Quá trình triển khai, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được chú trọng đổi mới thông qua hình thức tự nghiên cứu, trao đổi thảo luận nhằm tạo sự thống nhất nhận thức trong Đảng, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên luôn được các cấp ủy quan tâm xây dựng, trong đó nhiều nơi, nhiều cấp đặc biệt chú ý phát triển đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có năng lực, trình độ. Để phục vụ công tác tuyên truyền, hằng năm, cấp ủy các cấp đã phát hành số lượng lớn bản tin Thông tin công tác tuyên giáo, tin tham khảo hoặc Thông tin tuyên truyền... Ngoài ra, ban tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc vận dụng, lồng ghép triển khai nội dung nghị quyết, chỉ thị của Đảng thông qua nhiều hình thức như: sinh hoạt đoàn thể, cơ quan; hoạt động văn hóa, văn nghệ; đối thoại, tọa đàm; hội thi, hội diễn.... Đồng thời tích cực định hướng các cơ quan báo chí của địa phương tăng cường phản ánh - tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình, nhân tố mới; phổ biến kiến thức về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai quán triệt, học tập nghị quyết của Đảng cũng còn một số hạn chế: Một số cấp uỷ chưa thực hiện tốt việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai nghị quyết của Đảng, có nơi còn giao khoán cho một đồng chí trong cấp ủy chủ trì, nên không khí lớp học thiếu tập trung, đảng viên có tài liệu nhưng ít tham khảo, việc tổ chức thảo luận chưa được coi trọng. Một số tổ chức Đảng chưa dành đủ thời gian cho việc tổ chức học tập, triển khai nghị quyết, thậm trí có nơi thực hiện qua loa hay lồng ghép vào những nội dung sinh hoạt khác. Hình thức tổ chức học tập, quán triệt còn đơn điệu, nhiều nơi chủ yếu là tập trung nghe báo cáo, thuyết trình trên hội trường; thiếu gợi ý, hướng dẫn trao đổi để làm rõ những nội dung mà người học còn băn khoăn, chưa hiểu rõ. Có những tổ chức cơ sở số lượng đảng viên tham gia học quá đông nhưng lại không đáp ứng được về cơ sở vật chất như thiếu chỗ ngồi, không đủ bàn để đảng viên ghi chép, chất lượng âm thanh kém... Chất lượng đội ngũ báo cáo viên chưa đồng đều. Trình độ và năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của một số báo cáo viên còn hạn chế. Các nghị quyết của Đảng thường là súc tích, cô đọng, nội hàm sâu sắc, có tầm bao quát trên mọi lĩnh vực của đất nước, vì thế, không phải báo cáo viên nào cũng đủ những kiến thức cơ bản, kiến thức khoa học và thực tiễn để làm sáng tỏ tinh thần nghị quyết. Do vậy, một số báo cáo viên thường trình bày nguyên văn nghị quyết, thiếu sự phân tích khoa học để làm sáng tỏ các nội dung quan trọng, khiến cho người nghe không hiểu hết những nội dung trọng tâm, những điểm mới, những điểm cần lưu ý của nghị quyết… Một bộ phận đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu, vẫn còn tình trạng đến học chủ yếu để “nghe cho xong” chứ chưa phải là học nghị quyết; không quan tâm ghi chép những nội dung mới, những vấn đề cốt lõi, trọng tâm; vẫn còn tình trạng bỏ học sau khi được điểm danh.
Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác học tập, triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, xin nêu một số giải pháp như sau:
Một là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy - nhân tố quyết định đến chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết; Từng cấp ủy phải đổi mới cách tổ chức học tập, triển khai nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị mình. Ngoài Bí thư chi bộ, cấp ủy các chi bộ có thể lựa chọn những đảng viên có năng lực, phân công nghiên cứu trước tài liệu để tham gia góp ý, thảo luận. Tuỳ từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng để có hình thức, nội dung, phương pháp phù hợp như học trực tuyến hay học tập trung. Trong sinh hoạt chi bộ định kỳ, cần khuyến khích đảng viên thảo luận những nội dung trọng tâm, những điểm mới của nghị quyết, điều này sẽ giúp đảng viên nắm vững nghị quyết ngay sau khi học tập.
