Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy họp bàn, ban hành Quy chế xét công nhận sáng kiến (sửa đổi, bổ sung)

       Sáng kiến là các giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Căn cứ Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều lệ Sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Sáng ngày 31/5/2016, đồng chí Hồ Trung Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì cuộc họp, ban hành quy chế xét công nhận sáng kiến.

       Quy chế quy định đối tượng áp dụng, điều kiện, tiêu chuẩn, phân loại và quy trình xét công nhận sáng kiến; cán bộ, công chức và người lao động trong cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều thuộc đối tượng được xem xét để công nhận sáng kiến khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 10 của Quy chế.

       Để công nhận là sáng kiến phải đạt một trong các yêu cầu sau :

       - Sáng kiến được áp dụng thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể ở từng phòng, trong cơ quan, trong hệ thống Tuyên giáo, Khối Thi đua số 6 hoặc toàn tỉnh, được cấp có thẩm quyền chấp thuận ban hành bằng một văn bản cụ thể.

       - Sáng kiến cải tiến, áp dụng kỹ thuật, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc phải là những việc làm có nội dung rõ ràng, có tính đổi mới, sáng tạo, do cá nhân chủ trì thực hiện hoặc theo sự phân công, giao nhiệm vụ của lãnh đạo cơ quan hoặc độc lập đề xuất.

       - Trực tiếp chủ trì và xây dựng ít nhất 02 báo cáo sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, của ngành từ 5 năm trở lên; xây dựng các quy định, quy chế, các tiêu chí nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, trong ngành, trong tỉnh; luận văn, luận án tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đạt loại khá trở lên.

       - Bài viết được đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương phản ánh tình hình, đề xuất giải pháp thiết thực, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về nghiệp vụ chuyên môn của ngành, các ngành liên quan góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.

       - Các đề tài, đề án, bài viết và các sáng kiến khác, không trùng với các sáng kiến, giải pháp công tác, đề tài nghiên cứu đã được công nhận trước đó.

       - Các đề tài, đề án (chuyên đề), mang tính chất nghiên cứu phục vụ cho công tác xây dựng Đảng có nội dung rõ ràng, có tính sáng tạo, do cá nhân chủ trì thực hiện hoặc theo sự phân công của lãnh đạo cơ quan hoặc độc lập nghiên cứu đề xuất đã được áp dụng trong trong cơ quan, hệ thống Tuyên giáo, trong Khối Thi đua số 6 hoặc toàn tỉnh.

       Sáng kiến được phân ra 3 loại: loại A: Nội dung sáng kiến được công nhận áp dụng trong toàn tỉnh, trong các Ban của Tỉnh ủy, trong toàn hệ thống Tuyên giáo của tỉnh hoặc một số tỉnh, toàn quốc; hoặc toàn Khối Thi đua số 6 vận dụng, triển khai; loại B: Nội dung sáng kiến được áp dụng cho toàn cơ quan hoặc có ít nhất 03 bài viết được đăng trên tạp chí, báo Đảng của Trung ương mang tính chất nghiên cứu, luận giải, tổng kết thực tiễn với các giải pháp thiết thực đối với ngành Tuyên giáo và các ngành liên quan; loại C: Nội dung sáng kiến được áp dụng trong từng phòng, bộ phận trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hoặc có ít nhất 3 bài viết mang tính chất phân tích, trao đổi, tổng kết thực tiễn được đăng trên các loại hình báo chí của tỉnh.

       Hội đồng xét công nhận sáng kiến cơ quan tổ chức họp xét công nhận sáng kiến vào dịp cuối năm. Từng thành viên của Hội đồng xét công nhận sáng kiến cơ quan xem xét từng hồ sơ yêu cầu công nhận sáng kiến. Sau đó, có ý kiến nhận xét, đánh giá và chấm điểm. Sáng kiến được công nhận phải có ít nhất trên 2/3 thành viên Hội đồng xét công nhận sáng kiến cơ quan đồng ý bằng phiếu kín và được Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ký quyết định công nhận.


Các tin khác