Tại cuộc họp, các đại biểu đã thống nhất một số vấn đề về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Trương Gia Mô có tầm ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Thuận mà còn khắp Nam kỳ lục tỉnh. Đồng thời, qua mối quan hệ đồng liêu với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, khi anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Bình Thuận đã ghé Tuy Phong gặp cụ Trương Gia Mô. Với tinh thần yêu nước, tư tưởng duy tân; với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình, cụ Trương Gia Mô đã làm nhiều công việc nhằm bảo đảm an toàn, giúp đỡ anh thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học, sau đó vào Sài Gòn chờ thời cơ xuất dương tìm đường cứu nước. Cụ Trương Gia Mô mất đi, nhưng để lại cho đời nhiều tác phẩm thơ văn, trong đó có những tác phẩm được viết trong thời gian sống tại Duồng. Khu mộ dòng họ Trương Gia tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong có nhiều giá trị lịch sử, gắn liền với những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của đất nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: cụ Trương Phác (bác cụ Trương Gia Hội, quan án sát sứ các tỉnh miền Tây Nam kỳ), cụ Trương Thừa Huy (cha cụ Trương Gia Hội, là quan Chiêm sự triều đình Huế), vợ chồng cụ Trương Gia Hội (quan Tuần vũ Thuận Khánh, cha cụ Trương Gia Mô) - bà Nguyễn Tâm Thuần, vợ chồng cụ Trương Gia Mô – bà Bùi Thị Tân…Một số mộ có bia đá xưa tạc chữ Hán, có giá trị về lịch sử, văn hóa.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hồ Trung Phước nhấn mạnh, việc đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hóa đối với mộ cụ Trương Gia Mô là điều cần thiết nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, đất nước hiện nay. Thời gian đến, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục (làm việc với người thân trong dòng tộc Trương Gia, lập hồ sơ…) để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận di tích lịch sử đối với mộ cụ Trương Gia Mô./.