Từ đại hội đến đại hội - Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ IV

Bối cảnh lịch sử

Sau những ngày đầu giải phóng (4/1975), trên quê hương Bình Thuận ngày nay có 2 tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy thành lập từ tháng 8/1968. Tỉnh Bình Thuận lúc bấy giờ có các huyện Tuy Phong, Phan Lý, Hòa Đa, Hải Ninh, Thuận Phong, Hàm Thuận và thị xã Phan Thiết; tháng 10/1975, thực hiện chủ trương của Khu VI, tỉnh sáp nhập huyện Thuận Phong vào huyện Hàm Thuận; tháng 01/1976, sáp nhập các huyện Tuy Phong, Hải Ninh, Phan Lý, Hòa Đa thành huyện Bắc Bình. Như vậy, đến đầu năm 1976, tỉnh Bình Thuận có các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận và thị xã Phan Thiết, dân số 347.497 người. 

Đồng chí Lê Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng được Đại hội Đại biểu lần thứ IV bầu làm Bí thư Tỉnh ủy

Tỉnh Bình Tuy có các huyện Hoài Đức, Tánh Linh, Nghĩa Lộ, Hàm Tân và thị xã La Gi; tháng 6/1975, hai huyện Hoài Đức và Tánh Linh sáp nhập thành huyện Đức Linh; tháng 11/1975, hai huyện Hàm Tân, Nghĩa Lộ và La Gi sáp nhập thành huyện Hàm Tân; đến đầu năm 1976, tỉnh Bình Tuy có hai huyện Đức Linh và Hàm Tân, dân số 173.373 người.

Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-75 và Công văn số 443/TV, ngày 14/4/1975 của Ban Thường vụ Trung ương Cục miền Nam: các vùng mới giải phóng phải xóa bỏ ngay các cấp chính quyền tổ chức đảng phái và các luật lệ phản động của chế độ cũ. Đồng thời, các thị trấn lớn, các thị xã và các thành phố thành lập Ủy ban quân quản; các quận, huyện, phường, xã thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng. Ủy ban nhân dân cách mạng các quận, huyện, xã, phường trực thuộc các Ủy ban quân quản cấp tỉnh, thành phố hoặc thị xã 1, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời hai tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy được thành lập từ năm 1969, nay đổi thành Ủy ban quân quản tỉnh. Ủy ban quân quản tỉnh Bình Thuận do đồng chí Nguyễn Quý Đôn – Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch và Ủy ban quân quản tỉnh Bình Tuy do đồng chí Trần Văn Tình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Chủ tịch. Đến ngày 01/8/1975, Ủy ban quân quản các cấp của hai tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, chuyển thành Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.

Về cấp ủy, đến ngày 30/4/1975, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 13 ủy viên (2 ủy viên dự khuyết), Ủy viên Thường vụ có 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Quý Đôn làm Bí thư; tháng 5/1975, hội nghị Tỉnh ủy bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Văn Bốn làm Ủy viên Thường vụ và 03 đồng chí K’Công, Nguyễn Văn Chu (Châu), Đặng Văn Hải vào Ban chấp hành. Trong đó, 02 đồng chí Nguyễn Văn Chu (Châu), Đặng Văn Hải làm ủy viên dự khuyết. Hội nghị Tỉnh ủy tháng 8/1975 bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Minh Cao làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Tuy có 11 ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 3 đồng chí và do đồng chí Lê Khắc Thành (Trịnh Công Hóa) làm Bí thư; tháng 6/1975, hội nghị Tỉnh ủy bầu bổ sung 3 đồng chí: Vũ Hồng, Dương Văn Sâm và Nguyễn Đức Trọng (Mậu) vào Ban chấp hành Đảng bộ.

Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Quyết định số 145/NQ-TW về việc giải thể khu, hợp nhất các tỉnh. Ở Khu VI, các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Tuyên Đức sáp nhập thành tỉnh Thuận Lâm; tỉnh Bình Tuy sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai. Sau khi triển khai một thời gian ngắn, từ tình hình thực tế ở miền Nam, ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 19/NQ-TW, điều chỉnh lại một số tỉnh từ Khu VI trở vào. Các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải, các cơ quan Đảng, chính quyền cấp tỉnh chuyển về làm việc tại thị trấn Phan Rang (Ninh Thuận).

