Bình Thuận: Chuyển biến tích cực trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

       Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác tuyên truyền là cầu nối quan trọng đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với công dân, giúp công dân hiểu biết về pháp luật; xây dựng niềm tin về sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật; từ đó, nêu cao ý thức chấp hành pháp luật. Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng và các tổ chức chính trị- xã hội trong tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, PBGDPL, đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; từng bước xây dựng ý thức, hành vi sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của công dân trên địa bàn Bình Thuận.

       Thực hiện kế hoạch hoạt động của Hội đồng PBGDPL tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2016, thông qua việc hướng dẫn tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị, giao ban dư luận xã hội, giao ban báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã hướng dẫn các ngành trong khối Tuyên giáo, các cơ quan báo chí và đội ngũ báo cáo viên các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh, đặc biệt là nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo các cấp ủy đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội và các cơ quan báo chí của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại nhiều kết quả tích cực. Trên chuyên trang, chuyên mục về pháp luật của Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, bản tin, trang tin điện tử của tỉnh, của các ngành, địa phương, đoàn thể tỉnh đã thường xuyên giới thiệu nội dung các Bộ luật được Quốc hội ban hành; các văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật về bầu cử; các văn bản pháp luật của nước ta và quốc tế về biển, đảo... Đồng thời, giải đáp kịp thời những vấn đề cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân quan tâm về pháp luật; phản ánh, phê phán, đấu tranh kịp thời với các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội.

        Trước biến động phức tạp của tình hình Biển Đông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 ký kết kế hoạch liên tịch để thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong công tác; trên cơ sở đó, đã tổ chức 5 buổi tuyên truyền pháp luật về biển, đảo ở 02 địa phương: Thành phố Phan Thiết và huyện đảo Phú Quý. Nội dung, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về biển, đảo của Việt Nam và quốc tế; cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; hướng dẫn ngư dân chấp hành pháp luật trên biển trong khai thác thủy sản; phòng chống, đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy và buôn lậu trên biển. Qua tuyên truyền, đã giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ hơn chủ quyền của Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo trên Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền của nước ta đối với 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tạo dư luận xã hội tích cực ủng hộ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường biển, đảo và nâng cao hiểu biết pháp luật quốc tế về biển nhằm hạn chế vi phạm pháp luật của các nước có chung đường biên giới trên biển, gây tổn hại đến quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

       Đặc biệt, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phát hành nhiều văn bản hướng dẫn; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan trong khối Tuyên giáo đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo lộ trình cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016  - 2021. Nội dung tập trung tuyên truyền những văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác bầu cử; các văn bản pháp luật như: Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân….

       Công tác tuyên truyền về bầu cử đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tiến hành sâu rộng, thường xuyên, phù hợp với lộ trình của cuộc bầu cử (trước và trong bầu cử), đã góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bầu cử, giúp cử tri nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ, từ đó thực hiện tốt trách nhiệm trong tham gia bầu cử. Nhờ đó, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã được cử tri trong tỉnh đi bầu đạt tỷ lệ 99,96%. Đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cử tri trong thực hiện quyền dân chủ, nghĩa vụ công dân trong tham gia bầu chọn người đại diện cho mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

       Hoạt động công tác dư luận xã hội cũng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm, ngày càng nâng cao chất lượng công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, trật tự chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.

       Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2016, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm đúng mức, góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, giúp công dân trong tỉnh thực hiện đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương; niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước được nâng cao; người dân ngày càng tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội góp phần từng bước làm lành mạnh hóa đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong tỉnh.

       Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn còn một số hạn chế, đó là, hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chủ yếu mới được triển khai thực hiện trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang…; việc tuyên truyền đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân còn nhiều hạn chế. Ý thức chấp hành pháp luật trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân chưa cao, dẫn đến tình trạng còn xảy ra nhiều vi phạm về trật tự xã hội; các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

       Để khắc phục hạn chế, trong thời gian tới, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cần hướng tới các giải pháp:

       Thứ nhất, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng về pháp luật của đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên các cấp. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành Tư pháp tỉnh cần thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về các Bộ luật đã được Quốc hội các khóa thông qua còn hiệu lực và 07 dự án luật được Quốc hội (khóa XIII) thông qua tại kỳ họp lần thứ 11, nhằm bổ sung những kiến thức cần thiết về pháp luật, để lực lượng báo cáo viên làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền miệng về giáo dục pháp luật.

       Thứ hai, Ban Tuyên giáo các cấp, Mặt trận, các tổ chức chính trị- xã hội và các cơ quan báo chí cần tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền, đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, nhân dân; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, 07 dự án luật được Quốc hội (khóa XIII) thông qua tại kỳ họp lần thứ 11 và các văn bản pháp luật của nước ta, quốc tế về biển, đảo… Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

       Thứ ba, hình thức tuyên truyền, PBGDPL cần đổi mới phù hợp với từng đối tượng; nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; chú trọng tuyên truyền bằng hình thức tài liệu hỏi - đáp và phát hành rộng rãi để nhân dân sử dụng như cẩm nang pháp luật phục vụ việc điều chỉnh hành vi trong các hoạt động đời sống xã hội.

       Thứ tư, công tác tuyên truyền, PBGDPL cần xác định là trách nhiệm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị; ngành Tư pháp cần chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn tài liệu tuyên truyền từng chuyên đề pháp luật phù hợp với từng đối tượng; kịp thời cung cấp tài liệu các Bộ luật Quốc hội đã ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan làm cơ sở cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí, lực lượng báo cáo viên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT