Di tích Ban tuyên giáo Trung Ương tại Tân Trào

  • /
  • 8.8.2011 - 0:0

Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 2-4-1947, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại làng Sảo, xã Hợp Thành, sau chuyển đến Tân Trào, Sơn Dương.

Địa điểm làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng nằm trên một quả đồi tại thôn Thia. Cơ sở vật chất bao gồm nhà ở, nhà làm việc và một bếp ăn tập thể cho cán bộ nhân viên trong ban. Một thời gian sau, khi cơ quan ổn định nơi ở, làm thêm một hội trường rộng để sử dụng cho công việc tập huấn, hội họp, duyệt và biểu diễn văn nghệ, chiếu phim ảnh...Tất cả các ngôi nhà đều được làm bằng gỗ, tre, nứa khai thác tại chỗ, mái nhà lợp lá cọ, đuôi mái được xén phẳng, gọn gàng, nhà cửa được làm thoáng mát dưới những tán cây rừng kín đáo. Xung quanh cơ quan có hệ thống hầm hào phòng không bảo đảm an toàn.
 

Trong thời gian này, Ban Tuyên huấn Trung ương dần dần được phát triển và có thêm tiểu ban chuyên trách như: Tiểu ban Văn hóa Trung ương. Ban còn phát hành báo Đảng, đó là tờ “Sinh hoạt nội bộ”. Thời gian này, đồng chí Trần Quang Huy, Chánh Văn phòng Tổng Bí thư được đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh giao phụ trách công tác tuyên truyền, tờ báo Sự Thật và tờ “Sinh hoạt nội bộ”.
 
Đầu năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng huấn luyện, tháng 5-1950, Ban Bí thư triệu tập Hội nghị huấn luyện toàn quốc lần thứ nhất tại Hội trường của Ban tại thôn Thia, xã Tân Trào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với hội nghị. Người nhấn mạnh ba vấn đề lớn: Phải thiết thực, chu đáo trong công việc huấn luyện; phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học; khuyết điểm cần sửa chữa ngay trong việc huấn luyện. Người nêu ra 6 điểm về cách huấn luyện cần chú ý: “Cốt thiết thực, chu đáo, hơn tham nhiều; huấn luyện từ dưới lên trên; gắn liền lý luận với công tác thực tế; phải nhằm đúng nhu cầu; chú trọng việc cải tạo tư tưởng; lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc, đồng thời phải học nhiều nghị quyết, chỉ thị, luật, lệnh của đoàn thể và Chính phủ”…
 
Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng vùng biên giới rộng lớn ở phía bắc, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc... Ban Tuyên huấn Trung ương tập trung vào việc tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng là tập hợp toàn bộ lực lượng, công sức, tiến hành 2 nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Cuối năm 1950, để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình, Chiêm Hóa vào tháng 2-1951, phần lớn các đồng chí cán bộ trong Ban Tuyên huấn Trung ương rời Tân Trào lên Chiêm Hóa để phục vụ Đại hội. Sau Đại hội, cán bộ của Ban lại trở về thôn Thia, xã Tân Trào ở và làm việc.
 
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương đã tổ chức việc bồi dưỡng chính trị cho văn nghệ sỹ, lập các đội công tác đi sát quần chúng để phục vụ việc tuyên truyền đường lối kháng chiến và mở rộng các phong trào quần chúng.
 
Ngày 16-4-1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết về việc thành lập các ban, tiểu ban giúp việc và chỉ định cán bộ vào các ban, tiểu ban. Ban Tuyên huấn Trung ương do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban, đồng chí Tố Hữu làm Phó ban thường trực.
 
Ngày 5-10-1951, Ban Tuyên huấn Trung ương lập thêm các tiểu ban: tiểu ban tuyên truyền; tiểu ban biên tập; tiểu ban huấn luyện (huấn học); tiểu ban giáo dục, tiểu ban văn nghệ. Ngoài ra còn có các ban tuyên huấn hoạt động ở vùng hậu địch, tuyên huấn tiền phương, tuyên huấn dân tộc.
 
Đầu năm 1952, tại thôn Thia, xã Tân Trào, Ban Tuyên huấn Trung ương đã tổ chức đợt triển lãm hội họa toàn quốc. Trong dịp này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư thân ái hỏi thăm anh chị em họa sỹ và các văn nghệ sỹ... Trong thư Người viết: “Văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy.... Chiến sỹ nghệ thuật có nhiệm vụ phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh... Chiến sỹ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng... vì sáng tác thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân... Muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp phê bình và tự phê bình...”
 
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa II), cuộc vận động chỉnh huấn trong Đảng, trong quân đội, chính quyền, đoàn thể được tiến hành. Ban Tuyên huấn Trung ương đã mở hai lớp chỉnh huấn đầu tiên cho nhân sỹ trí thức tiêu biểu trong, ngoài Đảng tại hội trường của Ban tại thôn Thia, xã Tân Trào, với phương châm “thông tư tưởng, mở dọn đường cho công tác phản phong” sắp tới. Lớp học vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự khai mạc và trực tiếp giảng dạy. Trong buổi khai mạc, Người nói: “... Để khẳng định sâu sắc quyết tâm phản đế, phản phong trong cuộc giao tranh nay mai, mục đích của chỉnh huấn lần này là để tư tưởng ta phải dứt khoát đoạn tuyệt với cái ác, làm cho cái thiện hoàn toàn thắng… Trí thức có nhiều ưu điểm mà cách mạng cần đến trí thức, phải làm sao cho anh em trí thức dân chủ rồi đây sẽ đoàn kết chặt chẽ với anh em cộng sản...”
 
Các lớp chỉnh huấn tiếp theo được Ban Tuyên huấn Trung ương mở liên tục cho các cấp và đã được hầu hết cán bộ tham gia và luôn được các cấp ủy lãnh đạo chặt chẽ. Chỉnh huấn đã làm cho cán bộ thấu suốt hơn đường lối cách mạng, quan điểm kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, quan điểm quần chúng, nâng cao ý chí quyết tâm chống đế quốc, phong kiến, chống khuynh hướng bi quan, dao động.
Trong thời gian ở và làm việc tại thôn Thia, xã Tân Trào, Ban Tuyên huấn Trung ương đã hoàn thành trọng trách giúp Trung ương Đảng về công tác tuyên, nghiên, văn, giáo, huấn và phụ trách tờ báo Nhân Dân - cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam. Trong điều kiện kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, Ban Tuyên huấn Trung ương đã không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về đội ngũ và chuyên môn nghiệp vụ. Thực hiện công tác tuyên truyền, Ban Tuyên huấn Trung ương đã giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò tiên phong cách mạng, gắn bó chặt chẽ với quần chúng nhân dân, chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong Đảng để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Ở và làm việc tại thôn Thia, xã Tân Trào từ năm 1949 đến năm 1953, Ban Tuyên huấn Trung ương đã có mối quan hệ mật thiết với nhân dân địa phương. Các đồng chí cán bộ thường xuyên đến hỏi thăm các cụ già, trẻ em bị ốm đau trong làng, mở lớp bình dân học vụ vào buổi tối cho nhân dân. Bà con nhân dân thôn Thia cũng thường xuyên biếu rau xanh, lương thực cho cán bộ cơ quan, nhường đất cho cơ quan tăng gia sản xuất...
 
Hiện nay, địa điểm ở và làm việc của Ban Tuyên huấn Trung ương tại thôn Thia, xã Tân Trào đã trở thành một điểm di tích lịch sử quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử trong khu di tích lịch sử Tân Trào - ATK. Năm 2005,di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Di tích đã được xây dựng một nhà bia ghi dấu một thời kỳ hoạt động đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của Ban Tuyên giáo Trung ương .

  • |
  • 1058
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