Kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2018): Phong trào thanh, thiếu niên Bình Thuận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong điều kiện chiến tranh ngày càng ác liệt và gặp nhiều khó khăn, lực lượng thanh-thiếu niên tỉnh ta bị địch dùng mọi âm mưu, thủ đoạn nhằm giành lấy thanh niên, thực hiện mục đích đôn quân, bắt lính của chúng; nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bình Thuận và sự nỗ lực của cán bộ đoàn viên và thanh-thiếu niên, phong trào thanh-thiếu niên vẫn được duy trì và ngày càng phát triển, nhất là khi bước vào Tổng công kích-Tổng khởi nghĩa (TCK-TKN) Mậu Thân 1968.

1. Âm mưu của địch đối với thanh niên

Nằm trong tình hình chung của chiến trường Khu VI, đối với tỉnh ta, địch thực hiện âm mưu “quét và giữ”, chúng đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt đối với thanh niên hòng đàn áp phong trào cách mạng của thanh niên, ra sức giành thanh niên với cách mạng, nhằm thực hiện âm mưu đôn quân, bắt lính, bổ sung quân số vào số quân bị ta tiêu hao, tiêu diệt. Địch đã dùng nhiều thủ đoạn thâm độc như: dùng áp lực quân sự càn quét, đột kích, biệt kích, tăng cường pháo kích, khủng bố, đàn áp, bắn giết, tra tấn tại chỗ làm cho thanh niên khiếp sợ; vây ráp, cưỡng bức bắt thanh niên vào lính.

Đi đôi với dùng áp lực quân sự, địch tăng cường bình định, chiêu an, chiêu hàng, chiến tranh tâm lý, xuyên tạc các chính sách của ta, làm cho thanh niên không giám tham gia cách mạng, không giám ở vùng giải phóng, rời xa cách mạng. Địch nhồi nhét các thứ văn hóa đồi trụy, phản động, cao bồi, tổ chức cắm trại, liên hoan, tuyên truyền phản động; phát triển Thuyết Hiện sinh([1]) (chủ nghĩa Hiện sinh) của Jean-Paul Sartre, Albert Camus và Simone de Beauvoir theo kiểu sống gấp “chỉ có ngày nay, không có ngày mai”; tổ chức các nhóm “Hoa tình thương” nhằm đầu độc thanh niên, đi đôi với lừa mị chính trị, cầu an hưởng lạc. Địch tăng cường dùng bom, đạn, chất độc hóa học phá hoại sản xuất ở các vùng giải phóng, bần cùng hóa đời sống của thanh niên. Dùng tiền bạc mua chuộc thanh niên([2]). Tăng cường phát triển các tổ chức quân sự trá hình như: phòng vệ dân sự, nữ vũ trang, nữ cảnh sát, vệ quân đoàn, thanh niên bảo vệ đạo của các đạo giáo, tiểu đoàn học sinh bảo vệ thị xã... hòng đánh lừa thanh niên, thực hiện âm mưu đôn quân, bắt lính của chúng. Âm mưu chia rẽ dân tộc, phân biệt dân tộc Kinh, Chiêm, Nùng, Thượng bằng các tổ chức, như: “Fulro dân tộc Chiêm”[3], “Hội đồng hương tương tế Bắc Việt đồng bào di cư”, Thanh niên bảo vệ đạo của Phật giáo, Công giáo, nhằm quản lý, đầu độc thanh niên...; đồng thời, địch ra Sắc luật 10/68 tổng động viên, trắng trợn bắt ép nam nữ thanh niên và thiếu niên của ta đi lính làm bia đỡ đạn, chết thay cho chúng trong thực hiện âm mưu dùng người Việt giết người Việt.

