Bình Thuận với phong trào “Đồng hành cùng nạn nhân chất độc màu ca cam”

       Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đã kết thúc hơn 40 năm, đất nước ta đã nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, nỗ lực xây dựng và đang trên đường hội nhập và phát triển. Nhưng, thảm họa da cam vẫn còn đó,  cuộc chiến tranh hóa học của Mĩ ở Việt Nam đã để lại hậu quả nặng nề, nhất là về di chứng đối với con người và môi trường Việt Nam.

       Cuộc chiến tranh hóa học mà Mỹ gây ra ở Việt Nam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba; Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết trong đau đớn; Hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo; Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ và nhiều trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, nhiều gia đình, nhiều thế hệ của hàng triệu con người phải sống trong cảnh khốn khó…

       Ở tỉnh Bình Thuận, có gần 6.000 người bị phơi nhiễm và nghi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, người tham gia kháng chiến bị nhiễm 1.866 người; trong dân là 3.713 người. Có 990 gia đình có từ 2 đến 6 nạn nhân; có 962 nạn nhân dưới 18 tuổi, có 72 gia đình nạn nhân thuộc diện đặc biệt khó khăn đang rất cần sự giúp đỡ của xã hội, với hàng chục nạn nhân mất khả năng lao động…

       Trước thực tế trên, việc cần có một tổ chức hội làm “cầu nối” “người đại diện” cho chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước ta đối với những nạn nhân của chất độc da cam/dioxin do chiến tranh để lại là điều cần thiết – Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ra đời và với chủ trương của TW Hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Thuận được thành lập vào ngày 26/8/2005 theo Quyết định số 1177/QĐ-UB, ngày 13/8/2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 9/10 Hội cấp huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Phú Quý không đủ điều kiện); có 98/100 Hội cấp xã, phường, thị trấn đủ điều kiện được thành lập Hội, với tổng số 4.280 hội viên, trong đó, có 2.142 hội viên là nạn nhân.

       Từ khi thành lập đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Thuận đã cố gắng vận động nhiều nguồn lực, với nhiều hình thức xây dựng quỹ, đã trợ giúp các nạn nhân nghèo hơn 20 tỉ đồng, đã được trao đến tận nạn nhân bằng các hình thức: Xây mới 122 nhà tình thương và sửa chữa 19 căn nhà; thăm tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết hơn 22.000 suất quà; trợ cấp hàng tháng cho 39 nạn nhân với số tiền 300.000đ/người. Ngoài ra, đã trợ cấp học bổng, trợ cấp khó khăn cho nạn nhân nghèo, cho vay sản xuất không lấy lãi, khám bệnh, cấp thuốc, tặng 165 xe lăn, xe lắc…

       Cùng với công tác xây dựng Hội, công tác tuyên truyền luôn được coi trọng và đi trước một bước đã nâng cao hiểu biết cho cộng đồng và xã hội về tổ chức Hội; về “thảm họa da cam”, hậu quả cuộc chiến tranh hóa học của Mỹ ở Việt Nam,… đã mang lại kết quả thiết thực không chỉ trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân mà đã góp phần đấu tranh đòi Mỹ phải bồi thường và trả lại công lí cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học; Hoạt động tuyên truyền được tiến hành dưới nhiều hình thức phong phú đã để lại những ấn tượng sâu đậm về thảm họa da cam và nỗi đau da cam trong các tầng lớp nhân dân và cộng đồng xã hội. Cụ thể đã vận động lấy trên 25.000 chữ ký ủng hộ vụ kiện các công ty sản xuất hóa chất ở Mĩ đã cung cấp chất độc hóa học để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam và chống vũ khí hạt nhân, đã trao hàng chục tấm ảnh về nạn nhân, 100 tờ rơi và 5 đĩa video thông qua các tổ chức nhân đạo ở ngoài nước góp phần tích cực cho công tuyên truyền đối ngoại; Xây dựng 12 phóng sự, phát hành 75 băng đĩa video; Phát hành 15.000 trang tài liệu liên quan chế độ, chính sách đối với nạn nhân và hơn 6.500 trang tài liệu liên quan đến chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

        Tuy nhiên, cùng với những việc đã làm được, hoạt động của Hội trong những năm qua cũng tồn tại một số hạn chế đó là: Tổ chức, cán bộ của Hội còn bất cập, cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố hầu hết chỉ có 01 người, cấp xã, phường, thị trấn chủ yếu kiêm nhiệm, không có chế độ thù lao cho chức danh chủ tịch Hội và không có kinh phí hoạt động,… sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền một số địa phương vẫn còn trong tình trạng Chừng mực nhất định”; một số ngành chưa nhận thức đầy đủ tính xã hội trong hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động của các cấp Hội hạn chế nhiều mặt, nhất là hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

       Từ thực tiễn đó, để hoạt động của Hội ngày càng đi vào hiệu quả và thật sự là tổ chức đại diện cho công tác đấu tranh đòi công lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nạn nhân chất độc màu da cam, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:

       Một là, sự lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp là yếu tố bảo đảm hoạt động của Hội gắn với chủ trương, nhiệm vụ chính trị của địa phương và là động lực để các cấp Hội hoàn thành nhiệm vụ. Sự phối hợp hoạt động với các cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng và cơ quan truyền thông và sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân.

       Hai là, kiện toàn tổ chức, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội vừa có tâm, vừa có tầm, nhất là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội các cấp cần chủ động, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động phù hợp với thực tiễn theo phương châm “hướng mọi hoạt động của Hội về cơ sở” và chung tay “xoa dịu nỗi đau da cam”.

       Ba là, thường xuyên tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, nhân rộng những mô hình hay, những cách làm mới và khen thưởng, biểu dương kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong hoạt động của Hội.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT