Kỷ niệm 91 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2016): Hồ Chí Minh - Nhà báo Cách mạng Việt Nam vĩ đại

       Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận mình là nhà báo, mặc dù trong hành trình tìm đường cứu nước, Người đã học viết báo, làm báo từ rất sớm. Không những học viết báo, làm báo từ rất sớm mà trong quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, Người còn là người thầy vĩ đại của báo chí Cách mạng Việt Nam.

      Ngày 02/8/1919, Người in bài viết đầu tiên “Vấn đề dân bản xứ” trên báo Nhân Đạo (L’Humanité - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp). Ngày 25/8/1969, Người viết bài “Thư trả lời tổng thống Mỹ” in báo Nhân dân là tác phẩm báo chí cuối cùng của mình. Trong 50 năm không ngừng viết báo, Người đã để lại cho chúng ta một di sản hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, 500 trang truyện và ký với một chủ đề xuyên suốt là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (phát biểu tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II, tháng 4/1959, Người bảo rằng đó là đề tài duyên nợ của mình với báo chí). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng gần 150 bút danh, sử dụng nhiều ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt,…) để viết nên những tác phẩm báo chí xuất sắc. Bên cạnh viết báo, Người còn tham gia sáng lập các tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria, 1922), Quốc tế nông dân (1924), Thanh niên (1925), Công nông (1925), Lính Kách mệnh (1925), Thân ái (1928), Đỏ (1929), Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942); trong đó, tờ Thanh Niên ra đời ngày 21/6/1925, sau này được chọn làm ngày kỷ niệm Báo chí Cách mạng Việt Nam.

       Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị đối với báo chí. Đó là người làm báo phải: có lập trường chính trị vững chắc; có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế; thông tin phải chân thực, chính xác, cẩn thận về nội dung và hình thức; bố cục “ngắn gọn”, ngôn ngữ “trong sáng, giản dị, dễ hiểu,”. Nhiệm vụ của báo chí Cách mạng Việt Nam là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Nhiệm vụ cách mạng cũng là nhiệm vụ của báo chí và bao trùm toàn bộ cuộc cách mạng, phục vụ mọi mặt của đời sống đất nước. Vì vậy, hoạt động báo chí không thể bị giới hạn mà phải đa dạng, phong phú để đáp ứng nhiệm vụ chung của đất nước.

      Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo phải có vốn sống thực tế, có kiến thức sâu và rộng, chịu trách nhiệm với tác phẩm của mình khi phát hành. Trong thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng (in trên Báo Cứu quốc, số 1264, ngày 09/6/1949), Người viết: “Muốn viết bài báo khá thì cần:

       1. Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.

       2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.

       3. Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.

       4. Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ...”([i]

       Tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ II tháng 4/1959, Người đã căn dặn các nhà báo: “…Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,…) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Người nhấn mạnh: “… Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ, vũ khí là cây bút, trang giấy. Cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đó cũng là chủ trương xuyên suốt của Đảng đối với báo chí Cách mạng Việt Nam từ lúc hình thành cho đến nay.

       Tại Đại hội Hội nhà báo Việt Nam lần thứ III, tháng 9/1962, Người chia sẻ kinh nghiệm viết báo thời gian qua của mình. Mỗi khi viết một bài báo phải đặt ra các câu hỏi: Viết cho ai đọc? Viết để làm gì? Viết thế nào cho dễ hiểu, dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ mọi người đọc lại và sửa lỗi giùm. 

       Theo Người, bố cục bài báo phải ngắn gọn và ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu. Ngắn gọn, không có nghĩa là cộc lốc, mà là gọn gàng, rõ ràng, có nội dung cụ thể. Còn muốn ngôn ngữ bài báo trong sáng, dễ hiểu, người viết phải học ở quần chúng, học cách nói của quần chúng. Từ đó quần chúng mới hiểu được.

       Về ngôn ngữ sử dụng, Người luôn đề cao việc sử dụng tiếng Việt nhiều nhất có thể trong một bài báo. Người khuyên nhà báo nên biết một ngoại ngữ, nhưng sử dụng để đọc báo nước ngoài, qua đó học hỏi cách viết của báo nước ngoài, chứ không nên sử dụng bừa bãi ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Người đề cao và khẳng định: “…Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”

       Suốt 50 năm (1919 - 1969) gắn bó với báo chí, những bài viết, lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là tài sản quý báu của Báo chí Cách mạng Việt Nam cho đến hôm nay. Những lời dạy của Người về báo chí cách mạng, người làm báo được Đảng ta quán triệt, nhấn mạnh ở các văn bản chỉ đạo, nghị quyết liên quan đến lĩnh vực tuyên truyền, báo chí trong suốt thời gian qua; đã làm cho báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

([1]) Những nội dung trong dấu “…” được trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội 2011


Các tin khác

TIN NỔI BẬT