2. Sự lãnh đạo của các cấp bộ đoàn

Trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của địch, cấp bộ đoàn đã tiến hành công tác giáo dục trong đoàn và thanh-thiếu niên. Trong điều kiện vừa công tác, vừa chiến đấu ác liệt, Đoàn đã không ngừng củng cố nâng cao ý thức, tư tưởng, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ đoàn viên và thanh niên, thực hiện quyết biến quyết tâm chiến lược của Đảng thành hành động quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của mỗi cán bộ đoàn viên thanh niên trong giai đoạn lịch sử trọng đại.

Đi theo những đợt giáo dục tập trung của Đảng, Đoàn cũng tiến hành giáo dục sâu rộng với nội dung mới, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về lý tưởng và quan niệm cuộc sống, giáo dục lời dạy Bác Hồ “không có gì quý hơn độc lập tự do”, nâng cao lòng yêu nước, ý thức giai cấp, ý chí căm thù địch, củng cố quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược thông qua các tài liệu: Thư của Bác Hồ, gương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, tiểu sử của Đoàn, sống và chiến đấu của đoàn viên Thanh niên; Thư của Trung ương Đoàn gửi cán bộ đoàn viên, 5 điều Bác Hồ dạy thanh niên...

Nhiều nơi đoàn đã tổ chức giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt chính trị “ôn Đồng Khởi, kể thắng lợi, lập công mới, báo thù nhà, đền nợ nước; sinh hoạt chủ đề “không có gì quý hơn độc lập, tự do; giáo dục nhân các ngày kỷ niệm lớn, tổ chức sinh hoạt thường xuyên, vũ trang tuyên truyền, khẩu hiệu truyền đơn... Thông qua các hình thức trên, các huyện trong tỉnh đều có tổ chức giáo dục cho đoàn viên và thanh-thiếu niên...

3. Những nét thành tích tiến bộ của phong trào thanh niên

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng đối với khí thế sẳn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, với tinh thần vượt khó khăn gian khổ, ác liệt, Đoàn đã phát huy vai trò nòng cốt trong vận động đông đảo thanh niên khắp các vùng từ trong bộ đội, cơ quan, vùng căn cứ giải phóng đến vùng yếu, vùng ven thị xã, thị trấn tiến lên với một nhịp độ nhảy vọt; thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong mọi lĩnh vực công tác qua phong trào “5 xung phong” của đoàn, đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần cùng quân, dân trong tỉnh thu nhiều thắng lợi vẻ vang.

Về tư tưởng

Qua công tác giáo dục tư tưởng, cán bộ đoàn viên và thanh niên đã có những chuyển biến, vượt mọi khó khăn, gian khổ, ác liệt, hăng hái dũng cảm trong công tác chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đoàn viên thanh niên trong các lực lượng vũ trang đã ngoan cường dũng cảm chiến đấu, xây dựng lực lượng, bảo vệ vũ khí, thực hiện xuất quân là chiến thắng, diệt địch trong cứ điểm đồn bót, đánh phản kích, đánh chống càn, diệt cơ giới, hạ máy bay, kiên quyết giữ vững trận địa: tiêu biểu như C3/482, B452 và nhiều gương chiến đấu xuất sắc khác.

Đoàn viên thanh niên trong các cơ quan đã vượt mọi khó khăn gian khổ hoàn thành công tác chuyên môn, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu xây dựng vùng căn cứ. Đoàn viên thanh niên trong du kích đã thực hiện bám sát dân, sát địch, đánh càn quét, phản kích tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ tính mạng, tài sản cho đồng bào. Đoàn viên thanh niên vùng căn cứ dân tộc đã vượt qua khó khăn, đói rách bám đất sản xuất, xây dựng căn cứ, phục vụ tiền tuyến. Đoàn thanh niên trong các vùng yếu như thị xã, thị trấn, học sinh, sinh viên cũng đã dũng cảm đấu tranh chóng cac âm mưu của địch, diệt ác phá kèm. Nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên bị địch bắt, tra tấn tàn nhẫn vẫn giữ tròn khí tiết không khai báo...

