Một vài suy nghĩ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức ở tỉnh Bình Thuận

       Hiện nay, mỗi trung tâm có từ 3 đến 5 cán bộ, trong đó từ 1 đến 3 giảng viên chuyên trách. Như vậy, việc giảng dạy tại nhiều trung tâm hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào đội ngũ giảng viên kiêm chức.

       Để đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở, việc thành lập, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức tại địa phương, đơn vị là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Thực tế cho thấy, nhiều đồng chí giảng viên kiêm chức có trình độ, năng lực và giàu kinh nghiệm công tác thực tế nên có thể chuyển tải có hiệu quả kiến thức chuyên môn đến các đối tượng học viên làm cho học viên dễ tiếp thu, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện ở tỉnh.

        Hiện nay, toàn tỉnh có 100 giảng viên kiêm chức, hầu hết là những đồng chí giữ chức vụ trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, thị, thành phố có trình độ đại học, trên đại học và chủ yếu có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Nhìn chung, đội ngũ giảng viên kiêm chức của các huyện ủy, thị, thành ủy trong tỉnh cơ bản đủ về số lượng, chất lượng đảm bảo theo yêu cầu; có trình độ, kinh nghiệm công tác phong phú, một số đồng chí có năng lực sư phạm khá tốt. Với những “lợi thế” về kinh nghiệm công tác, cương vị công tác, trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên kiêm chức đã kết hợp kiến thức lý luận gắn với thực tiễn ở địa phương, đơn vị làm cho người học dễ hiểu, dễ nhớ... Chất lượng giảng dạy vì thế cũng từng bước được nâng lên, góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng tại các huyện, thị, thành phố

       Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức của các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn một số hạn chế, đòi hỏi các cấp có liên quan cần tập trung giải quyết để sớm tháo gỡ các khó khăn và ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức trong thời gian tới. Hạn chế đầu tiên và mang tính phổ biến nhất chính là hạn chế về phương pháp, khả năng sư phạm. Nguyên nhân của tình trạng này, ngoài nguyên nhân khách quan là các đồng chí giảng viên kiêm chức đều tập trung vào chuyên môn công tác, hầu hết chưa được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ sư phạm, còn có nguyên nhân do một bộ phận giảng viên kiêm chức chưa thực sự dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy, chưa quan tâm nhiều đến việc dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, chưa chủ động tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng lực sự phạm, khả năng truyền đạt kiến thức cho phù hợp với logic nhận thức cũng như khả năng tiếp thu của từng đối tượng học viên. Bên cạnh đó, do tập trung chủ yếu vào công việc chuyên môn, không ít giảng viên kiêm chức chưa đầu tư thời gian cần thiết cho việc nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, nên chất lượng giảng dạy chưa thật sự đáp ứng yêu cầu. Một số đồng chí còn ngại nhận giảng các chương trình mang tính lý luận cơ bản, ít quan tâm đến cập nhật bổ sung những lý luận, kiến thức mới vào giảng dạy; ngại tiếp cận công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp giảng dạy nên chất lượng bài giảng không cao; kết hợp giữa thực tiễn và lý luận chưa nhuần nhuyễn. Có đồng chí giảng viên kiêm chức trong quá trình giảng còn nặng về thực tiễn và trao đổi, chưa quan tâm đúng mức về lý luận cơ bản nên gây khó cho học viên trong việc chọn lọc thông tin, ghi chép để ứng dụng vào bài thi cũng như sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình công tác sau này. Công tác trao đổi kinh nghiệm với lãnh đạo, giảng viên ở các trung tâm vẫn còn rất hạn chế. Một số đơn vị vẫn còn tồn tại tâm lý nể nang, ngại va chạm nên thiếu những góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng đối với những giảng viên kiêm chức hoạt động chưa thực sự hiệu quả để giảng viên có thể rút kinh nghiệm cho những bài giảng sau. Ngoài những hạn chế nêu trên, việc lựa chọn đội ngũ giảng viên kiêm chức mang nặng tính “cơ cấu”, lựa chọn dựa trên chức danh cũng đang đặt ra những khó khăn nhất định cho công tác nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều đồng chí lãnh đạo do bận công tác, không bố trí được thời gian giảng dạy nên ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, triển khai nhiệm vụ giảng dạy của trung tâm. Có đồng chí tuy có kinh nghiệm, năng lực công tác nhưng không có khả năng truyền đạt vẫn phải đứng lớp để hoàn thành nhiệm vụ. Theo Quyết định 1853, ngày 4/02/2010 của Ban Tuyên giáo Trung ương về ban hành quy chế giảng dạy, học tập của trung tâm bồi dưỡng chính trị, cán bộ, giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức phải có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đồng chí giảng viên kiêm chức vẫn chỉ có trình độ trung cấp lý luận chính trị; một số đồng chí trình độ chuyên môn cũng chỉ ở mức trung cấp

       Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ các cấp có liên quan, mà trước hết là cấp ủy, chính quyền cấp huyện cần có những giải pháp để “bổ ưu, trừ khuyết”, phát huy những lợi thế, khắc phục những khuyết điểm hạn chế trong hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức. Đầu tiên, phải siết chặt từ khâu tuyển chọn đội ngũ giảng viên kiêm chức. Cần xây dựng các tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực của giảng viên kiêm chức làm cơ sở cho việc lựa chọn và phân công giảng dạy phù hợp với năng lực từng người và bố trí giảng dạy các cấp độ đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Kiên quyết không bố trí giảng viên kiêm chức có trình độ lý luận và trình độ chuyên môn trung cấp trở xuống. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện cần coi trọng số lượng và chất lượng khi tuyển chọn giảng viên kiêm chức; không vì thiếu giảng viên hay nể nang mà bố trí cán bộ không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Đối với những trường hợp đã tuyển chọn giảng viên mà chưa đáp ứng yêu cầu quy định, cần có kế hoạch cho đi đào tạo, bồi dưỡng thêm hoặc có phương án thay thế bằng người có đủ điều kiện. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị, thành phố quan tâm đánh giá, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức cho phù hợp yêu cầu giảng dạy các lớp bồi dưỡng; phải lấy yêu cầu về năng lực chuyên môn thực tế và điều kiện có thể tham gia giảng dạy tốt là tiêu chuẩn hàng đầu, để bố trí tham gia đội ngũ giảng viên kiêm chức chứ không nhất thiết giảng viên kiêm chức cứ phải là lãnh đạo. Cần quan tâm tới công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên kiêm chức thông qua các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình của từng địa phương như: cử tham gia các lớp bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, tổ chức trao đổi kinh nghiệp đứng lớp, cách thức soạn giáo án điện tử… giữa giảng viên chuyên trách và giảng viên kiêm chức… Cần đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng chất lượng hiệu quả giảng dạy lý luận chính trị. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, các phần mềm ứng dụng trong việc dạy và học ngày càng trở nên phổ biến, đòi hỏi giảng viên cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, hiên đại hoá hơn nữa. Chính vì vậy, các địa phương cần coi việc đổi mới phương pháp dạy học là điều kiện bắt buộc đối với giảng viên nói chung và giảng viên kiêm chức nói riêng. Đây là yêu cầu cấp thiết, là nhiệm vụ phải tiến hành song song với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng học viên. Trước mắt, các trung tâm cần nắm được sở trường của từng giảng viên kiêm chức, chủ động phân công bài giảng phù hợp với từng giảng viên, thường xuyên tổ chức dự giờ để kịp thời rút kinh nghiệm cho công tác giảng dạy ngày càng đi vào chiều sâu, đạt chất lượng cao; khắc phục tình trạng giảng viên kiêm chức coi việc giảng dạy là “phụ”, ít quan tâm đầu tư thời gian, công sức; khuyến khích đội ngũ giảng viên kiêm chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó, tâm huyết với công tác giảng dạy, cấp ủy các địa phương cần có sự đánh giá đối với cán bộ, đảng viên được phân công vào đội ngũ giảng viên kiêm chức; biểu dương kịp thời, phê bình thẳng thắn. Coi việc thực hiện tốt công tác giảng dạy là một trong những cơ sở để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên được phân công

       Hiện nay, mỗi trung tâm có từ 3 đến 5 cán bộ, trong đó từ 1 đến 3 giảng viên chuyên trách. Như vậy, việc giảng dạy tại nhiều trung tâm hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào đội ngũ giảng viên kiêm chức. Việc tăng cường các biện pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên kiêm chức càng có vai trò quan trọng, góp phần quyết định đến chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị, chuyên môn nghiêp vụ cho cán bộ, đảng viên và góp phần vào công tác xây dựng Đảng. 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT