“Tháng 5 sẽ có vua Mông ở Mường Nhé”, “Những ngày đầu tháng 5/2011 tại Mường Nhé sẽ xuất hiện lực lượng siêu nhiên” và thế lực này sẽ mang bà con về “một miền đất hứa” ở đó mọi người sẽ được “ban sức khoẻ, hạnh phúc, sự giàu sang và phú quý”, “Những người Mông đến đây sẽ được chúa trời giáng trần cứu thế”…để tuyên truyền kích động, lôi kéo, lừa mị, cưỡng bức hàng ngàn người Mông ở các xã của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và người Mông ở một số địa phương, như: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang và số người Mông Tây Bắc trước đây di cư tự do vào Đắk Lắk, Đắk Nông, nay lôi kéo, dụ dỗ họ quay trở lại, kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để tập hợp lực lượng “xưng vua”, đòi chia đất để thành lập “Vương quốc Mông”.
Do số lượng người Mông tập trung về bản Huổi Khon khá đông trong một thời gian ngắn nên đã làm xáo trộn đời sống và công việc sản xuất bình thường của người dân địa phương, gây nên tình trạng thiếu lương thực, nước uống, mất vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của đồng bào, nhất là với người già, phụ nữ, trẻ em. Trong khi đó, số phần tử cực đoan, quá khích đã có những hành vi vi phạm pháp luật, như: hình thành vùng quản lý riêng, tổ chức lực lượng canh gác, ngăn cản không cho cán bộ chính quyền địa phương vào khu vực đó, bắt giữ người thi hành công vụ, đưa ra những điều kiện và yêu cầu trái pháp luật… Những hành động này đã tác động rất xấu đến an ninh, trật tự ở địa phương. Qua tố giác của quần chúng cho thấy, các phần tử xấu đã o ép, cưỡng bức và lừa gạt đồng bào Mông nhiều nơi bỏ sản xuất, ruộng vườn, trâu bò để kéo về Mường Nhé, khiến cuộc sống của họ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Các thế lực thù địch ở ngoài nước đã lợi dụng sự kiện này tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp người dân tộc thiểu số Tây Bắc; can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
II. Việc giải quyết tình hình phức tạp ở Mường Nhé của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
Trước tình hình trên, để lập lại an ninh, trật tự trong vùng, đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân, dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và được sự ủng hộ của nhân dân, các cơ quan ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Điện Biên và huyện Mường Nhé đã tiến hành công tác tuyên truyền, vận động quần chúng không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các phần tử xấu; tăng cường công tác quản lý dân cư, nắm dân, vận động và tổ chức đưa đồng bào về nơi cư trú. Lực lượng chức năng cũng đã kiên quyết đấu tranh với các đối tượng quá khích, bắt giữ một số đối tượng, thu giữ 30 - 40 kg thuốc nổ dạng diêm sinh dùng cho súng kíp, một số cung tên, dao, gậy gộc…
Bằng các giải pháp đồng bộ, đến nay đa số các gia đình Mông di cư từ các địa phương khác trong cả nước đã trở về nơi cư trú. Chính quyền địa phương đã bố trí phương tiện, trợ cấp tiền, lương thực, hỗ trợ y tế đã kịp thời chữa trị những người ốm đau; xử lý môi trường tại các điểm tụ tập đông người.
Công tác thông tin trên báo chí được chỉ đạo kịp thời, phù hợp từ khi xảy ra vụ việc, góp phần làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ; kịp thời đấu tranh, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch.
Đến nay, về cơ bản, tình hình huyện Mường Nhé đã ổn định, người dân trở về nơi ở cũ, yên tâm sản xuất, sinh sống; công tác an ninh trật tự được đảm bảo. Đồng bào các dân tộc huyện Mường Nhé đã tích cực tham gia bầu cử Quốc hội khoá XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Trong việc giải quyết vụ việc trên, các mục tiêu đặt ra đều được giải quyết nhanh gọn, giải tán hàng ngàn người tụ tập tại bản Huổi Khon, không để xảy ra thương vong, chết người. Thời gian giải quyết nhanh trong vòng 6 ngày, làm thất bại âm mưu “xưng vương”, đòi lập “vương quốc Mông” của các thế lực thù địch và phần tử phản động. Kết quả đó là do sự chỉ đạo kịp thời, thống nhất, cương quyết từ Trung ương đến địa phương.
III. Nguyên nhân xảy ra vụ việc.
1. Do các nhóm phản động người Mông ở ngoài và trong nước tuyên truyền kích động, lừa bịp bằng những luận điệu dị đoan, tác động đến một bộ phận quần chúng.
2. Các thế lực thù địch âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo gắn với vấn đề dân tộc để thực hiện ý đồ lập “Vương quốc Mông tự trị”.
3. Kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào Mông thời gian qua từng bước được nâng lên, song có một bộ phận còn nhiều khó khăn; vấn đề di cư tự do ở các nơi khác đến đây còn diễn biến phức tạp.
4. Công tác nắm tình hình tư tưởng trong dân còn có những mặt hạn chế, chưa kịp thời.
IV. Một số định hướng tuyên truyền
1. Một số định hướng tuyên truyền trước mắt.
- Tập trung tuyên truyền giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ tình hình, nguyên nhân, bản chất vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xảy ra ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, không để lan truyền những thông tin sai lệch, tác động xấu đến sự ổn định chính trị - xã hội và vấn đề đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời thông tin rõ chính quyền địa phương không cản trở bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào muốn đến Mường Nhé để tìm hiểu một cách khách quan và theo đúng quy định của pháp luật.
- Tuyên truyền làm rõ việc kích động, lôi kéo đồng bào Mông về Mường Nhé để thành lập “vương quốc Mông” là âm mưu, hoạt động nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là thủ đoạn gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá nước ta.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo là người dân tộc Mông trong công tác nắm tình hình tư tưởng, vận động quần chúng và giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh trong vùng đồng bào dân tộc Mông; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về công tác này, ưu tiên chỉ đạo và kinh phí để thực hiện ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp để góp phần ổn định tình hình.
- Tuyên truyền khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và sự bình đẳng giữa các dân tộc; đồng thời kiên quyết bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Nhà nước luôn thực thi các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trên thực tế, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội về nhà ở, đất sản xuất, đường giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa đã được triển khai thực hiện tại huyện Mường Nhé. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc huyện Mường Nhé tuy còn nhiều khó khăn nhưng từng bước đang được cải thiện.
- Định hướng cho các cơ quan báo, đài đưa tin chính xác, khách quan về tình hình vụ việc xảy ra ở Mường Nhé và việc xử lý kịp thời, có hiệu quả của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
- Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống báo cáo viên đấu tranh, bác bỏ các luận điệu của các thế lực thù địch trên mạng Internet, một số blog tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm dân chủ, nhân quyền; kích động gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, làm giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.
- Các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết luận tại hai Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức ngày 24 - 25 tháng 5 năm 2011: Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào; Hội nghị công tác tôn giáo vùng Tây Bắc.
2. Một số định hướng tuyên truyền lâu dài.
- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số nâng cao lòng yêu nước, truyền thống đại đoàn kết giữa các dân tộc; hiểu rõ chính sách dân tộc nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ”.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, làm cho nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, đồng bào Mông nói riêng hiểu rõ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của nhân dân các dân tộc Tây Bắc với các khu vực khác trong cả nước, củng cố niềm tin của các dân tộc vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thù địch. Thực hiện có hiệu quả đề án phủ sóng phát thanh, truyền hình tới các thôn, bản vùng Tây Bắc, nâng cao chất lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 975-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp không thu tiền một số tờ báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng cán bộ người dân tộc, bao gồm cả cán bộ làm công tác tư tưởng, báo chí, văn hóa…
- Đổi mới việc nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội; tăng cường trao đổi nghiệp vụ, giao ban an ninh giữa các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác của hệ thống chính trị ở cơ sở từ khâu nắm dân; phát hiện, tham mưu đến tổ chức đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn của các thế lực thù địch và phản động. Đề cao ý thức trọng dân, sát dân, có trách nhiệm với dân của cán bộ, đảng viên.
- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và các khu vực trọng điểm, kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng sơ hở để thực hiện ý đồ cho ra đời cái gọi là “vương quốc Mông”.
- Thông qua công tác tuyên truyền vụ việc xảy ra ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, nắm chắc tình hình ở cơ sở, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa những tình huống bất ngờ để tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
(Nguồn Ban Tuyên giáo Trung ương)