Phong trào tòng quân giết giặc lập công

Qua quá trình tích lũy giáo dục của Đảng, của đoàn thanh niên, thấm sâu lời dạy của Bác “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã thôi thúc đoàn viên và thanh niên sẵn sàng xông ra phía trước giết giặc lập công, báo thù nhà đền nợ nước. Trên cơ sở xác định vai trò của mình, nhận rõ quyết tâm chiến lược của Đảng, từ lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc, thấy rõ nhiệm vụ vinh quang của thanh niên Việt Nam đang đứng trên tuyến đầu chống Mỹ, đông đảo thanh niên Kinh, Thượng, Chiêm, Nùng, đều thấy rõ nghĩa vụ vinh quan, tạm gác tình nhà đi chiến đấu. Thanh niên, học sinh, sinh viên đã hăng hái xếp bút nghiêng lên đường diệt Mỹ-ngụy([4]).

Cán bộ đoàn viên và thanh niên nòng cốt trong phong trào du kích chiến tranh

Xung phong tiêu diệt nhiều sinh lực địch là thành tích nổi bật của đoàn viên thanh niên trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang; đã biểu hiện vai trò xung kích trong tấn công vào các thị xã, thị trấn, đánh phản kích, càn quét đột kích, nhảy cóc... vượt mọi gian khổ, ác liệt, hy sinh, bám trụ chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí hoàn thành nhiệm vụ lập thành tích xuất sắc. Trong tỉnh đã có 835 đoàn viên và nam nu thanh niên tham gia du kích, tự vệ và các tổ chức vũ trang khác. Có 476 nam, 359 nữ (trong tổng số du kích có 315 đoàn viên)([5]). Chất lượng chiến đấu của du kích cũng nâng lên, ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong nhiều cách đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân; táo bạo diệt ác trừ gian hỗ trợ nhân dân phá kèm, phá ấp chiến lược([6]). Trong quá trình chiến đấu đã có hàng trăm du kích đã được tăng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy, diệt máy bay cơ giới”..., có những cán bộ đoàn viên trẻ tuổi mưu lược, dũng cảm chỉ huy các đơn vị du kích chiến đấu lập thành tích xuất sắc([7]). Phong trào luyện tập quân sự phát huy sáng kiến giết giặc đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng vũ trang của du kích, bố phòng, làm công sự, phát triên vũ khí thô sơ đánh địch (du kích xã Hàm Liêm, Hàm Chính).

Cán bộ đoàn viên và nam nữ thanh niên hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến

Đi đôi với các phong trào khác, phong trào phục vụ tiền tuyến đã có những bước tiến bộ mới, đã thu hút đa số nam nữ thanh niên ở các vùng căn cứ, vùng giải phóng khắp các huyện trong tỉnh hăng hái phục vụ hỏa tuyến, tải đạn, tải thương. Ngay những ngày đầu tấn công Xuân Mậu Thân 1968, đông đảo thanh niên ở các vùng thị xã, thị trấn cũng hăng hái tham gia, nhiều cán bộ đoàn viên và thanh niên đăng ký phục vụ dân công đến khi nào giải phóng miền Nam, nhiều đoàn viên Thanh Niên Xung Phong đã tình nguyện phục vụ cả năm; các đội thanh niên cơ sở cũng đã phát huy tốt vai trò xung kích phục vụ chiến đấu lập nhiều thành tích xuất sắc([8]).

Tinh thần phục vụ của thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với khẩu hiệu “vì tiền tuyến, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã thôi thúc thanh niên hăng hái lên đường đi phục vụ, vượt qua bom đạn đảm bảo hàng ra tiền tuyến, bảo vệ chiến trường. Tiêu biểu có Trần Thị Ba, phục vụ đoàn vận tải H.50, mỗi chuyến tải từ 35kg đến 40kg; Nguyễn Thị Thu, xã Hàm Chính lấy thân mình che thương binh trong khi bị địch oanh kích, và nhiều tấm gương khác...

Phong trào nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận, chống bắt lính của thanh niên

Đông đảo thanh niên khắp 3 vùng trong tỉnh đã hăng hái lên đường tòng quân, tham gia dân quân du kích, phục vụ chiến trường, dân công, diệt ác trừ gian, phá kèm, phá ấp, giành quyền làm chủ xây dựng chính quyền cách mạng, đấu tranh chống các âm mưu của địch, chống bắt lính([9]). Bằng nhiều hình thức đấu tranh, hàng ngàn thanh niên đã chống âm mưu bắt lính của địch. Ở các vùng yếu, vùng tạm bị kiểm soát, thanh niên dã đấu tranh chống tổ chức Phòng vệ dân sự, chống tổ chức luyện tập quân sự của địch, diệt ác trừ gian, dẫn đường cho bộ đội hăng hái tham gia phá ấp, phá kèm, tham gia du kích và các tổ chức vũ trang bí mật. Đoàn viên thanh niên trong học sinh, sinh viên đấu tranh kiên quyết không vào phòng vệ dân sự, tuyên bố giải tán tiểu đoàn học sinh bảo vệ thị xã, không đi luyện tập quân sự; tổ chức trang bị lựu đạn, dao găm chống âm mưu bắt lính; đấu tranh chống lại mật vụ theo dõi khống chế học sinh, đòi tự do học tập thi cử, hăng hái tham gia các tổ chức vũ trang tự vệ diệt ác trừ gian...

Có thể thấy rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là giai đoạn trước và sau sự kiện Mậu Thân năm 1968 (từ năm 1967 đến năm1969), trên địa bàn Bình Thuận, địch ra sức giành lực lượng thanh niên với ta dưới nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc và xảo quyệt, dã man. Tuy nhiên, thanh niên tỉnh ta phần đông là con em lao động có truyền thống chiến đấu chống ngoại xâm của ông cha ta để lại; đồng thời, lớp thanh niên ngày nay đã được sinh ra và lớn lên trong bảo táp cách mạng, được sự chăm sóc, giáo dục của Đảng, của Đoàn, quyết thực hiện lời kêu gọi của Tổ quốc “vì độc lập, vì tự do”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của các cấp bộ đoàn, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng ác liệt, ta có gặp một số khó khăn nhưng phong trào thanh niên vẫn được giữ vững và từng bước tiến lên vững vàng hơn, củng cố phát triển tổ chức, xây dựng nâng cao chất lượng khắp 3 vùng trong tỉnh. Đồng thời, trên mọi lĩnh vực công tác, chiến đấu, Đoàn cũng đã biểu hiện vai trò nòng cốt đảm bảo tính chất chiến đấu và đã thực sự đóng vai trò xung kích trong các mặt đấu tranh.

 


([1]) Thuyết Hiện sinh; học thuyết này gây ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng gia thế giới, nhất là sau Thế chiến II, nó trở nên một phong trào thời thượng ở Châu Âu cũng như ở Việt Nam vào đầu thập niên 60. Người ta đem ra bàn cải, thu tập cho một triết thuyết mới không những ở trường lớp mà ngay ở những nơi quán trà hay ở những cửa hàng cà phê; thời đó, coi chủ thuyết hiện sinh như một thời trang văn chương. Cho nên có nhiều người thích nói đến hiện sinh và muốn biết hiện sinh. Đến nỗi người ta sống theo “mốt” hiện sinh.... (xem thêm Thuyết Hiện sinh).

([2]) Tăng lương cho lính ở địa phương (lính Ngụy) nhằm làm cho thanh niên cách mạng ham tiền bạc đăng ký đi lính cho chúng. Ở một số nơi khác như: Sông Mao, Phan Rí, Hòa Đa, Long Hương, Phú Hài, Mũi Né, Phan Thiết, địch thưởng 500 đến 1.000 đồng cho tên lính nào bắt được một thanh niên cách mạng; ở các vùng thị xã, thị trấn, địch tổ chức các ban khuyến khích tòng quân, dùng tiền, dùng gái mua chuộc.

