THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM – TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ TRẺ EM

       Tháng hành động vì trẻ em là đợt cao điểm truyền thông, vận động xã hội chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em theo tinh thần Chỉ thị số 20 ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” và thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi, bổ sung) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua.

       Tháng 6/2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 15 hướng dẫn tổ chức tháng hành động vì trẻ em. Việc tổ chức tháng hành động vì trẻ em nhằm thúc đẩy sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng và các mục tiêu cần đạt được của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình; vận động xã hội nhằm cải thiện điều kiện sống, tạo cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện; qua đó, tạo điều kiện để mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có một kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh. Bắt đầu từ năm 2014, từ ngày 01 đến 30/6 hàng năm, tháng hành động vì trẻ em được triển khai rộng rãi với quy mô lớn trong phạm quy toàn quốc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào tình hình thực tiễn, xây dựng kế hoạch có nội dung, chủ đề tập trung vào những vấn đề xã hội bức xúc có liên quan đến trẻ em mà cộng đồng xã hội quan tâm hoặc luật pháp, chính sách liên quan tới trẻ em đã và sắp ban hành để truyền thông, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng.

       Từ năm 2011 đến 2013, tháng hành động vì trẻ em được tổ chức với các chủ đề: “Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em” (2011); “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” (2012); “Tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho trẻ em nghèo và trẻ em dân tộc thiểu số” (2013). Sau khi có Thông tư hướng dẫn thống nhất, từ năm 2014 đến 2016, tháng hành động vì trẻ em được diễn ra đồng bộ tại các tỉnh, thành trong cả nước với các chủ đề: “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” (2014); “Lắng nghe trẻ em nói” (2015); “Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em (2016)”.

       Chuẩn bị cho tháng hành động vì trẻ em năm 2016, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Công văn số 251 đề nghị cấp ủy địa phương phối hợp triển khai. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận cũng có công văn 212 chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; chăm lo, ủng hộ và giúp đỡ trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em học tập, vui chơi, giải trí; kiểm soát tốt tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là chú ý phòng ngừa các tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông trong mùa Hè 2016, bảo đảm cho trẻ em quyền được sống và phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

       Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sáng 01/6/2016, Sở Lao động - Thương binh & xã hội đã phối hợp với UBND huyện Hàm Tân tổ chức lễ phát động tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề: Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”. Lễ phát động có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị, thành phố, đặc biệt là sự có mặt của đồng chí Dương Văn An, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tại lễ phát động, lãnh đạo tỉnh, Quỹ bảo trợ trẻ em đã trao 30 suất quà (1.000.000 đồng/suất); Hội Khuyến học tỉnh, UBND huyện Hàm Tân trao 30 suất quà (500.000 đồng/suất) cho các em học sinh huyện Hàm Tân hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi.

       Bên cạnh đó, các cơ quan, đoàn thể tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông, tuyên truyền vận động nhân dân phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là  hiện tượng đuối nước và tai nạn giao thông. Ngoài ra, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Bình Thuận cũng cho biết: từ ngày 1-6 đến 30-6, sẽ tổ chức chiếu 130 buổi miễn phí cho trẻ em toàn tỉnh, với 6 đội chiếu bóng lưu động khắp các phường, xã, thị trấn, rạp 19-4, Nhà thiếu nhi tỉnh… cùng các phim hoạt hình, clip về giáo dục pháp luật, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em đặc biệt là đuối nước và phòng ngừa tai nạn giao thông. Riêng huyện đảo Phú Quý cũng sẽ tổ chức 6 buổi chiếu phim tại 3 xã Ngũ Phụng, Tam Thanh và Long Hải.


Các tin khác