MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG MỚI NHẤT CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG VÀ TRÊN CÁC VÙNG BIỂN VIỆT NAM

  • /
  • 14.7.2011 - 0:0

1. Tàu Hải Giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 và Viking II của Tập đoàn dầu khí Việt Nam. - Ngày 02/4/2011 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN sử dụng tàu Bình Minh 02 tiến hành thăm dò 2D tại lô 125, 126, 148 và 149.

Sử dụng 3 tàu VH-739 của Công ty 129 Hải quân, Tàu Đông Nam 02 của Tổng Cục 2 và tàu BA-01 dân sự để bảo vệ. Lúc 5 giờ 30 phút ngày 26/5/2011, tàu VH-739 của HQVN ở Đông Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) 116 hải lý, phát hiện 03 tàu Hải giám Trung quốc số 12, 17, 84 chạy vào khu vực cáp của tàu Bình Minh 02 đang tiến hành khảo sát tại lô 148, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 84 hải lý, cách đường ranh giới mép ngoài của lãnh hải 200 hải lý, với tốc độ cao, từ 3 hướng tiếp cận đe dọa, uy hiếp, cản trở; đáng chú ý là tàu Hải Giám số hiệu 84 đã dùng thiết bị chuyên dùng tiến hành cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, làm đứt một sợi cáp thăm dò, phải dừng hoạt động. Ngày 31/5 tàu Bình Minh 02 về Nha Trang thay ca và bổ sung lượng dự trữ. Ngày 5/6 tàu Bình Minh 02 và 8 tàu bảo vệ xuất phát ra lô 126 tiếp tục khảo sát và hiện nay đang thực hiện nhiệm vụ khảo sát bình thường. 

- Lúc 8 giờ ngày 8/6/2011, Biên đội VH-731 và VH-737 đang thực hiện nhiệm vụ làm sạch lô 136 để phục vụ cho tàu ViKinh-II khảo sát 3D; phát hiện 20 tàu đánh cá Trung Quốc và 2 tàu Ngư Chính 311 và 303 bảo vệ đang hoạt động đánh bắt ở 06059′-109013′ (Nam - Tây Nam Tư Chính 38 hải lý thuộc Lô 07/3 cạnh Lô 136). Biên đội VH-731 và 737 tổ chức xua đuổi nhưng nhóm tàu này vẫn không rời khỏi khu vực. Lúc 14 giờ, tàu ViKinh-II đến khu vực Lô 135/3 (06058′, 109009′) khảo sát, có 04 tàu VH 731, 737, 794, 746 bảo vệ, bị 02 tàu Ngư Chính 311 và 303 và 20 tàu đánh cá Trung Quốc cản trở hoạt động, khi ta yêu cầu các tàu này rời khỏi khu vực thì tàu Ngư Chính 303 trả lời "phải có sự đồng ý của Chính phủ Trung Quốc thì họ mới di chuyển ra khỏi khu vực". 6 giờ ngày 9/6/2011, khi tàu ViKinh II đang tiến hành nổ địa chấn 3D tại lô 136/3 (tọa độ 47,50 N và 109017,5’E) nằm trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam, bất ngờ bị 01 tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 62226, được sự yểm trợ của hai tàu Ngư Chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303, đã chạy ngang qua mũi tàu, dùng bộ phận chuyên dụng để cắt cáp, nhưng tàu này đã bị vướng vào cáp của Tàu ViKinh II. Tiếp đó, hai tàu Ngư Chính trên cùng 28 tàu cá khác của Trung Quốc, trọng tải từ 200 - 300 tấn đã vào giải cứu cho tàu cá số hiệu 62226. Hậu quả đã làm hỏng 01 sợi cáp và làm rối 04 trong tổng số 08 sợi cáp của tàu ViKinh II, làm cho tàu không thể hoạt động được. 8 giờ 15 phút, Quân chủng Hải quân ra lệnh cho HQ-626 tổ chức lực lượng kiên quyết vây bắt tàu đánh cá Trung Quốc đã trực tiếp cắt cáp thăm dò, thì 2 tàu ngư chính trên áp sát 2 mạn tàu, cản trở quyết liệt để ngăn chặn, giải cứu và 1 tàu cá khác của TQ thả lưới chặn mũi tàu nên tàu HQ-626 không thể tiếp cận tàu cá cắt cáp để bắt giữ; 8 giờ 37 phút, tàu đánh cá TQ đã tách được khỏi cáp thăm dò tàu ViKinh-II quay về hướng Bắc. Đến 14 giờ, 2 tàu Ngư chính 303, 311 kèm đưa tàu cá cắt cáp đi về hướng Nam, các tàu cá khác của Trung Quốc cơ bản ở phía Tây khu vực khảo sát. Hiện nay tàu ViKinh-II đã khắc phục xong sự cố, dự kiến ngày 15/6 tiếp tục hạ cáp thăm dò theo kế hoạch, tính thiệt hại khoảng 2.000.000 USD.

2. Nhìn nhận từ các vụ việc trên.

Từ vụ việc tàu Bình Minh 02 đến tàu Viking II, khoảng thời gian rất ngắn (26/5-9/6), trong lúc Việt Nam đang phản đối hành động của tàu Hải Giám Trung Quốc thì TQ lại chuyển chiến thuật, sử dụng tàu dân sự (tàu đánh cá) nhằm làm giảm bớt tình hình căng thẳng, nhưng vẫn thực hiện được ý đồ xâm phạm của họ. Việc làm của tàu Hải Giám Trung Quốc đối với tàu Bình Minh 02 và tàu ViKinh II là cản trở hoạt động của Tập đoàn dầu khí Việt nam, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là hành động xâm lược, bành trướng mới nhất, nghiêm trọng nhất của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Việc nối lại cáp thăm dò địa chấn phải tốn kém hàng triệu USD. Hành động của tàu Hải Giám Trung Quốc là hành động thô bạo, đe dọa an ninh của cả khu vực, sẽ trực tiếp châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở biển Đông và khu vực Đông Nam Á, gây căng thẳng với các nước láng giềng. Đi ngược lại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn; đi ngược lại Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông mà Trung Quốc đã tham gia ký kết năm 2002, tạo một tiền lệ xấu cách ứng xử trên biển Đông. Phá hoại tình đoàn kết hữu nghị Việt- Trung và phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt mà hai Đảng, hai Nhà nước đã thoả thuận. 

