Kỷ niệm 69 năm, Ngày toàn quốc kháng chiến: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày ấy, bây giờ

       Sau khi tuyên bộ độc lập ngày 2/9/1945 cho đến cuối năm 1946, nước ta đang đứng trước muôn vàn khó khăn. Nạn đói làm gần 2 triệu người chết, giặc dốt, giặc ngoại xâm, thù trong hoành hành. Đặc biệt là sự có mặt của gần 30 vạn quân Tưởng Giới Thạch và các nước đế quốc dưới danh nghĩa đồng minh chiếm đóng các địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng.

       Trong bối cảnh cách mạng mới thành công với nhiều khó khăn thách thức, chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ, mặt trận đoàn kết toàn dân chưa rộng khắp, lực lượng vũ trang còn mỏng và non yếu trên nhiều mặt, lại bị đế quốc bao vây 4 phía, vận mệnh dân tộc “ngàn cân treo sợi tóc”.

       Nguyện vọng chính đáng của nhân dân ta là đất nước được hoà bình, ổn định để tập trung xây dựng cuộc sống mới sau độc lập. Biết rõ âm mưu của các thế lực thù địch, đồng thời đánh giá đúng thực lực của cách mạng của nước ta lúc đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: phải có chủ trương, chiến lược và sách lược cách mạng đúng đắn để giữ cho được độc lập, vừa nhân nhượng, vừa hoà hoãn với kẻ thù để tránh cùng một lúc phải đương đầu với quân Tưởng và quân Pháp trên quy mô lớn. Mặt khác, tranh thủ thời gian khắc phục những khó khăn, xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Ở miền Bắc cuối năm 1945, đầu năm 1946 ta tạm hoà hoãn với quân Tưởng (Trung Hoa dân quốc), bọn tay sai Việt Quốc, Việt Cách để tránh xung đột và tập trung chống thực dân Pháp đang gây hấn ở Nam Bộ.

       Đầu năm 1946, các nước đế quốc thoả thuận để Pháp độc chiếm Đông Dương. Sớm biết được âm mưu đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sách lược “hoà để tiến”. Hoà hoãn với Pháp bằng ký Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946 để đuổi quân Trung Hoa dân quốc về nước và khéo léo giải quyết cuộc xung đột giữa Pháp và Việt bằng biện pháp hoà bình để có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến. Sau khi không khuất phục được Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, giới cầm quyền Pháp quyết tâm dùng vũ lực nhằm cướp nước ta một lần nữa. Trên thực tế ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, chúng liên tiếp vi phạm các điều khoản ký kết tại Hiệp định Sơ bộ 6/3 và tiến hành đàn áp nhân dân ta rất dã man.

       Ngày 18/12/1946, Pháp chuyển cho Chính phủ ta tối hậu thư đòi dỡ bỏ những chướng ngại vật trên đường phố để chúng tự do đi lại; đòi ta trao quyền giữ gìn trật tự trị an ở Hà Nộ; đòi chiếm nhiều vị trí quan trọng trong thành phố; chúng dùng vũ lực gây sức ép buộc ta phải nhượng bộ; ta kiên quyết không chịu khuất phục, không chịu nhượng bộ. Tạm ước ký ngày 14/9/1946 là một bước nhân nhượng cuối cùng của ta; không thể để chủ quyền và lợi ích đất nước tiếp tục bị vi phạm.

       Trước tình hình trên, ngày 18/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (nay là Phường Vạn Phúc- Hà Đông - Hà Nội), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: hoà hoãn đã hết và quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19/12/1946, thay mặt Trung ương đảng và Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh  ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước và các lực lượng vũ trang nhất tề đứng lên đánh giặc Pháp xâm lược, giữ gìn đất nước. Lời kêu gọi thể hiện thiện chí hoà bình của Việt Nam nhưng bị đế quốc Pháp khước từ, một cơ hội hoà bình Việt- Pháp bị bỏ lỡ và Pháp đã tiến hành xâm lược. “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới và chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”. Đồng thời, khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn nhân dân ta”. Khống! “Chúng ta thà hy sinh trất cả, chứ nhất định không chịu mất nước và nhất định không chịu làm nô lệ”. Mục đích của cuộc kháng chiến là “Việt Nam độc lập và thống nhất”, kết thúc lời kêu gọi Người đã truyền đi niềm tin tất thắng cho toàn dân, toàn quân ta “kháng chiến nhất định thắng lợi muôn năm”.

       Với lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, với ý chí tự lực, tự cường, anh dũng bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chúng ta không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược. Trải qua cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường hơn 90 năm với thực dân Pháp, “chúng ta đã giành được tự do, độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể nhân dân Viễt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

        Đáp lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, sẵn sàng hy sinh, tất cả cho Tổ quốc quyết sinh, ta đã trường kỳ kháng chiến làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc cuộc kháng chiến anh dũng đầy khó khăn, gian khổ của quân và dân ta và thực sự “thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta” như lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

       Trải qua 69 năm, với bao thử thách, thăng trầm của lịch sử, dân tộc ta đã tiến những bước dài trong phát triển và hội nhập, đất nước có nhiều đổi mới; cuộc sống của nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; toàn đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để sánh vai với các cường quốc năm châu; lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam. 

       Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều thuận lợi đã và đang tạo thêm nhiều thế và lực mới để chúng ta tiếp tục tiến lên. Tuy nhiên, thế giới, khu vực cũng xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường; có nhiều cơ hội, song cũng không ít khó khăn thách thức đan xen, trong đó có vấn đề Biển Đông. Đảng ta xác định “nhiệm vụ Quốc phòng-an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn đinh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại âm mưu diễn biến hoà bình và chống phá của các thế lực thù địch… , không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống”.

       Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một bài học giữ nước quý giá, là lời cảnh báo cho các thế lực xâm lược. Với ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” thì mọi kẻ thù xâm lược đều phải chịu thất bại.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT