội thảo lần thứ nhất; bổ sung tư liệu, chỉnh sửa hoàn chỉnh bản thảo lần thứ 3 và chuẩn bị tổ chức hội thảo lần ba “Tổng kết công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh của tù Chính trị Bình Thuận trong các nhà tù, trại giam Mỹ - Ngụy (1954-1975)”.

       Các huyện, thị, thành phố tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống dưới nhiều hình thức tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hầu hết các huyện, thị, thành ủy đều có chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử địa phương, đưa vào giảng dạy trong chương trình Bồi dưỡng kết nạp Đảng viên mới tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.  

       Trong năm 2015, có 23 đầu sách lịch sử của các ngành, địa phương trong tỉnh được đọc thẩm định, góp ý. Trong đó, có 16 đầu sách đã in, phát hành phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp, gồm: Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Trí (1945 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Thuận Minh (1984 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Đông Tiến (1984 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Kiệm (1954 - 2010), Lịch sử truyền thống Đại đội 440 Hòa Đa – huyện Bắc Bình (1961-1980), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Lương Sơn (1975-2010), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Lầu (1975 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Hảo (1975 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Phước Thể (1975 - 2010), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Nghĩa (1954 - 2010), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Tân Minh (1945 - 2005), Mũi Né truyền thống đấu tranh cách mạng (1930 - 1975), Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Mê Pu (1954 - 1975), Lịch sử Trường Chính trị tỉnh (1962 - 2012), Kỷ yếu truyền thống cách mạng Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng Khu VI trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Kỷ yếu Cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ. Ngoài ra có 07 đầu sách đã được góp ý, thẩm định, đang tiếp tục chỉnh sửa hoàn chỉnh bản thảo để in ấn phát hành, gồm: Lịch sử xã Hồng Liêm (1930 - 2010), Lịch sử Đảng bộ xã Hàm Liêm (1930 - 1975), Lịch sử Đảng bộ thị trấn Ma Lâm (1975 – 2010); Lịch sử Đảng bộ xã Phong Phú (1985 - 2010), Lịch sử Đảng bộ khối các Cơ quan tỉnh Bình Thuận (1976 - 2015), Lịch sử Đảng bộ phường Đức Nghĩa (1975 - 2000), Lịch sử Đảng bộ xã Sùng Nhơn (1964 - 2014). Ngoài ra, Phòng còn góp ý, thẩm định đề cương biên soạn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Đức Tài (1945 – 2015). Bên cạnh đó, ngành lịch sử Đảng tỉnh còn tham gia khảo sát Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, Bình Tuy trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; chuẩn bị hội thảo xác định vị trí xây dựng Khu Di tích căn cứ Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ Ban Liên lạc Văn phòng Khu ủy Khu VI xây dựng Báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVT trong kháng chiến chống Mỹ cho Văn phòng Khu ủy Khu VI…

       Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống. Cấp tỉnh in và xuất bản Biên niên các sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (1930 - 1954); Tổng kết công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh trong các nhà tù, trại giam của địch ở Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975); hướng dẫn chuyên môn, thẩm định bản thảo trước khi phát hành, giúp các cấp, các ngành, địa phương, nhất là cơ sở đẩy nhanh tiến độ biên soạn; phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.

       Các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh như: Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy… tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bổ sung chỉnh sửa sau thẩm định và xuất bản lịch sử truyền thống đơn vị mình; Các đơn vị: Báo Bình Thuận, Trường Cao đẳng Nghề, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh… tiếp tục đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử truyền thống. Các cơ quan, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh tiếp tục tuyên truyền lịch sử truyền thống địa phương trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đưa nội dung lịch sử địa phương vào chương trình giảng dạy trong các trường học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn mở thêm chuyên mục, chuyên trang góp phần tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

       Cấp huyện, thị, thành phố tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, nhất là các xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khẩn trương triển khai biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương; Nơi nào thành lập sau năm 1975: có phong trào hơn 20 năm thì tiến hành biên soạn đến năm 2015, có phong trào dưới 20 năm thì tổ chức sưu tầm tư liệu lịch sử đầy đủ, lưu trữ cẩn thận, để thuận lợi khi có chủ trương biên soạn. Đối với các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc biên soạn lịch sử giai đoạn kháng chiến thì tiếp tục triển khai giai đoạn 1975 – 2010; địa phương nào có thời gian xuất bản giai đoạn kháng chiến đã lâu thì tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu, biên soạn tái bản. Cấp ủy các tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận và các đoàn thể xã, phường, thị, trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đoàn viên, thanh niên, học sinh bằng nhiều hình thức; thực hiện việc đưa lịch sử địa phương vào trường học, chỉ đạo ngành giáo dục cấp huyện thực hiện việc giảng dạy lịch sử địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Các tin khác