Một số tình hình và giải pháp nhằm đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị ở tỉnh Bình Thuận hiện nay

Khi nói về vị trí, vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Lý luận là trí khôn của Đảng. Đảng không có lý luận thì khác nào người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ Nam. Người nói: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Để cán bộ thực hiện tốt mọi công việc của Đảng thì: Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. 

Do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị đóng vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng, là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Nó không chỉ trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân những kiến thức, nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học và lý tưởng cách mạng. Thông qua hoạt động này giúp cán bộ, đảng viên nâng cao hơn trình độ lý luận chính trị, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, nhằm thống nhất ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ của cách mạng do Đảng đề ra.

Trong những năm qua Tỉnh ủy Bình Thuận đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhờ vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị được định hướng kịp thời với nội dung, hình thức phong phú hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên được chú trọng hơn. Các cấp ủy đã thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức mới, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chất lượng giảng dạy và học tập lý luận chính trị được nâng lên; công tác quản lý học viên được quan tâm hơn; việc kiểm tra, chấm điểm, đánh giá xếp loại có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đội ngũ giảng viên, giảng viên kiêm chức; giảng viên giảng dạy các bộ môn chính trị ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh thường xuyên được củng cố trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ từng bước được nâng lên; phương pháp giảng dạy được đổi mới theo hướng tích cực, gắn lý luận với thực tiễn địa phương, đơn vị. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được quan tâm, đầu tư, nâng cấp. Cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng chống âm mưu "Diễn biến hòa bình" và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có những kết quả tốt. Công tác giáo dục lý luận chính trị đã góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức của tỉnh; củng cố niềm tin và sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới của đất nước; vận dụng có hiệu quả kiến thức vào các nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị vẫn còn những hạn chế, đó là: Một số cơ quan, đơn vị, cơ sở chưa được thực sự coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị. Việc cử cán bộ, đảng viên đi học tập, bồi dưỡng còn chồng chéo. Đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị nhìn chung còn thiếu và yếu. Nội dung chương trình còn nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn. Phương pháp giảng dạy còn một chiều, thiếu trao đổi, thảo luận. Công tác quản lý lớp học, kiểm tra, đánh giá học viên chưa chặt chẽ; ý thức tự giác, tính kỷ luật của học viên chưa cao. Việc tổ chức thao giảng, hội giảng, dự giờ, đóng góp ý kiến trao đổi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở các đơn vị chưa thường xuyên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giáo dục lý luận chính trị ở một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn thiếu, xuống cấp; chế độ chính sách đối với người dạy, người học chưa phù hợp. Việc kiểm tra giảng dạy lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, trung học phổ thông chưa thường xuyên. Hiệu quả của việc tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, khái quát lý luận chưa cao. Đấu tranh tư tưởng, lý luận chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh, tôi cần tập trung vào những giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác giáo dục lý luận trong công tác tư tưởng nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Cần tuyên truyền, triển khai sâu rộng nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, nhất là Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 08/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.

Hai là, thực hiện nghiêm túc Quy định 54-QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Khắc phục tình trạng ngại học tập lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Ba là, cần tạo bước đột phá trong việc xây dựng, đổi mới các chương trình giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo phương châm lý luận gắn với thực tế, phát huy tính tích cực của người học. Tăng cường nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Bốn là, đổi mới hơn nữa về phương thức tổ chức, phương pháp giảng dạy và học tập, khắc phục tình trạng mở lớp quá đông, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học, tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Đổi mới phương pháp giảng dạy, giảm dần độc thoại, diễn giảng áp dụng phương pháp nêu vấn đề, đối thoại, hướng dẫn người học, tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu sử dụng các kỹ thuật hiện đại phù hợp vào giảng dạy như: Đèn chiếu, máy vi tính, biểu mẫu, thống kê, tăng cường trao đổi thảo luận, tranh luận.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch cán bộ, xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp, tâm huyết với nghề; thường xuyên tổ chức hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi các cấp.

Sáu là, từng bước đầu tư, chuẩn hóa trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố đi đôi với nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng.

Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục lý luận chính trị trong các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của nhân dân trong việc hiểu, chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh việc kiểm tra công tác giáo dục lý luận chính trị trong các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Tám là, kịp thời phê phán các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu "Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch​, phản động./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT