Bình Thuận: Tăng cường chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam

       Bình Thuận là vùng đất có truyền thống cách mạng hào hùng, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Bình Thuận đã chiến đấu anh dũng và giành nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

       Song, trong hai cuộc kháng chiến anh dũng và kiên cường đó, nhân dân Bình Thuận đã chịu nhiều đau thương, mất mát; không chỉ trong chiến tranh mà nó còn âm ỉ, kéo dài đến ngày nay. Đó là hàng ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, một chất độc hoá học do các công ty hoá chất Mỹ sản xuất, được quân đội Mỹ rải xuống chiến trường miền Nam trong những năm chiến tranh (từ 1961 đến 1971). Những người bị ảnh hưởng bởi chất độc hoá học này có thể bị phơi nhiễm chết trong đau đớn hoặc đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, sống mà như chết. 

       Trước thực tế trên và để xoa dịu nỗi đau chiến tranh cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã Chỉ thị 48-CT/TU, ngày 26/5/2010 về tăng cường giải quyết  hậu quả chất độc hoá học và chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Qua thời gian triển khai thực hiện công tác chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

       Trên tinh thần của Chỉ thị 48, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4703/QĐ-UB, ngày 12/12/2014, của về thi hành Quyết định số 651/QĐ-TTg, của Thủ Tướng Chính phủ, về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, phối hợp với các ngành chức năng liên quan đánh giá những tác động của chất độc hóa học đến sức khỏe con người, môi trường ở những địa nơi Mỹ rải chất độc hoá học; phối hợp tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ, thực hiện khảo sát toàn diện tình hình nạn nhân chất độc da cam và những vấn đề phát sinh để có hướng chăm sóc, giúp đỡ được tốt hơn và làm cơ sở pháp lí cho đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Các cấp Hội NNCĐDC đã tổ chức quán triệt Chỉ thị 48 đến cán bộ Hội các cấp; tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân  hiểu rõ hơn về những tác động, ảnh hưởng của chất độc da cam, từ đó khơi dậy  tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong toàn xã hội.

       Bình Thuận có 798 người đã được xác nhận là nạn nhân của CĐDC và hưởng chế độ trợ cấp; 1.703 người là đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ cho 8 cháu là con em của của nạn nhân CĐDC, bị tật nguyền đi học nghề tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài những chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp hội NNCĐDC  đã vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cả bạn bè nước ngoài được 16,28 tỷ đồng (tiền mặt và vật chất quy thành tiền). Từ nguồn quỹ trên, các cấp hội trong tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân xây mới, sửa chữa nhà ở (xây 64 căn, sửa 01 căn, với trị giá 2,4 tỷ đồng); trợ cấp khó khăn (405 suất/824 triệu đồng), khám bệnh, cấp thuốc (1.930 người, trị giá 693,3 triệu đồng); thăm, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết (18.498 suất/5,3 tỷ đồng); cho vay vốn sản xuất, kinh doanh không lấy lãi (134 lượt hộ, bình quân mỗi hộ 5 triệu đồng); hỗ trợ học bổng (184 suất/153,8 triệu đồng); tặng sổ tiết kiệm (06 sổ/30 triệu động); cấp xe lăn, xe lắc, máy may, máy trợ thính,… (trị giá 392,1 triệu đồng).

       Sự cố gắng, nỗ lực toàn xã hội nói chung và của các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh nói riêng đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện và nâng cao đời sống, giảm thiểu phần nào những khó khăn về vật chất, xoa dịu nỗi đau về tinh thần của nạn nhân CĐDC; tuy nhiên hiện nay trong toàn tỉnh, vẫn còn nhiều đối tượng NNCĐDC chưa được xác nhận, chưa được hưởng chế độ trợ cấp, hoặc mức trợ cấp còn quá thấp so với giá cả cuộc sống hiện nay.

       Để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

       (1) Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐDC;

       (2) Đẩy mạnh việc tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, qua đó, cùng nhau góp phần “chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”;

       (3) Góp ý bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chế độ chính sách nhằm giải quyết nhanh chóng, kịp thời và đúng, đủ cho đối tượng;

       (4) Kiện toàn tổ chức các cấp Hội NNCĐDC để làm tốt hơn nữa chức năng “cầu nối”, “người đại diện” cho chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta đối với những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin.

       (5) Các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện công tác điều tra, khảo sát tình hình, nhằm góp phần đánh giá đúng thực trạng người bị nhiễm chất độc dacam/điôxin. Nắm đúng và đủ tình hình nạn nhân, nhằm chủ động việc xác nhận đối tượng, giải quyết chế độ cũng như có biện pháp chăm sóc giúp đỡ kịp thời.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT