Từ đại hội đến đại hội - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ VII

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, thực hiện Quyết định số 204-QĐ/HĐBT, ngày 30/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về phân địa giới hành chính các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận, Đức Linh (thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận hiện nay). Huyện Bắc Bình được phân chia thành huyện Bắc Bình và huyện Tuy Phong; huyện Hàm Thuận phân chia thành huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Thuận Nam; huyện Đức Linh phân chia thành huyện Đức Linh và huyện Tánh Linh, v.v…

Đồng chí Nguyễn Trung Hậu

Đến tháng 6/1983, các huyện mới đi vào hoạt động; Các huyện mới được chia tách gồm: huyện Tuy Phong có 10 xã, thị trấn (Liên Hương, Chí Công, Hòa Phú, Phan Rí Cửa, Hòa Minh, Bình Thạnh, Phước Thể, Vĩnh Hảo, Phú Lạc, Phan Dũng); huyện Hàm Thuận Nam có 9 xã (Tân Thành, Tân Thuận, Tân Lập, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm, Hàm Cần, Hàm Minh, Hàm Thạnh, Mỹ Thạnh); huyện Tánh Linh có 11 xã (Đức Phú, Nghị Đức, Đức Tân, Bắc Ruộng, Măng Tố, Huy Khiêm, La Ngâu, Lạc Tánh, Gia An, Gia Huynh, Suối Kiết).

Tỉnh ta khi bước vào công cuộc đổi mới trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm qua 10 năm khôi phục sau chiến tranh và xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa; bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở được củng cố một bước. Căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa về các mặt, quan hệ sản xuất mới trong nông, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được xác lập. Những tiến bộ bước đầu trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp đã phát huy tác dụng, xuất hiện một số đơn vị kinh tế có cách làm mới tích cực, năng động và làm ăn có hiệu quả.

Tuy đạt được những thắng lợi bước đầu, nhưng nền kinh tế của tỉnh đang mất cân đối về nhiều mặt; trong sản xuất, năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp; tốc độ tăng trưởng chậm, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế còn nhiều lúng túng. Công tác phân phối lưu thông còn nhiều khó khăn, ách tắc. Đặc biệt, sau khi thực hiện điều chỉnh giá – lương - tiền (tháng 10/1985), tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng diễn biến xấu, giá cả tăng vọt, thị trường rối ren, thị trường tự do phát triển không kiểm soát được; đời sống của những người sống bằng tiền lương và nhân dân lao động gặp nhiều khó khăn. Tính đến năm 1985, toàn Đảng bộ có 622 cơ sở (có 81 đảng bộ cơ sở). Tổng số đảng viên toàn Đảng bộ là 9.627 đồng chí. Số đảng viên mới phát triển trong ba năm ( 1983 - 1985) là 1.614 đồng chí.

Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ VII

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ IV (Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận) diễn ra từ ngày 12/10 đến ngày 18/10/1986 tại Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh) thị xã Phan Thiết (nay là thành phố Phan Thiết). Dự Đại hội có 517 đại biểu đại diện cho gần 10.000 đảng viên trong tỉnh. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 56 đồng chí (45 ủy viên chính thức, 11 ủy viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 13 đồng chí. Đồng chí Mãn Tấn Dũng được bầu làm Bí thư, đồng chí Ngô Triều Sơn làm Phó bí thư Thường trực; đồng chí Nguyễn Trung Hậu làm Phó Bí thư - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đến tháng 6 năm 1987, đồng chí Nguyễn Trung Hậu thay đồng chí Mãn Tấn Dũng làm Bí thư; đồng chí Hứa Minh Trí - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh làm Chủ tịch.