([3]) Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức, hoặc FULRO (đọc là Phun-rô, tiếng Pháp: Front Unifié pour la Libération des Races Opprimées) là một tổ chức liên minh chính trị - quân sự của các sắc tộc Cao nguyên Trung phần, Chăm, Khmer tồn tại từ 1964 đến 1992. Tổ chức này chủ trương đấu tranh cho quyền tự quyết của các sắc tộc trên lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và kế tiếp là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể là đòi ly khai vùng lãnh thổ Tây Nguyên thành một nước độc lập.

([4]) Bằng nhiều hình thức phát động, vận động phong trào từ năm 1965 đến 1967, trong tỉnh có 2.046 thanh niên thoát ly. Đầu năm 1968 đến tháng 3/1969,toàn tỉnh đã có 1.258 thanh niên thoát ly. Phong trào tồng quân đã có nhiều điển hình tốt: năm 1968, huyện Thuận Phong có 366 thanh niên thoát ly; huyện Hàm Thuận có 336; Hòa Đa có 148. Ở Thị xã, tình hình tuy có nhiều khó khăn, nhưng cũng đã có 106 thanh niên, học sinh thoát ly. Ở Tuy Phong, phong trào mới phát triển cũng đã có 125 thanh niên thoát ly. Đặc biệt, ở Phan Lý, tuy bị địch ra sức lừa mị, chia rẽ dân tộc nhưng dân tộc Chiêm cũng có 37 thanh niên lên đường đi diệt Mỹ...

([5]) Huyện Hòa Đa có 65% đoàn viên tham gia du kích, 100% đoàn viên hợp pháp tham gia du kích và các tổ chức vũ trang bí mật khác. Huyện Hàm Thuận Bắc 67% tham gia du kích. Huyện Thuận Phong có 57,4% tham gia; các huyện khác: Phan Lý, Tuy Phong, Thị xã, Hàm Thuận có từ 52% đến 63% đoàn viên tham gia du kích và các tổ chức vũ trang khác. Nhiều xã vùng giải phong huyện Hòa Đa, Hàm Thuận Nam, Thuận Bắc, Thuận Phong có 95% cán bộ đoàn viên tham gia du kích...

([6]) Nhiều đơn vị cá nhân đã lập thành tích xuất sắc, tiêu biểu là 2 đơn vị du kích Phạm Văn Cội, Hàm Liêm, Hàm Chính mưu mẹo dùng sở trường đánh trái (1 năm diệt 200 tên địch); và 2 A nữ du kích Tô Thị Huỳnh, xã Hồng Liêm, Thuận Phong và Hòa Đa có thể nói là lá cờ đầu của phong trào nữ du kích, đã dũng cảm chiến đấu diệt bọn biệt kích, đánh chống càn, diệt cơ giới, bắn máy bay (trong 1 năm đã diệt 93 tên địch, diệt gọn 1 A biệt kích); số địch bị diệt gấp 10 lần quân số của đơn vị.

([7]) Nguyễn Hoài Ân-A trưởng du kích xã Hồng Thái, Bắc Bình; Văn Công Trải-xã đội phó Hàm Liêm; Lê Thị Đông-A trưởng du kích xã Hồng Liêm...

([8]) Trong năm 1968, có 1125 lượt thanh niên đi phục vụ dài hạn với 36.790 ngay công. Huyện Thuận Phong có 386 lượt thanh niên/3.721 ngày công; Hòa Đa có 370 lượt/10.100 ngày công...

([9]) Hàm Thuận Bắc, Thuận Phong, Phan Lý đã có 1.473 lượt thanh thiếu niên đấu tranh chống bắt lính, đòi dân sinh dân chủ, đòi tự do đi lại, đòi trở về đất củ, thanh niên dã viết hàng ngàn truyền đơn khẩu hiệu binh vận, thư kêu gọi binh sĩ.


Các tin khác