Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua

  • /
  • 26.8.2011 - 11:10

Tham nhũng là hiện tượng xã hội có nguồn gốc từ khi xã hội phân chia giai cấp và hình thành nhà nước.

Tham nhũng ngày nay không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Đây là hiểm họa không chỉ cho từng dân tộc mà là hiểm họa chung của cả loài người. Toàn thế giới đang tập trung sức người, sức của cho cuộc đấu tranh chống lại hiểm họa này. Có thể thấy sự tồn tại của tham nhũng là do quản lý nhà nước yếu kém, sơ hở; sự biến động mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, xã hội; sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế, chính trị và cũng có thể là sự lạm dụng truyền thống văn hóa...; nhưng xét đến cùng chính là từ tâm lý lạm quyền cũng như từ lòng tham và thói ích kỷ của con người mà tham nhũng phát sinh, phát triển và tồn tại. Bởi chủ thể của tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong bộ máy nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, v.v…Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng vị trí, địa vị công tác được giao để vụ lợi cá nhân, cho bản thân hay cho tập thể hoặc cho những người khác. Sự vụ lợi có thể trực tiếp hoặc qua trung gian hoặc chuyển lợi ích cho người thân thích, họ hàng. Tham nhũng tác động tiêu cực và gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội như làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm biến dạng các hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, kiềm hãm sự phát triển của đất nước, làm xói mòn và băng hoại đạo đức truyền thống của dân tộc, làm suy yếu và thậm chí đỗ vỡ một hệ thống chính trị ... nguy hiểm nhất là tham nhũng làm mất lòng tin của người dân với chính quyền.

Tính chất, mức độ tham nhũng ở mỗi quốc gia là có khác nhau, tùy thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội, vào chính sách pháp luật và các biện pháp phòng, chống tham nhũng ở quốc gia đó như thế nào. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Theo thống kê của Thư viện Quốc hội Mỹ cho biết tham nhũng ở Hy Lạp tập trung ở cơ quan công tố và cảnh sát chống tội phạm và chống buôn lậu ma túy. Ở Hồng Kông, sự lộng hành của các lực lượng cảnh sát. Ở I-xra-en, tham nhũng không chỉ diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế của các cơ quan nhà nước mà còn phát triển ở chính đảng và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ai Cập là nước nghèo, dân số đông, bộ máy nhà nước quan liêu, duy trì một lực lượng quân đội quá lớn, vì vậy tham nhũng phát sinh và gắn chặt với hoạt động của các nhân viên Nhà nước. Nhiều vụ việc tham nhũng được lôi ra ánh sáng là những nhân viên cao cấp, nhân vật trong bộ máy chính quyền, hoặc lãnh tụ của đảng cầm quyền như vụ ở Sở chứng khoán Tokyo - Nhật Bản gồm 76 quan chức, 44 nghị sỹ, Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng liên quan. Cựu Tổng thống Brasil Fenando Collor đã buộc phải từ chức vì trong 2 năm rưỡi cầm quyền đã nhận 4,7 triệu USD tiền hối lộ. Cựu Tổng thống Venezuela cũng phải từ chức vì đã chiếm đoạt 17 triệu USD trong ngân quỹ quốc gia. Tổng thống Roh Tea Woo và Chun Do Hoan của Hàn Quốc đã phải ngồi tù vì nhận hối lộ…Mới đây, một số quan chức nước Anh phải trả lại tiền công quỹ chi tiêu cho cá nhân không đúng hoặc một số quan chức và nghị sĩ của một bang của Mỹ phải từ chức vì liên quan tham nhũng. Ngày 6/6/2009 Ủy ban phòng, chống tham nhũng quốc gia Thái Lan công bố danh sách các cơ quan tham nhũng phổ biến ở nước này đứng đầu là các cơ quan như Cục quản lý đất đai, Chính quyền hành chính các cấp từ xã đến tỉnh, Cảnh sát công lộ, các nhà chính trị và các nhân vật có thế lực tại địa phương. Theo các doanh nghiệp ở Thái Lan tham nhũng xuất phát từ nếp nghĩ “cái gì cũng phải có qua, có lại”. Ngày 7/8/2009 Trung Quốc thi hành án tử hình đối với cựu Giám đốc sân bay Bắc Kinh vì tham ô và nhận hối lộ hơn 16 triệu USD, và mới đây là Lưu Chí Quân bộ trưởng bộ đường sắt bị cách chức vì nhận hối lộ đến hàng triệu nhân dân tệ. Ngày 11/9/2009 vợ chồng ông Trần Thủy Biển - cựu lãnh đạo Đài Loan đã bị xử tù chung thân vì tham ô 3,15 triệu USD và hối lộ 9 triệu USD, ngày 21/11/2009 báo Tuổi Trẻ đưa tin “chính trường Ấn Độ rung động khi một loạt quan chức lãnh đạo bang miền đông Jharkhand bị cáo buộc sử dụng sai công quỹ và tham nhũng 500 triệu USD, trong đó nhân vật chính là ông Madhu Koda 38 tuổi, đứng đầu chính quyền bang này. Ngày 27/9/2010 Tòa án thành phố Malaga- Tây Ban Nha đã đưa ra xét xử 95 bị cáo trong đó có 2 cựu Thị trưởng, 1 cựu giám đốc quy hoạch và 15 ủy viên hội đồng thành phố về các hành vi gọi là “đổi tiền lấy giấy phép xây dựng” với số tiền 33 triệu euro (45 triệu USD). Ngày 28/9/2010 Koh Seah Wee - phó giám đốc Cục quản lý đất đai Singapore đã phải ra toa vì tội biển thủ 11,8 triệu đôla Singapor (8,99 triệu USD). Đây là vụ án tham nhũng mà dư luận cho rằng làm hoen ố thanh danh liêm khiết của Singapor vì quốc gia này hàng năm được Tổ chức minh bạch quốc tế xếp hạng trong mười quốc gia trong sạch nhất thế giới. Đầu năm 2011 này cả thế giới chứng kiến sự biến động tại các nước Bắc Phi mà đầu tiên là Ai Cập, Tunisia rồi đến Libya...đều có nguyên nhân bắt đầu từ tham nhũng đã tích tụ nhiều năm.

           Thực tế ở nước ta cho thấy tham nhũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực như: lĩnh vực ngân hàng, lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, trong lĩnh vực lâm nghiệp, xuất nhập khẩu, trong đầu tư, xây dựng cơ bản, trong cổ phần hóa, trong cấp phép, trong các chương trình định canh, định cư, viện trợ nhân đạo, y tế, giáo dục, trong lĩnh vực tư pháp, cơ quan thông tấn, báo chí... thậm chí ngay cả trong chính sách chăm lo chế độ cho người có công, mồ mả liệt sỹ cũng xảy ra tham nhũng. Tham nhũng cũng đã xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành thậm chí len lỏi vào mọi mặt của đời sống, đụng chạm đến lợi ích của nhiều người. Nhận thức được sự nguy hiểm của tệ tham nhũng với vận mệnh của đất nước, của Đảng nên ngay từ khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh số 233/SL ngày 17/11/1946 trừng trị các tội biển thủ và hối lộ; ngày 21/10/1970 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành hai pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN và tài sản công dân. Quốc hội khóa IX năm 1997 đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự về các tội liên quan đến tham nhũng và sau đó là Bộ luật hình sự sửa đổi năm 1999 quy định 7 tội danh tham nhũng cụ thể tại chương XXI. Năm 1998 Nhà nước ban hành hàng loạt chính sách và luật cụ thể về phòng, chống tham nhũng như: Luật khiếu nại, tố cáo, pháp lệnh công chức, Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên do diễn biến của đất nước trong thời kỳ hội nhập và những diễn biến của thời đại nên tại kỳ họp thứ 8, khóa XI của Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng mới có hiệu lực từ ngày 1/6/2006 và đặc biệt tại Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 21/8/2006 đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Ngày 12/5/2009, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 với mục tiêu được xác định là: “ Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”. Đặc biệt 5 nhóm giải pháp của Chiến lược là: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ. Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Về lộ trình thực hiện chiến lược gồm 3 giai đoạn: đến năm 2011, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Từ năm 2011 đến năm 2016, tập trung thực hiện các giải pháp về hoàn thiện thể chế, tập trung vào những lĩnh vực còn trì trệ, mở rộng các biện pháp phòng ngừa, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế. Từ năm 2016 đến năm 2020, tiếp tục triển khai các giải pháp còn lại, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu của chiến lược. Đặc biệt là sau sáu năm kể từ khi ký (năm 2003), ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về chống tham nhũng. Việc phê chuẩn Công ước giúp cải thiện và hoàn thiện những khuôn khổ chính sách hiện có trong nước vì Công ước tạo điều kiện cho việc hình thành những sự khích lệ và hợp tác quốc tế, cũng như xây dựng năng lực thực thi những chính sách phòng, chống tham nhũng quan trọng, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài thì Chính phủ Việt Nam xứng đáng được ngợi khen vì những nỗ lực ban hành nhanh chóng một khung pháp lý thiết yếu trong khoảng thời gian từ tháng 9/2006 đến tháng 6/2009. Đây là một thành quả lớn, phản ánh ưu tiên cao mà Quốc hội và Chính phủ Việt Nam dành cho công tác phòng, chống tham nhũng.

          Ở nước ta theo thống kê, từ năm 2007 đến 2010 các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng với kết quả như sau: Năm 2007: khởi tố 427 vụ, 960 bị can (tăng 14,46% về số vụ, 30,8% về số bị can so với năm 2006); Năm 2008: khởi tố 282 vụ, 622 bị can (giảm 44% số vụ so với 2007); Năm 2009: khởi tố 289 vụ, 631 bị can (tăng 2,48% số vụ so với 2008). Từ 01/10/2009 đến 30/9/2010: khởi tố 188 vụ án với 373 bị can về các tội danh tham nhũng (giảm 23% số vụ và giảm 28% số bị can so với cùng kỳ năm trước). VKS các cấp đã truy tố 253 vụ với 631 bị can (giảm 13% số vụ và giảm 10% số bị can) TAND các cấp xét xử 211 vụ với 479 bị cáo ( giảm 8% số vụ, giảm 11% b cáo). Năm 2010 tội tham ô vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong các vụ án tham nhũng bị khởi tố (51,5% số vụ; 54,9% số bị can); tội nhận hối lộ chiếm 11,1% số vụ và 7,7% số bị can. Trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, cán bộ cấp xã, phường chiếm tỉ lệ 30,9%; cấp quận, huyện: 22,5 %; cấp tỉnh : 13,1%, cấp trung ương: 0,3%; các tổ chức khác: 33,2%. Trong số bị cáo đã xét xử, có 5 trường hợp tòa án tuyên không có tội; 166 trường hợp cho hương án treo ( chiếm 34,6%); 109 trường hợp tù dưới 3 năm; 85 trường hợp tù từ 3 năm đến dưới 7 năm; 51 trường hợp tù từ 7 năm đến dưới 15 năm; 10 trường hợp tù từ 15 năm đến 20 năm. Số còn lại là hình phạt khác. Tổng giá trị tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng phát hiện được là 193,5 tỷ đồng, 516,8 ha đất; đã thu hồi 156,4 tỷ đồng và 432,1 ha đất. Đánh giá công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng trong nhiệm kỳ qua thì các cơ quan tố tụng đã có sự chủ động, phối hợp thường xuyên và chặt chẽ hơn, số vụ án tham nhũng được điều tra, truy tố và xét xử bình quân mỗi năm khoảng 330. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, những vụ tồn đọng đã được xử lý dứt điểm. Qua đó đã tạo được sự răn đe, góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng. Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng đã đánh giá: “ trong nhiệm kỳ qua, công tác PCTN đã có chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động; đạt được những kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả của công tác PCTN đã có bước tiến triển... Tuy nhiên, cho đến nay, công tác PCTN vẫn chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN chậm được khắc phục; tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi... như mục tiêu nghi quyết TW 3 (khóa X) đã đề ra, tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm lớn của toàn xã hội”. Từ sau khi Luật phòng, chống tham nhũng (có 8 chương, 92 điều), có hiệu lực đến nay Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành nhiều Nghị định, quyết định, chỉ thị để thi hành Luật và đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch để Luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp để phòng ngừa tham nhũng được triển khai trên khắp cả nước và bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên cần phải tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và phải kiên quyết thực hiện một cách triệt để các giải pháp phòng ngừa thì mới có thể đạt được mục tiêu. Nhiệm kỳ 2011 - 2015 cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

          1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN. Các cấp ủy đảng và người đứng đầu phải thực sự coi công tác PCTN là một trong những trọng tâm công tác lớn, xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm trong từng thời gian để tập trung chỉ đạo; lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức làm công tác PCTN.

          2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức đầy đủ và sâu sắc về tính nghiêm trọng và sự nguy hại của tệ tham nhũng cũng như tính cấp thiêt, lâu dài và phức tạp, khó khăn của cuộc đấu tranh PCTN. Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

          3. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội. Trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính và hoàn thiện các quy định nhằm khắc phục nhũng sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản, quản lý thu, chi ngân sách, quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tổ chức - cán bộ...

          4. Hoàn thiện cơ chế, giải pháp PCTN. Sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng ngừa tham nhũng để khắc phục tính hình thức, kém hiệu quả của một số biện pháp phòng ngừa, có quy định hợp lý về việc công chức phải giải trình nguồn gốc tài sản khi có yêu cầu và biện pháp xử lý những hành vi làm giàu bất chính. Có chính sách khoan hồng đặc biệt những trường hợp đưa hối lộ nhưng tự giác khai báo...

          5. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, kể cả quá trình chuẩn bị, trình, ban hành các quyết định và văn bản hành chính của cơ quan nhà nước các cấp. Sớm ban hành quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Quy định về tính công khai, minh bạch trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

          6. Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, trước hết là giám sát các cơ quan có chức năng PCTN để yêu cầu thực hiện các biện pháp PCTN có hiệu quả.

          7. Phát huy vai trò của xã hội trong PCTN. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các tổ chức quần chúng và của toàn dân, nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí trong PCTN.

          8. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; xử lý kiên quyet và kịp thời các hành vi tham nhũng, những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, sơm thành lập cơ quan giám định quốc gia để phục vụ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nghiên cứu áp dung biện pháp kỹ thuật cần thiết để phat hiện hành vi tham nhũng; bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng.

          9. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của BCĐ TW, Văn phòng BCĐ TW về PCTN và BCĐ cấp tỉnh về PCTN, các đơn vị chuyên trách và các cơ quan có thẩm quyền trong PCTN. Tổ chức đánh giá hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN kết hợp nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để tiếp tục có sự điều chỉnh mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan này.

          10. Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN. Nghiên cứu, học tập, trao đổi để tiếp thu kinh nghiệm của các nước và các tổ chức quốc tế trong PCTN, hợp tác chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

                                            (Nguồn tin BCĐ TW về PCTN)      

                     B.H

 


  • |
  • 18734
  • |

Các tin khác