Khi thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc, tỉnh Thuận Hải gồm có thị xã Phan Thiết và các huyện An Sơn, Ninh Hải, Bắc Bình, Hàm Thuận, Hàm Tân, Đức Linh và đến tháng 12/1977 thành lập thêm huyện Phú Quý; 11 thị trấn, 135 xã, phường với 527 thôn, ấp. Dân số tính đến ngày 05/02/1976 có 838.271 người, diện tích 11.454km2. Toàn tỉnh có 25 dân tộc anh em, trong đó các dân tộc thiểu số như Chăm, Hoa, Nùng, K’ho, Raglai … có trên 30.000 người. Công tác xây dựng Đảng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo. Cuối năm 1975 toàn Đảng bộ có 374 cơ sở Đảng, với 3.915 đảng viên; đến cuối năm 1976 có 464 cơ sở Đảng với 6788 đảng viên (trong năm 1976 phát triển 172 đảng viên mới).

Ngày 06/01/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 05-QĐ/NS-TW về nhân sự Ban chấp hành Lâm thời Đảng bộ tỉnh Thuận Hải gồm 31 đồng chí (có 02 ủy viên dự khuyết); Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 9 đồng chí, đồng chí Lê Văn Hiền làm Bí thư, đồng chí Trần Đệ làm Phó Bí thư thường trực. Ngày 21/01/1976, tỉnh Thuận Hải tổ chức Hội nghị đại biểu các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo bầu Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh; đồng chí Trần Ngọc Trác, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch. Ngày 24/3/1976, Hội đồng Chính phủ ra quyết định công nhận, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đi vào hoạt động theo cơ chế hành chính mới với 34 ty, ban, ngành chuyên môn. Tháng 6/1977, cơ quan Đảng, chính quyền, các đoàn thể tỉnh chuyển trụ sở làm việc từ thị trấn Phan Rang vào thị xã Phan Thiết.

Từ sau ngày giải phóng đến cuối năm 1976, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh chuyển sang thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới: Hoàn thành thống nhất nước nhà, đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước; đạt được những thắng lợi bước đầu về chính sách xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thiết lập chế độ mới, chế độ dân chủ của nhân dân. Với khí thế thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ đã thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, tạo nên khí thế cách mạng rất sôi nổi. Nhờ có tinh thần cách mạng của quần chúng, tỉnh ta đã nhanh chóng phát triển lực lượng, xây dựng hệ thống chính trị, tập hợp quần chúng giải quyết mọi công tác đặt ra. Đây cũng là đặc điểm nổi lên trong giai đoạn những năm đầu giải phóng quê hương.

Thời gian, địa điểm tiến hành Đại hội lần thứ IV

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, từ ngày 10 - 18/11/1976, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ I (vòng I) diễn ra tại thị trấn Phan Rang (nay là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận). Đại hội đã nghiên cứu đề cương Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV; dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.

Tiếp đến, từ ngày 26/2 đến ngày 03/3/1977, tại thị trấn Phan Rang, diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thuận Hải lần thứ I (vòng 2). Dự Đại hội có 354 đại biểu thay mặt cho 5.300 đảng viên trong tỉnh.

Đại hội đã thảo luận Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ lần thứ nhất. Đại hội đã ra nghị quyết về đánh giá tình hình, về phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của Đảng bộ trong thời gian tới; nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, văn hóa năm 1977; phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của Đảng bộ từ 15 đến 20 năm tới; phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 2 năm 1977- 1978. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ có 38 ủy viên (4 ủy viên dự khuyết). Ban Chấp hành Đảng bộ bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 10 đồng chí và bầu đồng chí Lê Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Đệ (Công) làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Trần Ngọc Trác (Ngọc) làm Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ chung trong hai năm 1977- 1978, Nghị quyết chỉ rõ: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tăng cường đoàn kết nhất trí, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, ra sức thiết lập và tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, kết hợp chặt chẽ xây dựng với cải tạo, nhanh chóng khắc phục nhược điểm và khó khăn, phát huy mọi thuận lợi, tận dụng mọi khả năng vốn có của địa phương, đặc biệt coi trọng phát huy các ưu thế của nghề nông, nghề biển, nghề rừng và khả năng lao động trong tỉnh, tập trung mọi nỗ lực nhằm thực hiện 2 nhiệm vụ mục tiêu cơ bản, vừa cấp bách là cải thiện cơ bản một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, xây dựng một bước cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, tăng cường an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội”.


Các tin khác