Đại hội đã thảo luận góp ý Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá đúng những thành tựu, khuyết điểm về xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ 1983 – 1985 và thực trạng kinh tế xã hội trong tỉnh, phân tích rõ nguyên nhân đạt được và những thiếu sót, khuyết điểm trong thời gian qua. Trên cơ sở xác định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ tới là: ổn định về cơ bản tình hình kinh tế - xã hội mà quan trọng nhất là ổn định và phát triển sản xuất, ổn định thị trường giá cả, tài chính tiền tệ, ổn định và cải thiện một bước đời sống nhân dân lao động, kiên quyết khắc phục những sai lầm của những năm qua, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung của tỉnh trong những năm 1986 – 1990 là: “…ra sức tăng cường sự lãnh đạo của các Đảng bộ, phát huy hiệu lực quản lý của chính quyền và vai trò làm chủ tập thể thật sự của nhân dân lao động; tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, đẩy mạnh sản xuất, lưu thông phân phối, sắp xếp lại sản xuất, phân bố lại lao động giải quyết công ăn việc làm, làm chủ thị trường. Hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất mới gắn với phát triển công tác khoa học kỹ thuật và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đổi mới công tác quản lý kinh tế, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang cơ chế quản lý hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa… Hình thành cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp của tỉnh: nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, ngư nghiệp là mũi nhọn, đẩy mạnh công nghiệp chế biến, hàng tiêu dùng và xuất khẩu đồng thời phát triển các ngành điện, cơ khí, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải... Phát triển giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội, đồng thời ra sức tăng cường nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân trong sạch vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, làm tốt nghĩa vụ quân sự đối với tỉnh Hoàng Liên Sơn, chi viện có hiệu quả tỉnh Preah Vihear – Campuchia kết nghĩa”.

Đại hội xác định mục tiêu kinh tế - xã hội trong 5 năm tới (1986 – 1990) là:

- Phát triển sản xuất toàn diện, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm công ăn việc làm, ổn định và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

- Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiết kiệm tiêu dùng tăng tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

- Hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.

- Từng bước xây dựng xã hội mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân sẵn sàng chống xâm lược, phát triển thế trận đấu tranh chống phản cách mạng và các tội phạm khác, xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh.

- Tiếp tục cuộc vận động xây dựng Đảng vững mạnh.

Các chỉ tiêu chủ yếu Đại hội đề ra là: tốc độ phát triển bình quân của tổng sản phẩm xã hội là 8,5% (nhiệm kỳ 1981 – 1985 là 6,9%); của thu nhập quốc dân khu vực sản xuất là 7,8%; giá trị sản lượng công nghiệp tăng bình quân năm 12,2%, nông nghiệp tăng 8%; xuất khẩu phấn đấu đạt 30 triệu rúp và đô la; Phấn đấu đến năm 1990 đạt sản lượng 38 vạn tấn lương thực, bình quân đầu người 316 kg, 83 kg cá tươi, 22,5 lít nước mắm, 12,5 kg thịt, 11,6kg đường; phấn đấu tự sản xuất bình quân đầu người 5m/năm vải mặc các loại; đảm bảo điều kiện học tập cho mức 4 người dân có 1 người đi học, huy động 50% trẻ em trong độ tuổi được vào mẫu giáo, 30% được vào nhà trẻ; đẩy mạnh sản xuất thuốc bảo đảm đủ thuốc chữa bệnh thông thường cho nhân dân, cứ 1 vạn dân có 32 giường bệnh, 2 bác sĩ và 2 dược sĩ cao cấp. Đến năm 1990 dân số của tỉnh là 1,2 triệu người (tăng bình quân 1,7%)

Đại hội xác định trong những năm trước mắt, cơ cấu kinh tế của tỉnh: “…nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, kết hợp chặt chẽ nông, ngư, lâm nghiệp, trong đó nông nghiệp là cơ bản, ngư nghiệp là mũi nhọn, đẩy mạnh công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm, hải sản, tạo sản phẩm hàng hóa, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, đồng thời phát triển đúng mức các ngành công nghiệp phục vụ: điện, cơ khí, vật liệu xây dựng, giao thông vận tải”.

Như vậy, Đại hội lần thứ VII của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận diễn ra từ ngày 12/10 đến ngày 18/10/1986 tại Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh) thị xã Phan Thiết (nay là thành phố Phan Thiết).


Các tin khác