Các hành động có tính hệ thống này của Trung Quốc đang nhằm biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, biến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thành vùng biển có tranh chấp, sau đó đưa ra thỏa thuận cùng khai thác. Mục tiêu quan trọng nhất là muốn độc chiếm 80% diện tích Biển Đông, nhằm biến đường yêu sách “9 đoạn của Trung Quốc thành hiện thực" trên biển Đông.

3. Phản ứng của Việt Nam và các nước trong khu vực:

- Chiều 9/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để khẳng định hành động của các tàu Trung Quốc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, lên án hành động gây hấn thô bạo, ngang ngược, trắng trợn của Trung Quốc. Kêu gọi dư luận quốc tế và bạn bè trên toàn thế giới ửng hộ Việt Nam. Phát ngôn viên Nguyễn Phương Nga nói: " Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việc nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay không để tái diễn những hành động vi phạm quyên chủ quyền và quyền tài phán của Việt Năm đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam. Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông" .

- Sử dụng tất cả hệ thống tuyên truyền vào cuộc: Báo chí, phát thanh truyền hình, báo cáo viên đấu tranh phản bác hành động của Trung Quốc.

- Thực hiện giao thiệp ngoại giao với Trung Quốc: Gặp Người thứ hai Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội trao Công hàm phản đối;

- Thông báo toàn bộ vụ việc gây hấn của tàu Hải giám Trung Quốc để bạn bè quốc tế, kiều bào ta ở nước ngoài thấy được hành động bạo ngược, ngang trái của Trung Quốc (họp báo mời đại diện Đại sứ 9 nước ASEAN, các nước đối thoại: Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Niu Di lân; mời cả phóng viên của Trung Quốc); Cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài thông báo vụ việc cho Bộ Ngoại giao các nước để họ nắm được hành động của Trung Quốc.

- Thông tin đến giới kinh doanh, ngư dân, các giàn khoan nâng cao cảnh giác không bị động nếu giới quân sự của Trung Quốc lại có hành động leo thang xâm lấn; bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân trước thái độ hung hăng của Trung Quốc.

- Sử dụng chữ ký của Trung Quốc tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) để đấu tranh với Trung Quốc.

- Nói rõ cho nhân dân Trung Quốc biết vụ việc, vì nhân dân Trung Quốc là những người thiếu thông tin về Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa. Họ đang bị thông tin cực đoan, bóp méo sự thực, sai lịch sử của giới quân sự tuyên truyền.

-Tăng cường sức mạnh của hải quân, chủ động trong mọi tình huống. Hành động xâm lấn không phải chỉ có thể xảy ra trên biển, khi Trung Quốc tiếp tục leo thang với những hành động không thể biện minh được như vừa qua.

- Vận động các nước ASEAN có ý kiến, vì đây là hành động vi phạm nghiêm trọng đến thể diện, lợi ích và những cam kết hòa bình mà ASEAN đang theo đuổi.

- Đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế:

+ Ngày 31/5/2011, tại Giacacta, Inđônêxia, 150 đại biểu: Ấn Độ, lnđônêxia, Xinhgapo, Philíppin, Việt Nam, Úc.. đã đến dự cuộc Hội thảo quốc tế có chủ đề “Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" do Trung tâm Habibie của Inđônêxia và Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ phối hợp tổ chức; có 13 tham luận của các học giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đã nói về những vấn đề liên quan đến Biển Đông mà quốc tế đang quan tâm. Hội thảo khẳng định: việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải bằng "Đường lưỡi bò" chiếm 80% diện tích Biển Đông là phi lý, không phù hợp, bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Tuyên bố "Đường lưỡi bò" của Trung Quốc không tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc vê Luật biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.

+ Ngày 3/6/2011, bên lề Diễn đàn an ninh khu vực châu á - Thái Bình Dương lần thứ 10, tổ chức tại Shangri-la, Singapo, có 28 đoàn các nước dự. Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Lương Quang Liệt nêu rõ : sự việc ngày 26/5 , tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 đã bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gây bức xúc trong dư luận nhân dân, khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Quan hệ Việt-Trung đang phát triển tốt đẹp. Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và đôi khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: vấn đề tranh chấp ở Biển Đông có thể phải giải quyết lâu dài. Do vậy, các cơ quan cấp dưới của hai nước chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước. Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc; các ngành ngoại giao hai nước cần đàm phán hòa bình và lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước cần đối thoại, đưa ra những quyết sách mà hai bên có thể chấp nhận được. Đại tướng đề nghị quân đội hai nước bình tĩnh, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, gương mẫu thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, đó là phấn đấu trở thành những người đồng chí tốt, láng giềng tốt, bạn bè tốt và đối tác tốt của nhau.

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại buổi lễ hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011 vào tối 08/6 tại Nha Trang. Thủ tướng tuyên bố "khẳng định mạnh mẽ và thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất" để "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của Tổ quốc". "Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình."; "Chúng ta kiên trì chủ trương giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp quốc, đồng thời phản đối mạnh mẽ và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền và lợi ích chính đáng trên biển của chúng ta."
 


  • |
  • 2116
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