Công tác Tuyên giáo của tỉnh Bình Thuận - một năm nhìn lại

Năm 2018, các lĩnh vực công tác tuyên giáo các nhiệm vụ trọng tâm được Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đã được triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đảm bảo về nội dung và hình thức; đã chỉ đạo và tổ chức thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh.

Tổ chức tốt công tác thông tin - tuyên truyền: Từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều nỗ lực, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và cấp ủy, địa phương, đơn vị tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhân các ngày lễ, kỷ niệm, các sự kiện chính trị quốc tế, trong nước, trong tỉnh đảm bảo nội dung, tiến độ theo kế hoạch, nắm bắt và đề xuất nhiều nội dung được cấp thẩm quyền tiếp nhận xử lý. Nổi bật là việc tổ chức hội nghị giao ban báo chí hàng tháng có nhiều cải tiến, đổi mới nâng dần chất lượng cả về nội dung và hình thức; đối với những vụ việc nổi lên do các cơ quan báo chí phản ánh thông tin, đều được mời đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đến dự để cung cấp thêm thông tin với các cơ quan báo chí tại hội nghị, sau hội nghị phát hành thông báo gửi đến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều nội dung đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết, xử lý. Đồng thời, theo dõi thông tin báo chí phản ánh về Bình Thuận những vấn đề, vụ việc bức xúc xã hội nổi lên được báo chí phản ánh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đều có đề nghị địa phương, đơn vị, ngành có liên quan chỉ đạo giải quyết, tổng hợp kết quả báo cáo Thường trực Tỉnh ủy.

Tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo phát động hưởng ứng; thành lập Ban Tổ chức và Ban Giám khảo Cuộc thi “Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Bình Thuận (mang tên Giải Cờ đỏ); tổ chức kiểm tra 06 Đảng ủy trực thuộc tỉnh và 12 chi, đảng bộ trực thuộc cấp huyện về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với tình hình mua đọc báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tổ chức 02 đợt truyên truyền biển đảo, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền về lực lượng Cảnh sát biển tại tỉnh Bình Thuận; tình hình biển, đảo, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo; công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012; tình hình an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển của Việt Nam và Biển Đông thời gian gần đây, nhất là quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề trên biển, giúp bà con ngư dân, chủ phương tiện làm ăn trên biển thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chấp hành tốt việc khai thác, đánh bắt thủy hải sản trên các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; không vi phạm vùng biển của nước ngoài.

Đã chủ trì phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác cải cách tư pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp, hoạt động cải cách tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thực hiện tốt việc tổ chức hội nghị báo cáo viên cung cấp thông tin thời sự định kỳ mỗi quý 1 lần về tình hình thời sự trong nước, thế giới và những vấn đề dư luận quan tâm cũng như định hướng nội dung tuyên truyền trong thời gian tới; phát hành kịp thời tài liệu Thông tin công tác tuyên giáo, Đề cương thời sự, tài liệu tham khảo của Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Trung ương...cho đội ngũ báo cáo viên và ban tuyên giáo, tuyên huấn các đơn vị, địa phương.

Thực hiện đảm bảo các chương trình, nội dung công tác lý luận chính trị: Được triển khai thực hiện đảm bảo các chương trình, nội dung do Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định về học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị; việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi dần vào nền nếp, ổn định; được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo kịp thời. Nổi bật là việc xây dựng giáo án điện tử và bộ câu hỏi, đáp án đối với 3 chương trình lý luận chính trị và 6 chuyên đề do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành nhằm tạo thuận lợi cho trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc chủ động tổ chức giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục lý luận chính trị; qua đó, tiếp tục thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và học tập, thống nhất về nội dung và chương trình giảng dạy lý luận chính trị.

Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố, ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng ủy trực thuộc đã tổ chức được nhiều loại hình lớp học cho nhiều loại đối tượng theo các chương trình phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị như: các lớp Trung cấp lý luận chính trị hành chính, sơ cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, bồi dưỡng nhận thức về Đảng, bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ mặt trận và đoàn thể,: bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cơ sở; bồi dưỡng các chuyên đề về dân tộc, tôn giáo, khuyến học, công tác văn phòng, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước; kỹ năng xử lý tình huống; nghiệp vụ công tác dân vận...

Công tác khoa giáo: Được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện tập trung vào việc tham mưu cho các cấp ủy Đảng chỉ đạo tổ chức việc sơ kết, tổng kết các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Đảng các cấp trên lĩnh vực công tác tuyên giáo. Nổi bật là tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư “về phát triển nền Đôngy Việt Nam và Hội Đôngy Việt Nam trong tình hình mới”; 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đay mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; 05 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”....

Chú trọng công tác lịch sử Đảng: Nổi bật trong hoạt động này là đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội thảo lần thứ ba “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I, 1930 - 1954”; tọa đàm “sự kiện 3 em thiếu niên đốt máy bay địch” trong kháng chiến chống Pháp tại huyện Tuy Phong; hội thảo “Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh của những chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong các nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954-1975)”; hội nghị góp ý hồ sơ khoa học và bản quy hoạch hu di tích căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) “về việc tiếp tục đay mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp”... biên tập hoàn chỉnh bản thảo “Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I, 1930 - 1954" và bản thảo tập sách “Hoạt động đấu tranh của chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong nhà tù, trại giam ở miền Nam (1954 - 1975)".

Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên Internet: Đã được tập trung quan tâm tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cấp hoạt động ngày càng hiệu quả. Nổi bật là, đã chủ động rà soát, đánh giá, đề xuất các biện pháp đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, nhất là thông tin xấu độc trên Internet; tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động tuyên truyền; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm hoạt động trong thời gian qua, định hướng một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới; tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội để nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tuyên truyền định hướng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng bước đầu đã được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Việc thưc hiên Chỉ thi số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bô Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy triển khai thực hiện sâu rộng, kịp thời, thường xuyên với nhiều nội dung và hình thức phong phú. Việc triển khai Chuyên đề 2018, toàn tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt và sinh hoạt cho 127.900 lượt người. Trong đó, đảng viên là 30.650, đạt 97,15%; cán bộ, công chức, viên chức là 12.102; đoàn viên, hội viên là 85.148 người. Ngoài ra, việc tổ chức cho người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên liên hệ xây dựng và đăng ký kế hoạch gương mẫu, kế hoạch nêu gương, tự giác trong học tập và làm theo gương Bác tại chi bộ, tại đơn vị mình sinh hoạt, công tác; đã có hơn 6800 người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh liên hệ xây dựng kế hoạch đăng ký với những nội dung gương mẫu sâu sắc và trách nhiệm, hơn 32.000 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên liên hệ xây dựng kế hoạch nêu gương, tự giác với những nội dung cụ thể, thiết thực.

Việc liên hệ, rà soát, xác định và tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở mỗi cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Từ 03 vấn đề bức xúc mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định và tập trung chỉ đạo giải quyết là bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề tệ nạn xã hội mà tập trung xử lý trước hết vào ma túy, các cấp các ngành, các địa phương đã cụ thể hóa việc thực hiện và lựa chọn thêm 3 - 4 vấn đề bức xúc cụ thể khác để tập trung giải quyết. Theo đó, đã toàn tỉnh đã tập trung thực hiện được 788 công trình, phần việc có ý nghĩa thực tiễn rất phong phú, góp phần giải quyết khá tốt các vấn đề bức xúc đặt ra. Kết quả chung ở phạm vi toàn tỉnh là sự chuyển biến tiến bộ trên lĩnh vực bảo vệ môi trường trong nhận thức và hành động, nhất là cùng nhau xử lý rác thải, nước thải ở các khu dân cư, xử lý tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến, xử lý, phòng ngừa tại các điểm nóng, các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thực hiện quyết liệt và đồng bộ hơn, nhất là khâu tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý, cảnh báo, răn đe. Các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều đợt cao điểm đấu tranh, xử lý, huy động nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương đơn vị vào cuộc với tần xuất dày hơn, thái độ kiên quyết hơn. Đã tổ chức 1022 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề an toàn thực phẩm với 7470 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, phát hiện 1645 cơ sở vi phạm, xử lý nhắc nhở 1349 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 269 cơ sở với số tiền hơn 2,589 tỷ đồng; nhờ vậy mà ý thức của người dân về an toàn thực phẩm được nâng lên, tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Đối với vấn đề nạn ma túy, đã tập trung cao độ để giải quyết thông qua nhiều giải pháp mạnh mẽ, thường xuyên liên tục với sự vào cuộc của đông đảo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân. Nổi rõ nhất là việc đẩy mạnh sự kết hợp song song 02 nhóm giải pháp chính trong thời gian qua, đó là vừa tập trung đấu tranh triệt phá các ổ nhóm ma túy, vừa tăng cường tuyên tuyền giáo dục và áp dụng các biện pháp cộng đồng gắn với phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành. Đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề về phòng chống ma túy với nhiều cấp độ tại nhiều địa bàn, đơn vị, thu hút sự tham gia của hơn 125 nghìn lượt người, tổ chức phá 236 vụ án, khởi tố 378 bị can, thu giữ nhiều chủng loại ma túy với số lượng rất lớn.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác tư tưởng, giáo dục chính trị chưa cao, nhất là ở địa bàn cơ sở, công tác kiểm tra các hoạt động tuyên truyền ở các địa phương, ngành, đoàn thể chưa nhiều; hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ở một số địa phương, đơn vị còn hạn chế, lực lượng đấu tranh mạng tuy đã được hình thành từ tỉnh đến cơ sở nhưng phương thức, nội dung hoạt động còn nhiều hạn chế; phương tiện, điều kiện hoạt động trên lĩnh vực tuyên giáo còn nhiều bất cập.

Năm 2019 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; đất nước và địa phương có nhiều điều kiện mới để ổn định và phát triển trên nhiều lĩnh vực; ngành tuyên giáo Bình Thuận cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, tập trung đồng bộ trên các lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, nắm bắt và xử lý tốt dư luận xã hội, đẩy mạnh hoạt động báo cáo viên, tăng cường công tác khoa giáo, lịch sử Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu; tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực thực tiễn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tuyên giáo năm 2019; công tác tuyên giáo phải gắn kết với quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội, tham gia giải quyết tốt các vấn đề nổi cộm bức xúc trong cuộc sống của nhân dân./.


Các tin khác