Hai là, chú trọng giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác của đảng viên trong học tập nghị quyết Các cấp ủy tổ chức Đảng, chi bộ cơ sở phải thường xuyên thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên về ý thức học tập, tự giác nghiên cứu và tích cực tham gia thảo luận, góp ý xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường giáo dục, kiểm tra để giúp đảng viên hiểu rõ, nói đúng và làm đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng. Vận dụng những phương pháp, cách làm phù hợp để khích lệ đảng viên góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống thông qua những nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết phù hợp với điều kiện, đặc thù của đối tượng; Quy mô lớp học không nên quá đông, ngoài báo cáo viên cần có các đồng chí bí thư, phó bí thư và đảng uỷ viên tham gia điều hành lớp và điều hành khi chia tổ thảo luận. Trong kế hoạch học tập, phải dành thời gian thích đáng cho việc thảo luận, đảm bảo thời gian để đảng viên trao đổi, hiểu sâu về nội dung nghị quyết cũng như chương trình hành động của cấp ủy. Tài liệu học tập cần được gửi trước cho đảng viên nghiên cứu. Phải duy trì hình thức điểm danh, đánh giá phù hợp, nhắc nhở, kiểm điểm đối với những đảng viên “trốn học” không có lý do, hoặc học tập không nghiêm túc…
Bốn là, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên; Cấp uỷ các cấp cần thường xuyên tăng cường bồi dưỡng, cung cấp tài liệu, thông tin thời sự, tập huấn kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên. Quan tâm kiện toàn, bổ sung đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp; phân công báo cáo viên báo cáo nghị quyết theo các chuyên đề phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Duy trì tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ nhằm cung cấp, định hướng kịp thời những vấn đề mới và trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ. Đội ngũ báo cáo viên các cấp phải sinh hoạt chuyên môn trước để thống nhất nội dung, kiểm soát chất lượng trước khi triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết cho cơ sở. Báo cáo viên phải sử dụng thuần thục các phương tiện giảng dạy hiện đại phục vụ việc biên soạn giáo án, sưu tầm tư liệu clip, hình ảnh, âm thanh, trích đoạn phóng sự…, bổ sung cho đề cương tuyên truyền. Cần lựa chọn phương pháp hình thức, nội dung truyền đạt phù hợp với người học, tùy theo đối tượng là đảng viên ở địa bàn dân cư, đảng viên trong doanh nghiệp hay trường học. Muốn vậy, báo cáo viên không chỉ nắm vững nội dung của nghị quyết, mà còn phải am hiểu các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế để làm sáng tỏ tinh thần của nghị quyết một cách thuyết phục nhất. Cần nói ngắn, gọn, dùng từ ngữ dễ hiểu; tập trung giới thiệu những điểm mới của nghị quyết so với các nghị quyết cùng nội dung trước đây; có liên hệ giữa nghị quyết với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương, tuyệt đối không “đọc” nghị quyết.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc học tập quán triệt nghị quyết Các cấp ủy Đảng cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc học tập nghị quyết tại các tổ chức Đảng trực thuộc theo định kỳ 6 tháng, một năm sơ kết, tổng kết chương trình hành động. Quá trình giám sát, kiểm tra cần căn cứ vào từng chủ đề nội dung nghị quyết để đúc kết kinh nghiệm thực tế, tìm ra những phương thức phù hợp nhất, hiệu quả nhất nhằm tạo sự lan tỏa, góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống; đồng thời chỉ rõ những mặt hạn chế, nguyên nhân để rút kinh nghiệm. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy phải được thực hiện nghiêm, khách quan, công tâm, quyết liệt...